29/06/2015
5389
0
Sướng và khổ

ESO - Bạn làm việc không cảm thấy say mê? Lương mãi không tăng? Bạn nghèo, đất nước của bạn nghèo. Cũng nằm ở châu Á nhưng người Nhật say mê công việc, nước Nhật giàu thứ ba thế giới. Vì sao có sự khác biệt này? Nếu các nhà lịch sử lý giải sự khác biệt nằm ở thời cơ trong lịch sử. Nhà kinh tế học lý giải bằng tính hiệu quả của các chính sách kinh tế… thì trong giờ học Oden, thầy Hiệu trưởng và các bạn học viên KaizenYoshidaSchool cùng trao đổi, phân tích và lý giải bản chất của sự khác biệt để nhận thấy rằng ngọn nguồn của khác biệt nằm ở gốc tư duy.

Những câu trả lời trung thực của các bạn học viên và phân tích logic của thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn xung quanh vấn đề “sướng - khổ” đã cho thấy sự đối lập trong quan niệm làm việc giữa người Việt và người Nhật.

“Sướng - khổ” trong lao động

Quan niệm “sướng - khổ” của các bạn trẻ:

Bảng 1

Sướng Khổ
  • Làm công việc yêu thích
  • Được đánh giá cao
  • Giỏi tiếng Nhật
  • Không làm nhưng vẫn có tiền
  • Làm việc không cần đầu tư suy nghĩ
  • Làm công việc nhàn hạ, không bị la rầy
  • Cho ít nhận nhiều
  • Kiếm được nhiều tiền
  • Có địa vị cao trong xã hội
  • Chăm lo được cho gia đình
  • Đạt được mục tiêu
  • Tự lập
  • Làm việc 8 tiếng/ngày, thức dậy lúc 7 giờ
  • Làm nhiều nhưng lương thấp
  • Thua kém người khác
  • Đi xin việc
  • Làm việc phải suy nghĩ nhiều
  • Làm cấp dưới
  • Không nuôi sống được gia đình
  • Không có việc làm
  • Không có mục tiêu

Nhìn chung, quan niệm về sướng khổ trong công việc của các bạn trẻ thiên về sự nhàn hạ, nhẹ nhàng, né tránh thử thách và áp lực. Từ những suy nghĩ “sướng - khổ” của các bạn, có thể đặt ngược vấn đề: “Những suy nghĩ sướng - khổ thiếu tính tích cực của các bạn trẻ đến từ đâu?”

Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn phân tích: “Ngay từ lúc còn nhỏ các em đã được dạy để tư duy theo lối “có sẵn”, hướng các em đến sự hưởng thụ thành quả. Nhà trường dạy các em rằng “đất nước ta rừng vàng biển bạc”; ba, mẹ dạy các em rằng: “học hành kiếm cái bằng để đừng cực khổ như ba, mẹ”. Các em không được tiếp cận với lối tư duy “nước ta là một nước nghèo tài nguyên, tài nguyên duy nhất chúng ta có là con người”,“hạnh phúc là lao động chân chính”. Quan niệm “sướng - khổ” của các em xuất phát từ gốc tư duy hưởng thụ nên niềm sung sướng của các em chỉ hướng đến hưởng thụ thành quả; đối với các em sung sướng nhất là tận hưởng những điều sẵn có mà không cần làm việc, còn quá trình tạo ra thành quả lại trở thành điều cực khổ.”


Trong lao động, người Nhật hình thành “gốc tư duy cống hiến” và hướng đến hạnh phúc xuyên suốt quá trình làm việc. Chính vì thế, khi so sánh hình ảnh giữa người Việt và người Nhật ở góc độ làm việc sẽ thấy rõ sự đối lập: Trong công việc người Việt Nam quan niệm hết giờ, người Nhật quan niệm hết việc; tuổi hưu của người Nhật cao hơn tuổi hưu của người Việt 10 năm, người già Nhật vẫn tiếp tục làm việc dù đến tuổi hưu; người Nhật quan niệm sống để lao động chứ không phải lao động để sống.

Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn chia sẻ: “Như các em đã thấy, những nước giàu là những nước có người dân yêu lao động, thích suy nghĩ để cải tiến và sáng tạo trong công việc. Còn những nước nghèo là những nước có những người dân thích hưởng thụ, không tạo ra sản phẩm, không suy nghĩ cải tiến sản phẩm mà chỉ bỏ tiền ra để tiêu thụ. Các em hãy nhìn xem Việt Nam chúng ta có sản phẩm nào nổi trội để xuất ra thị trường ngoài nước nếu không phải là lúa gạo?”

