11/07/2019
9026
0
Học người Nhật triết lý kinh doanh

Triết lý kinh doanh, tư chất chung của các nhà kinh doanh tiêu biểu Nhật Bản đều hướng đến mục tiêu vì sự phát triển của đất nước và vì hạnh phúc của cộng đồng.

 

Với người Nhật, họ xem triết lý kinh doanh là sứ mệnh của doanh nghiệp, là hình ảnh mà doanh nghiệp mong muốn tạo dựng trong xã hội.

Triết lý kinh doanh vì sự phát triển của đất nước

Triết lý kinh doanh hướng đến mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, giúp ích xã hội và vì hạnh phúc của nhân dân đã và đang được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản xem là sứ mệnh của doanh nghiệp mình.

Ibuka Masaru - cha đẻ của tập đoàn Sony, trong diễn từ tại buổi lễ thành lập Công ty Sony năm 1946 đã nói một câu làm xúc động lòng người: "Ta phải đem công nghệ góp phần vào phục hưng tổ quốc chúng ta". Các nhà kinh doanh tiêu biểu khác như Matsushita Konosuke (sáng lập Panasonic), Toyoda Kiichi (sáng lập Toyota), Honda Soichiro (sáng lập Honda) và rất nhiều doanh nhân khác cũng có cùng triết lý đó.

Ngày nay, những người kế tục sự nghiệp cũng gìn giữ tinh thần vì đất nước, vì xã hội của thế hệ trước để phát triển công ty.

Các doanh nghiệp Nhật luôn mong muốn những sản phẩm mà mình làm ra phải đạt chất lượng hoàn mỹ, đem lại những trải nghiệm tuyệt vời đến với cộng đồng và xã hội. Vì vậy, họ nỗ lực trong sản xuất, nghiên cứu chuyên sâu, khám phá những nền tảng công nghệ tiên tiến… để sản xuất và cung cấp các dịch vụ tiêu chuẩn chất lượng cao, đem lại sự hài lòng cho cộng đồng.

Triết lý kinh doanh đề cao sự tử tế

Một doanh nhân người Nhật cúi đầu cảm ơn khách đổ xăng tại cây xăng do ông kinh doanh như một cam kết truyền thông: “Chúng tôi sẽ buôn bán tử tế!”. Nguồn ảnh: internet.

Từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, không chỉ tại Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, những sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản luôn là sự lựa chọn yêu thích nhất của người tiêu dùng. Trước khi thực sự được tiếp xúc với dịch vụ Nhật Bản, người ta thích hàng Nhật bởi chất lượng vượt trội. Sau khi các dịch vụ Nhật thâm nhập vào Việt Nam hay các thị trường quốc tế, khách hàng còn bất ngờ hơn nữa bởi sự uy tín, cẩn trọng, ân cần trong việc kinh doanh và đối đãi với khách.

Không chỉ thông tin đúng sự thật về sản phẩm dịch vụ mà người Nhật sẽ luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Đó không chỉ là một câu khẩu hiệu, mà là nhận thức từ trong mỗi người làm dịch vụ, kinh doanh, sản xuất ở xứ sở hoa anh đào này. Từ nhận thức được, họ sẽ hành động theo mà không cần phải dương cao khẩu hiệu, học thuộc bài học mà ông chủ yêu cầu hay miễn cưỡng làm cho xong.

Và đó là lý do vì sao chúng ta luôn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhân viên cười thật tươi, cúi gập người chào khách khi bước vào một cửa hàng Nhật, hay thậm chí là hình ảnh người lãnh đạo và nhân viên cúi gập người xin lỗi khách hàng hoặc người dân dù lỗi đó không hoàn toàn do chính họ gây ra…

Triết lý kinh doanh theo chủ nghĩa “đại gia đình”

Inamori Kazuo, nhà sáng lập hãng điện tử khổng lồ Kyocera, nhà cố vấn có quyền hạn cao nhất của Hãng cung cấp dịch vụ mạng viễn thông KDDI và cũng là người "tái sinh" Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines) là một trong những doanh nhân tiêu biểu với triết lý kinh doanh: "Vì một tương lai hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần cho toàn thể nhân viên".

Theo Inamori Kazuo, trước tiên, doanh nhân phải đặt mục tiêu kinh doanh lớn nhất là mang lại hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần cho nhân viên.

Nguồn ảnh: internet

“Nếu muốn có trứng hãy chăm sóc cho những con gà mái. Một khi bạn hành hạ hay giết nó thì điều đó sẽ chẳng thể thực hiện được. Hãy kinh doanh với chủ nghĩa đại gia đình. Liệu bạn có thể hy sinh bản thân và cố gắng hết sức vì nhân viên không? Nếu là những ông bố, bà mẹ, chắc chắn bạn sẽ nghĩ cho con cái trước tiên đúng không? Trường hợp này cũng giống như vậy!”.

