27/06/2019
13425
0
Bàn về văn hóa làm việc của Nhật: Người Nhật làm việc vì thích làm việc

Làm việc suốt đời và coi trọng lao động là một nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản. Đa phần người dân Nhật đến 70, 80 tuổi vẫn làm việc, bởi vì họ muốn và thích làm việc.

Tại Nhật Bản văn hóa này đã tồn tại từ hàng trăm năm trước và được duy trì tới tận ngày nay, qua nhiều thế hệ, trong từng gia đình, từng thành viên cho đến những đứa trẻ.

Khác với nhiều quốc gia Châu Á khác, Nhật Bản là đất nước không được thiên nhiên ưu đãi, không có tài nguyên và từng kiệt quệ vì chiến tranh… Tất cả mọi thứ họ muốn, họ cần đều phải do quá trình lao động, làm việc miệt mài mà ra. Từ đó, Chính phủ Nhật một mặt đề ra các cơ chế chính sách vận động người dân tập trung vào lao động sản xuất, mặt khác khuyến khích người dân di cư ra nước ngoài học hỏi làm kinh tế, sau đó lại khuyến khích những người này quay trở về làm việc, sản xuất, chế tạo và phát triển tại quê nhà. Các thế hệ trẻ em Nhật được sinh ra chịu ảnh hưởng bởi sự giáo dục của xã hội và gia đình như trên mà dần hình thành ý thức tự lập, vươn lên, coi trọng lao động, coi việc làm việc, sáng tạo ra sản phẩm và những giá trị thiết thực là mục tiêu và lý tưởng của cuộc sống.

Các thanh niên Nhật khi đủ tuổi thành nhân (20 tuổi) sẽ bắt đầu đi xin việc làm để có tiền tự lo ăn, học, sinh hoạt, nuôi sống bản thân và cha mẹ bắt đầu không chu cấp cho con cái nữa.

 

Người Nhật lao động cường độ cao, tạo ra năng suất cao. Các nhân viên làm việc rất nhiều và theo thời gian công việc ngày càng mở rộng, càng phức tạp và càng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Những nhân viên có thâm niên lâu năm cùng với kinh nghiệm dày dặn, chuyên môn cao, tay nghề giỏi sẽ được giữ những vị trí quản lý, thợ cả hoặc truyền dạy nghề cho các thanh niên trẻ và tất nhiên họ được nhận mức lương cao.

Tại Nhật, nếu một người đi làm từ 20 – 65 tuổi thì khi về hưu sẽ nhận mức lương hưu tối thiểu là 2.000 USD/tháng. Mức lương này đủ để họ tự lo cho cuộc sống, không cần sự chu cấp từ con cái và cũng không phiền hà đến người khác. Ngược lại, nếu thất nghiệp hay bỏ việc giữa chừng thì người lao động sẽ gặp khó khi tìm việc mới và các chính sách bảo hiểm sẽ bị gián đoạn. Điều này dẫn đến khi về già hoặc là họ không nhận được lương hưu hoặc số tiền nhận được không đủ sống đến hết đời, cuộc sống sẽ mất cân bằng và gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, người Nhật có lòng tự trọng không muốn xin người khác, kể cả người thân nên họ phải tự lập làm việc đến suốt đời. Vì vậy cùng với văn hóa làm việc suốt đời thì người Nhật còn có văn hóa gắn bó suốt đời với doanh nghiệp mà họ sẽ làm việc.

Một buổi phỏng vấn tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tại Công ty Esuhai

Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật sở hữu nguồn lực lao động muốn làm việc, thích làm việc và gắn bó với công việc suốt đời, giúp các doanh nghiệp Nhật ổn định nhân sự, có nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm chuyên môn, tay nghề trong sản xuất, chế tạo và cải tiến. Đây chính là nền tảng và bệ phóng giúp cho các doanh nghiệp Nhật tạo ra được số lượng sản phẩm ngày càng nhiều hơn, chất lượng ngày càng tốt hơn, càng cải tiến, càng nhiều tính năng thích ứng thị trường và nhu cầu người sử dụng… Từ đó giúp các doanh nghiệp Nhật tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu, tiên phong trên toàn thế giới và tất yếu doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển, giá trị thặng dư và lợi nhuận lớn. Khi doanh nghiệp phát triển, tăng giá trị và doanh thu đương nhiên doanh nghiệp đủ sức chăm lo tốt hơn cho người lao động về lương và các chính sách đãi ngộ, từ đó mà người lao động sẽ lại càng gắn bó, càng nỗ lực làm việc hơn nữa.

