08/08/2018
3367
0
[Kỹ sư Việt sang Nhật] Việt Nam cần lắm những thế hệ kỹ sư như thế!

“Hơn một năm trước, khi là một sinh viên ngành ô tô mới tốt nghiệp, với tinh thần rất là phấn khởi, háo hức ôm bộ hồ sơ xin việc tìm đến doanh nghiệp phù hợp với mình, em nhận ra hầu hết các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam là các đại lý phân phối ô tô và thực hiện dịch vụ sau bán hàng. Ngay lúc đó, bản thân em rất bối rối vì suốt những năm đại học em được học thiết kế, kiểm nghiệm rồi xây dựng mô phỏng các chi tiết, hệ thống trong ô tô… Dù bối rối nhưng em cũng xin vào một công ty phân phối các dòng xe của hãng Mitsubishi và vài dòng xe nâng của hãng Sumitomo.

Trong thời gian làm việc thì em phát hiện ra rằng tất cả phụ tùng, linh kiện của ô tô đều phải nhập từ nước ngoài: từ Nhật, Thái Lan, Malaysia… vì lý do đó có nhiều lúc phụ tùng không đủ, chậm trễ để phục vụ cho khách hàng, gây ảnh hưởng uy tín của công ty, chất lượng, năng suất và doanh thu giảm.

Từ lúc đó em bắt đầu suy nghĩ tại sao không có nhà máy nào tại Việt Nam sản xuất số lượng lớn phụ tùng, linh kiện cho ô tô mà đến bóng đèn, gương hậu, gạt nước cũng phải nhập từ nước ngoài? Thắc mắc của em được các thầy, các đàn anh giải đáp là vì chúng ta không có công nghệ, quy trình để sản xuất. 

Vì rất thích công việc thiết kế nên em thường lên mạng xem những đoạn phim tài liệu của các hãng xe. Và thông tin về Esuhai - Kaizen cũng đến với em trong thời gian đó. Thông qua internet và đặc biệt từ một người bạn là học viên chương trình kỹ sư của Esuhai, em nhận ra tại sao lại không đăng ký vào chương trình kỹ sư như người bạn này? Như vậy vừa có cơ hội sang Nhật, vừa có cơ hội làm công việc thiết kế mà mình yêu thích.

Em bắt đầu vạch ra kế hoạch cho bản thân theo hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ năm 25 tuổi đến 5 hoặc 7 năm sau:

Học tập thật tốt tiếng Nhật

Trang bị các kỹ năng sống, tác phong làm việc, tác phong ứng xử trong văn hóa Nhật tại Kaizen

Tìm kiếm, đăng ký phỏng vấn và đậu phỏng vấn một công ty phù hợp với sở thích đam mê của bản thân

Khi đã sang được Nhật: tích cực rèn luyện nâng cao vốn tiếng Nhật đến mức tốt nhất có thể và phải hòa nhập với cuộc sống tại Nhật một cách nhanh nhất có thể.

Chủ động học hỏi nắm bắt các công việc cơ bản một cách nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Trên nền tảng các công việc cơ bản đã nắm bắt tốt, em muốn tập trung học hỏi chuyên sâu về công việc phân tích, lên phương án, thiết kế các chi tiết, phụ tùng về hệ thống điện của ô tô. Đó là điện động cơ, điện thân xe, đặc biệt là bộ điều khiển điện tử ô tô – ECU. Sở dĩ em muốn hướng đến vấn đề này vì trong thời gian đi thực tập cũng như tốt nghiệp đi làm thì điện ô tô là điểm yếu lớn nhất mà em cũng như đa số dân kỹ thuật ô tô mắc phải, cả trong việc hiểu chuyên sâu cũng như chẩn đoán, khắc phục hư hỏng nên càng không thể nói đến việc chế tạo được nó. Em sẽ cố gắng hết sức có thể để đủ khả năng mang nó về Việt Nam, đưa vào thực tế áp dụng.

Giai đoạn 2: Sau 30 tuổi đến 40 tuổi

Lúc này em sẽ về Việt Nam thực hiện những ấp ủ cá nhân mà em đã tích lũy trong thời gian sống và làm việc tại Nhật. Em mong muốn chính bản thân sẽ giải quyết được câu hỏi tại sao Việt Nam không thể sản xuất được các chi tiết, phụ tùng ô tô hay thậm chí là cả một chiếc ô tô? Để làm được điều đó đòi hỏi em phải nỗ lực rất lớn, cùng với thế hệ đi trước cũng như thế hệ sau, sự nỗ lực của cá nhân và hợp tác của cả một tập thể lớn để tìm ra hướng đi cho ngành ô tô Việt Nam…

Đây là câu chuyện, là kế hoạch và mục tiêu khi tham gia chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật Bản của Phan Hoàng Trung – Kỹ sư Cơ khí ô tô và hiện là học viên lớp KS14 của Esuhai - KaizenYoshidaSchool. Chúc cho Hoàng Trung đủ sức khỏe, đủ nhiệt huyết và đủ may mắn để đạt được thành công bước đầu trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ ECU của mình nhé!

scroll top