Người lãnh đạo phải thể hiện rõ triết lý kinh doanh của mình cho mọi nhân viên, trong đó khẳng định công ty luôn hướng tới sự phát triển của họ, đồng thời giải thích ý nghĩa xã hội mà công việc của họ mang lại. Điều này khiến mọi nhân viên đều cảm thấy tự hào về công ty và sẵn sàng cống hiến hết sức cho thành công của công ty.

Triết lý xem kinh doanh là con đường để tu thân

Để theo đuổi khát vọng lớn, doanh nhân phải biết vứt bỏ cái tôi tư lợi, ngày ngày nỗ lực, luôn luôn nỗ lực hơn bất kỳ ai và nỗ lực đến lúc chết.

Ishida Baigan, một thương nhân tiêu biểu của Kyoto, ông tổ của “Tâm học Thạch Môn” (nghĩa là học về cái tâm) đã truyền bá rộng rãi tư tưởng: “lao động là tu dưỡng nhân cách”. Theo đó, ông chỉ ra rằng: “Kinh doanh là con đường để mọi người lao động tu dưỡng tinh thần, hoàn thiện bản thân. Con đường của một thương nhân chân chính nằm ở lòng thành làm nên những sản phẩm vừa tốt vừa rẻ”.

Nhật Bản là một trong những quốc gia ít ỏi trên thế giới có những doanh nghiệp được thành lập từ 1.000 năm trước. Trên thế giới hiện tại có 5.586 công ty có lịch sử trên 200 năm thì Nhật Bản đã có đến 3.128 công ty, chiếm 56%. Còn công ty có lịch sử trên 100 năm thì Nhật Bản có khoảng 15.000 công ty, và các công ty này với bề dày lịch sử đã tạo nên những tập đoàn kinh tế-công nghiệp khổng lồ với thương hiệu uy tín toàn cầu. Họ có rất nhiều những triết lý kinh doanh đặc trưng, những khái niệm mà chỉ có ở Nhật Bản. Nhưng đa phần đều mang văn hoá và triết lý kinh doanh toàn tâm hướng đến phục vụ cộng đồng và phát triển xã hội.

Vì vậy, muốn làm ăn ở Nhật, muốn làm ăn với người Nhật và muốn kiếm được tiền, bạn phải đồng hóa với “đạo” và triết lý kinh doanh của người Nhật.
*******************************

Ra đời vào năm 2006 tại Việt Nam, Esuhai chọn Nhật Bản là đối tác đầu tiên và duy nhất để hợp tác làm ăn. Điều này đã được thể hiện rất rõ nét và nổi bật trong tên gọi và logo của Esuhai.

 

Trong suốt 13 năm hình thành và phát triển, Esuhai luôn nhận định, tất cả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản trước tiên phải xuất phát từ chữ “TÂM”.

Esuhai chọn “GIÁO DỤC”“VIỆC LÀM” là cơ sở cốt lõi cho sự phát triển một xã hội phồn vinh và bền vững nhất. Vì vậy, Esuhai xem chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là phương thức để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho Việt Nam.

Theo đó, trong hoạt động của mình, Esuhai không ngừng nỗ lực nhằm mang lại hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, với khát vọng mở ra một tương lai mới tốt đẹp hơn cho các bạn trẻ Việt Nam, cũng như mang lại sự yên tâm cao nhất cho các Hiệp hội, công ty tiếp nhận Nhật Bản.

Trong triết lý kinh doanh của mình, Esuhai không chỉ đặt mục tiêu thu lợi nhuận cho doanh nghiệp mà thông qua hoạt động sẽ đem lại giá trị hữu ích, bền vững cho những người tham gia, cho cộng đồng và cho xã hội, theo công thức: “Three Win” = “Anh thắng – Tôi thắng - Xã hội cùng thắng”.

Tại Việt Nam, những công ty lớn, có uy tín và được nhiều người biết đến cũng mang trong mình những triết lý kinh doanh tiêu biểu và đề cao tính nhân văn. Họ đặt sứ mệnh của doanh nghiệp hướng đến mục tiêu nâng tầm thương hiệu và chất lượng Việt Nam trên bản đồ thế giới; Hoạt động kinh doanh không tối đa hóa lợi nhuận mà phải hài hòa với lợi ích, vì cộng đồng; Doanh nhân phải là người mang lại giá trị cho khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ, có đóng góp cho cộng đồng, xã hội và nền kinh tế…

Và Esuhai tin tưởng rằng, triết lý kinh doanh hướng đến những giá trị tốt đẹp, hợp với lẽ tự nhiên sẽ là chỉ dẫn hiệu quả đến sự phát triển bền vững.  

scroll top