11/10/2010
965
0
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức - Thông báo
TTS Nguyễn Đắt Thời và “Giải xuất sắc” cuộc thi viết văn dành cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh kỹ năng nước ngoài lần thứ 18”

KYSO - Kaizen Yoshida School chúc mừng TTS Nguyễn Đắt Thời - cựu học sinh Kaizen Yoshida School, hiện đang tu nghiệp tại Nhật Bản đã vinh dự đạt “GIẢI XUẤT SẮC” trong “Cuộc thi viết văn dành cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh kỹ năng nước ngoài lần thứ 18” năm 2010 do Tổ chức Hợp tác Tu nghiệp Quốc tế Nhật Bản JITCO thường niên tổ chức.

Nỗ lực hết mình vượt qua hơn 4000 nghiên cứu sinh và thực tập sinh tham gia cuộc thi và dành “Giải xuất sắc” với bằng khen cùng giải thưởng trị giá 50.000 Yên do JITCO trao tặng, TTS Nguyễn Đắt Thời tâm sự “Cuộc thi có ý nghĩa rất lớn để những tu nghiệp sinh như tôi có cơ hội khẳng định trình độ tiếng Nhật của bản thân, đồng thời giải thưởng là một sự khích lệ và là động lực rất lớn để tôi không ngừng nỗ lực hoàn thiện mình trong công việc và cuộc sống”

Dưới đây, Kaizen Yoshida School giới thiệu đến các bạn bài văn đoạt “Giải xuất sắc” cùng hình ảnh rạng rỡ của TTS Nguyễn Đắt Thời tại lễ trao giải.

Nụ cười rạng ngời của TTS Nguyễn Đắt Thời tại lễ trao giải

ĐỀN ĐÁP ÂN TÌNH

Đối với tôi, Nhật Bản là một quốc gia đặt biệt. Thời tiết, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực và các mối quan hệ của con người cũng khác nhau. Một người thực tập sinh với vốn tiếng Nhật lõm bõm như tôi, có thể nói không biết làm thế nào để nhanh chóng hòa nhập với một xã hội văn minh như thế. May mắn và hạnh phúc thay, gia đình đã luôn bên tôi, tôi thầm cảm ơn gia đình đã luôn theo sát từng bước đi và hỗ trợ tinh thần cho tôi suốt hai năm qua kể từ khi sang Nhật đến nay. Tôi luôn khắc sâu trong lòng công lao to lớn và sự nỗ lực không mệt mỏi của cha mẹ trước bao nhiêu phong ba bão táp của cuộc đời để nuôi dạy bốn anh em tôi khôn lớn từng ngày!

Cha tôi đã sống sót và trở về từ sau chiến tranh Việt Nam ở tuổi 16. Từ hai bàn tay trắng đứng lên, cha kết hôn với mẹ tôi, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, cả ngày từ sáng sớm cha mẹ tôi đã làm việc cật lực để nuôi nấng chúng tôi khôn lớn. Tôi thầm cám ơn tình thương bao la của cha mẹ! Khi tôi còn học tiểu học, cha tôi đã lên rẫy hái cam và trái cây, đóng thùng và chất thật nhiều lên thuyền để mang ra chợ bán, mãi sau nay tôi mới được hiểu công việc của ông và luôn tự hào về hình ảnh lao động miệt mài của ông để lo cho gia đình. Chính vì sự lao động khổ nhọc đó mà chân của cha tôi bây giờ đã yếu và đau đớn mỗi ngày. Tôi luôn luôn lo lắng và mong sao cho cha tôi mau sớm bình phục.

Tôi đến Nhật tu nghiệp với rất nhiều lo lắng khi nghĩ về tương lai. Làm thế nào để tạo dựng được một gia đình tuyệt vời như cha tôi đã có, làm thế nào để trở thành một người hữu ích cho xã hội… Tất cả những suy nghĩ đó càng rõ ràng hơn khi tôi có cơ hội được nói chuyện và làm quen với ông A ở công ty. Ông A đã 62 tuổi nhưng vẫn rất tráng kiện. Ông vui vẻ, hòa đồng và hay kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Ông bắt đầu đi làm ở tuổi 15, khi ấy nền kinh tế Nhật Bản suy thoái trầm trọng sau thất bại ở chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng cũng là lúc mọi người dân Nhật Bản cùng chung tay kiến tạo lại đất nước hoang tàn. Ông A đã kết thúc công việc khi đến tuổi nghỉ hưu ở một công ty sau 42 năm ông miệt mài cống hiến. Và nay, ông tiếp tục làm việc tại công ty mà tôi đang tu nghiệp.

Ở Nhật Bản, khi bước vào tuổi 60, thì người ta nghỉ hưu và chỉ sống bằng trợ cấp hưu trí, thế nên tôi rất ngạc nhiên khi được biết rằng ngoài ông còn có hai người nữa trên độ tuổi 60 cùng làm việc trong công ty. Tôi đã không hiểu tại sao công ty lại nhận người lớn tuổi như vậy. Thế nhưng sau khi tìm hiểu, tôi nhận ra rằng những người lớn tuổi như ông A đóng vai trò quan trọng trong công ty vì đó là những người có tay nghề với nhiều năm kinh nghiệm. Công ty của tôi gia công các chi tiết và phụ tùng ô tô. Để bảo vệ người ngồi trên ôtô, công việc này đòi hỏi sự kỹ lưỡng và độ chính xác rất cao. Đối với tôi, Ông A là một người bạn tuyệt vời với vốn hiểu biết sâu rộng về cuộc sống cùng sự dày dặn kinh nghiệm trong công việc. Ông nói với tôi rằng trong cuộc sống không ai là hoàn hảo, ai cũng có sai lầm, và với ông A, những lúc như vậy, gia đình chính là sự hậu thuẫn lớn lao cho ông.

Theo ông, đã là con người thì cho dù ở bất kỳ quốc gia nào, mục đích làm việc và sự mong muốn giúp đỡ cho gia đình đều giống nhau. Nhưng thực tế là hiện tại, những người trẻ đều bỏ thôn quê để đi làm việc tại các đô thị lớn, trong làng chỉ còn lại toàn người già cả, thậm chí có những người cha mẹ mất cả năm trời mới hay hoặc cũng không hay biết. Cha mẹ mất rồi không thể gặp lại lần thứ hai. Sự liên kết đó không bao giờ có thể kết nối lại được. Vì vậy, tất cả mọi người, cho dù đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cũng phải dành thời gian cho gia đình, cho cha mẹ, là những đấng có công sinh thành nuôi ta khôn lớn, để báo hiếu và đền ơn đáp nghĩa lại cho cha mẹ.Riêng tôi, sau khi hoàn thành tốt công việc ở Nhật Bản, tôi sẽ trở về Việt Nam, để phụng dưỡng, báo hiếu cho cha mẹ và sẽ là một nhân tố có ích, góp phần vào sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Nguyễn Đắt Thời

tin cùng chuyên mục
scroll top