Chính sự khác biệt trong tư duy làm việc giữa cống hiến và hưởng thụ đã dẫn đến sự khác nhau về quan niệm “sướng - khổ” của người Việt và người Nhật. Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn khuyên các bạn: “Trong lao động, trước khi sướng các em phải trải qua gian khổ; không hề có khái niệm không làm gì nhưng vẫn có thành quả để hưởng thụ. Công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ, không cần đầu tư suy nghĩ đồng nghĩa với lương thấp và nghèo khó.”

 Không có công việc nào lương cao mà không yêu cầu ở người nhân viên sự nỗ lực xứng đáng. Mức lương càng cao thì hệ số trách nhiệm càng cao, đòi hỏi người nhân viên không chỉ sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc mà phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Vậy nên sẽ không tồn tại khái niệm “sướng” đi cùng “hưởng thụ tuyệt đối” mà chỉ tồn tại khái niệm “càng khổ càng sướng.”

Làm sếp hay làm nhân viên?

Dựa theo quan niệm sướng khổ của các bạn trẻ có thể kết luận làm chủ - sướng, làm nhân viên - khổ. Nhưng làm chủ thực sự “sướng”? Nếu “sướng” với một nhân viên là được đánh giá cao, được trả lương cao thì những phẩm chất nào người nhân viên cần phải có? Giờ học Oden trở nên sinh động hơn với trò chơi “Ai làm chủ, ai làm nhân viên”. Các bạn học viên tự do đưa ra những công việc mà người làm chủ phải làm để thành lập, duy trì hoạt động doanh nghiệp và những phẩm chất của một nhân viên được đánh giá cao cần phải có.

Bảng 2

Người chủ cần làm

Nhân viên cần có

  • Xây dựng kế hoạch thành lập và phát triển doanh nghiệp
  • Xây dựng quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm
  • Tạo mạng lưới khách hàng
  • Cạnh tranh với đối thủ
  • Phát triển thị trường
  • Xây dựng nguồn nhân lực
  • Quản lý rủi ro
  • Trách nhiệm, trung thực
  • Kỹ năng chuyên môn
  • Gắn bó với công ty
  • Tâm huyết với công việc
  • Có thể chịu áp lực và thách thức
  • Năng lực tư duy
  • Tinh thần làm việc nhóm
  • Tác phong gọn gàng, ngăn nắp
  • Đặt lợi ích công ty lên hàng đầu
  • Xây dựng mối quan hệ với sếp

Thông qua trò chơi, các bạn học viên sẽ có một cái nhìn khách quan và thấu hiểu nhà tuyển dụng. Hoạt động của doanh nghiệp không chỉ xoay quanh tiền lương, nhân công và phúc lợi nhân viên mà bao hàm việc cân nhắc tính toán rất nhiều vấn đề để cân bằng và duy trì hoạt động. Để có được sự sung sướng bề mặt được xã hội công nhận như: chỗ đứng của một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vị thế của nhà quản lý giỏi thì người làm chủ phải điều hành một khối lượng công việc khổng lồ không cho phép họ có bất cứ một giây phút nào lười biếng; họ luôn suy nghĩ, cải tiến liên tục và chịu trách nhiệm cao nhất với tất cả nhân viên của mình. Vậy hóa ra, quan niệm “sướng” của thiểu số những người thành công, giàu có lại là quan niệm “khổ” của số đông?


Bên cạnh đó, những phẩm chất nhân viên cần có ở bảng 2 chính là những tiêu chí tuyển dụng hàng đầu của nhà tuyển dụng. Tiêu chí này lại được xây dựng bởi chính các bạn học viên sẽ giúp các bạn đối chiếu với bản thân, tự hoàn thiện những phẩm chất của một ứng viên tiềm năng cần có để đáp ứng nhu cầu công việc và yêu cầu của nhà tuyển dụng trong tương lai.

Nếu các bạn trẻ quan niệm “sướng là nhàn hạ” thì giờ học Oden cùng thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn đã hướng các bạn đến một quan niệm hoàn toàn mới “khổ là nhàn hạ”, “sướng là tận lực làm việc”. Thay đổi gốc tư duy về “sướng - khổ” trong lao động sẽ thay đổi thái độ làm việc từ đó tìm thấy niềm vui sống và hạnh phúc trong công  việc. Mỗi một sự thay đổi nhỏ sẽ thay đổi cả cuộc đời.

scroll top