25/07/2018
4235
0
[Kỹ sư Việt đi Nhật] Nữ có thể tham gia chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật?

Tự nhận bản thân là “người Việt cổ điển” nhưng ít ai biết rằng, Nguyễn Thị Lan Hương – cựu sinh viên Khoa Kiến trúc trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng là nữ học viên duy nhất lớp kỹ sư KS13 của Esuhai – KaizenYoshidaSchool. Lan Hương là một trong những học viên trúng tuyển công ty Nhật sớm nhất trong lớp, là học viên đầu tiên trong lớp trúng tuyển về mảng xây dựng và cũng là học viên trúng tuyển ngay lần đầu tiên tham gia phỏng vấn. Dự kiến tháng 8/2018 Lan Hương sẽ sang Nhật làm việc ở lĩnh vực thiết kế xây dựng tại công ty OM.

Dưới đây là chia sẻ của Lan Hương về con đường mà bạn đã chọn và kế hoạch tương lai của bạn khi trở thành một kỹ sư Việt làm việc tại Nhật. Mời các bạn cùng theo dõi nhé!

Vì bản thân là con gái, khi suy nghĩ về chặng đường 10 năm, 20 năm sau đối với em thật khó khăn và bất định. Trong lòng em luôn có những sự tranh chấp giữa chuyện gia đình, chồng con và sự nghiệp… 

Quá trình học tập và nghiên cứu 05 năm trong trường đại học về ngành kỹ thật xây dựng, em thấy mình và các bạn nữ không thể nhanh nhẹn và tiếp thu tốt như các bạn nam. Hội phụ nữ từ khi nhập học đã kết hợp kiên quyết học tập tốt, tốt hơn số đông kia nhưng vẫn không thể chiến thắng. Ngành kỹ thuật đúng là công việc của phái mạnh. 

Tuy nhiên, bản thân em là người thích tìm hiểu những kiến thức mới, đi đến những vùng đất mới, trải nghiệm những cảm giác và tiếp xúc với những nền văn hóa mới… Em thấy rằng kỹ thuật là một ngành có nhiều cơ hội việc làm, cơ hội học tập, phát triển cho phái nữ. Vấn đề là phải đủ sự quyết tâm và kiên trì, đủ kiến thức và sự cầu tiến học hỏi. Chặng đường dù xa bao nhiêu cũng bắt đầu bằng một bước chân. Việc học ngành kỹ thuật và lấy bằng kỹ sư là tấm vé để em được tham gia chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật.

Cuộc đời của mỗi người là một con đường khác nhau. Hiện tại may mắn khi được giao tụ tại một điểm đó chính là trường Kaizen và tham gia chương trình đạo tạo kỹ sư. Mỗi người một con người nhưng dường như ai cũng đang cố gắng tôi luyện bản thân, tu luyện nội lực để rồi cuối cùng đều mong đạt được hạnh phúc và thành công trong tương lai.

Tiếng Nhật thực sự là một ngôn ngữ cực khó và phức tạp. Hệ thống chữ viết tượng hình là cả một thách thức với người đầu óc khô khan như em. Chương trình học được coi là khá nặng so với cả các bạn nam nên để hoàn thành tốt chương trình với em là cả áp lực. Em thấy mình đang đuối dần so với tốc độ học của các bạn, điều đó làm em lo sợ. Càng lo thì em càng cố lao đầu vào học, học một cách vô thức không có phương pháp, do đó lại càng không nắm chắc bài học. Hàng ngày đều có bài kiểm tra… Thế rồi, sau những buổi học Oden, những lời chia sẻ của thầy cô đã làm em tỉnh ngộ. Điểm số quan trọng nhưng nó không phải là mục tiêu lớn nhất mà những người tận tâm viết ra chương trình tốt đẹp này cho chúng em học. Chương trình muốn chúng em sẽ tìm được điểm để yêu thích tiếng Nhật, có động lực học tiếng Nhật. Khi mình đã yêu thích thì hàng ngày tiếp xúc và học tập sẽ là niềm vui. Em cũng đã tìm ra cho mình một “tính cách” để yêu, đó là em muốn được nói tiếng Nhật nhẹ nhàng, mềm mại đáng yêu như những bạn nữ người Nhật.