Bởi vậy, Nhật Bản chỉ với gần 127 triệu dân và hơn 3,8 triệu doanh nghiệp nhưng sản xuất gần như tất cả các mặt hàng, sản phẩm phục vụ cuộc sống quốc nội và xuất khẩu ra toàn thế giới từ nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ sản, y tế, xây dựng công trình tàu điện ngầm, tàu cao tốc, robot cho đến dịch vụ…

Mỗi năm Esuhai phái cử khoảng 2.000 thanh niên Việt Nam sang Nhật làm việc và học hỏi, rèn luyện ý thức tác phong làm việc chuyên nghiệp của người Nhật để trở về phát triển công việc tại Việt Nam

Vì văn hóa thích làm việc như trên mà ở Nhật có những người khá giả, giàu có vẫn muốn làm việc thay vì nghỉ ngơi ở trong nhà; có nhiều người đã về hưu và có lương nhưng vẫn đăng ký đi làm thêm, đi dọn vệ sinh công cộng tại các nhà ga, đi chăm sóc người già hơn trong các viện dưỡng lão… Đó là cách để họ tìm niềm vui trong cuộc sống, để khỏe hơn, yêu đời hơn, sống thọ hơn và được làm việc trọn đời. Kinh tế Nhật Bản là nền kinh tế khai thác triệt để nguồn lực con người từ trẻ đến già.

Việt Nam được mệnh danh là đất nước có rừng vàng biển bạc, điều kiện tự nhiên để sinh sống qua ngày thuận tiện hơn. Cùng với đó là quan niệm về công việc và làm việc của người Việt Nam và người Nhật cũng có sự khác nhau. Cho đến ngày nay, một bộ phận cha mẹ người Việt vẫn mang trong mình tâm lý mong muốn con cái khi ra trường đi làm có được một công việc nhàn hạ lương cao, không phải lao động nặng nhọc vất vả và thậm chí có những người coi việc phải lao động và lao động chân tay là nghèo, là hèn, là thấp kém.

Chính tâm lý này dẫn đến tinh thần làm việc, ý thức lao động sản xuất và sáng tạo của một bộ phận thanh niên khi ra ngoài xã hội và đi làm thì không cao. Trong khi người Nhật rất coi trọng công việc, họ làm tất cả vì sự phát triển chung của công ty cũng như luôn cống hiến hết mình cho công việc để được nhận lương, thì một bộ phận người lao động Việt Nam thường làm hết giờ sẽ về hoặc làm đúng khối lượng công việc tương ứng với đồng lương được nhận. Người Việt Nam có trách nhiệm với công việc, nhưng nếu phải chọn lựa giữa công việc và gia đình, có thể người Việt Nam sẽ ưu tiên gia đình hơn. Họ cũng rất dễ nhảy việc khi công việc và mức lương không như ý. Dẫn đến nhiều lao động tuổi thì cao nhưng tay nghề chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và năng suất lao động không tương ứng… khiến cho doanh nghiệp không tạo ra được nhiều sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm chất lượng cao, không tạo ra lợi nhuận và doanh thu, không phát triển… dẫn đến thực tế là doanh nghiệp không đủ khả năng để trả lương hoặc không thể tăng lương cho người lao động. Trong khi ở độ tuổi 30 – 40, người lao động có nhu cầu và phải nhận được mức lương cao mới đủ đáp ứng điều kiện sống và chăm lo cho gia đình… Chính vòng luẩn quẩn này khiến cho người lao động thì dễ chán việc, nhảy việc, nghỉ việc, không nâng cao được tay nghề, năng lực và thu nhập, còn các doanh nghiệp thì khó phát triển cả về số lượng và chất lượng.

 

“Tại Việt Nam, những doanh nghiệp đi theo văn hóa và tinh thần của Nhật Bản sẽ tuyển được những người lao động yêu công việc, thích làm việc, muốn cống hiến, từ đó tạo ra những sản phẩm tiềm năng, giá trị cao cho doanh nghiệp thì tất yếu doanh nghiệp đó sẽ phát triển và người lao động được trả lương cao. Đây chính là mô hình mà cả doanh nghiệp và người lao động cùng vững vàng phát triển”, Lê Long Sơn, Giám đốc kiêm Hiệu trưởng Esuhai – KaizenYoshidaSchool nhận định. 

scroll top