Ước mơ của em là có thể thiết kế được những công trình kỹ thuật và thẩm mỹ cao, đặc biệt là những ngôi nhà có khả năng kháng chấn, tồn tại giữa những trận động đất. Do đó công ty mà em chọn là công ty chuyên về xây dựng dân dụng. 

Công việc mà em sẽ làm tại Nhật là thiết kế các căn nhà ở dân dụng. Để thiết kế được thì phải hiểu và nắm rõ các tiêu chuẩn của Nhật Bản. Các tiêu chuẩn này hoàn toàn khác so với ở Việt Nam nên đó là một thách thức khủng khiếp. Em luôn phải dặn lòng là người Nhật làm được, người khác làm được thì mình cũng phải làm được, không những làm được mà còn phải làm tốt hơn họ để rồi có được những kinh nghiệm, kỹ năng làm việc cho riêng mình. 

Song song với phát triển sự nghiệp thì em cũng sẽ tìm về thiên chức của mình. Em muốn làm người vợ hiền và một người mẹ tốt. Em sẽ dạy dỗ những đứa con của mình đến nơi đến chốn, cho chúng môi trường giáo dục tốt, dạy chúng cách tự lập theo khuôn khổ mà trẻ em Nhật được trang bị. Bên cạnh đó là chăm sóc và quan tâm đến người mà mình được dựa dẫm và mình cũng sẽ là điểm tựa để anh tiếp tục làm việc thật tốt. “Điều khó nhất trên đời là một người phụ nữ ý chí vững vàng mà tình cảm thì mênh mang”, em sẽ cố gắng để kết hợp hai điều này và biết nhận định đâu là thời điểm mà mình ưu tiên cho sự nghiệp hay gia đình.

Công ty mà em sẽ làm việc hiện chưa có chi nhánh tại Hà Nội nên trong khi làm công việc của kỹ sư thì em cũng sẽ học hỏi thêm về quản trị, những kỹ năng cần thiết để có thể trở thành một người quan trọng trong dây chuyền công việc, có thể đưa ra ý tưởng, thiết kế, truyền đạt lại cho nhân viên, điều hành được công việc và được công ty tin tưởng, tiến tới mở chi nhánh tại quê nhà. Mục tiêu của em là sau khoảng 10 - 15 năm làm việc tại Nhật sẽ trở về quê nhà. Em luôn xác định mình phải có đóng góp cho đất nước còn đang khó khăn của mình. Một công ty xây dựng Việt mang chất lượng Nhật Bản là mục tiêu của em. 

Nếu ví cuộc đời con người như một cái cây thì em muốn đến giai đoạn này mình đã trở thành một cái cây đủ vững chắc, được vươn những nhánh nhỏ để có thể đón những ánh sáng kiến thức, nở những bông hoa thật đẹp, có ích cho cuộc sống.

Hạnh phúc không phải đích đến mà nó là cả một quá trình. Cuộc sống vui buồn sướng khổ là do góc nhìn của mỗi người. Vui vẻ đón nhận mọi điều, với cách đó mình sẽ thấy mọi chuyện thật nhẹ nhàng. Quan trọng là phải luôn hết mình, phải có mục tiêu để hướng đến, luôn cải tiến để phát triển, để khi nhìn lại mình vẫn sẽ luôn mỉm cười mãn nguyện.

Ở thời điểm hiện tại em vẫn đang là một viên “linh đơn”của “lò luyện” Kaizen. Em sẽ luôn cố gắng để khi nhắc đến, thầy cô kính mến của em cũng có thể mỉm cười vì thầy cô cũng đang là một cái cây vươn sải những nhánh vững chắc cho chúng em được đón ánh sáng tri thức văn minh của nước Nhật tiến bộ. “Khi ước mơ đủ lớn, tất cả chỉ là chuyện nhỏ”.

scroll top