25/03/2022
4100
0
Shinkansen - Từ dự án gây tranh cãi đến niềm tự hào của nước Nhật

Nhật Bản - đất nước có địa hình phức tạp nhưng lại xây dựng được một hệ thống đường sắt tinh vi, chất lượng và đặc biệt an toàn cho người dân. Mặc dù hiện nay tàu cao tốc đã xuất hiện trên khắp thế giới nhưng sự phát triển vượt bậc về mạng lưới và dịch vụ của tàu cao tốc Nhật khó có quốc gia nào vượt qua được.Hãy cùng Kaizen điểm qua những điều thú vị về Shinkansen - một trong những niềm tự hào của nước Nhật nhé!

Từ dự án gây tranh cãi gay gắt đến niềm tự hào của nước Nhật

Mặc dù mang lại không ít vinh quang cho nước Nhật nhưng ít ai biết rằng quá trình làm nên Shinkansen đã vướng phải không ít những ý kiến trái chiều của dư luận lúc bấy giờ, đặc biệt là những chỉ trích và ngờ vực do chi phí xây dựng vượt tầm kiểm soát. Nguyên nhân là bởi để đảm bảo tốc độ và an toàn như dự kiến, Nhật Bản cần phải xây 3.000 cây cầu, đào 67 đường hầm để hình thành một tuyến đường thẳng, hạn chế cua trong quá trình tàu chạy. Tuy nhiên với quyết tâm và sự kiên trì bền bỉ, người Nhật đã thật sự làm nên kỳ tích. Năm 1964 tàu siêu tốc Shinkansen chính thức lăn bánh rời Tokyo, thực hiện chuyến đi đến Osaka dài 514 km với vận tốc 210km/h. Điều đó có nghĩa là thay vì 20 tiếng hành trình, người dân hai thành phố chỉ mất vỏn vẹn 4 tiếng (năm 2003 thời gian này chỉ còn 2 tiếng 25 phút).

Tàu siêu tốc Shinkansen cạnh tranh với ngành hàng không

Kỹ sư sáng chế Hideo Shima đã thiết kế tàu siêu tốc Shinkansen với mong muốn tạo ra một phương tiện di chuyển trên mặt đất nhưng “đem lại cảm giác như máy bay”. Hiện nay những chuyến tàu thương mại Shinkansen có thể đạt tốc độ 320 km/h tại những đoạn đường như thị trấn Utsunomiya đến Morioka. Riêng tốc độ thử nghiệm, năm 1996 Shinkansen đạt đến 443 km/h. Năm 2003 loại tàu Shinkansen chạy bằng công nghệ maglev có thể lên tới 581 km/h (361 dặm/h), xuất sắc phá kỷ lục thế giới.

Tàu siêu tốc Shinkansen - kỷ lục gia về an toàn

Mặc dù hiện nay trên thế giới có không ít quốc gia học hỏi Nhật Bản trong việc phát triển và không ngừng tăng cường tốc độ tàu siêu tốc. Thế nhưng điều được đất nước mặt trời mọc đặt lên hàng đầu chính là sự an toàn - người Nhật không chế tạo ra một Shinkansen chỉ để chạy đua tốc độ với các nước châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc, Hàn Quốc .
Điều này xuất phát từ đặc điểm địa lý, Nhật Bản là một trong những quốc gia có vị trí nằm tại khu vực không ổn định về mặt địa chất, dễ xảy ra động đất, sóng thần và số lượng núi lửa chiếm khoảng 10% trên thế giới. Đặc biệt, việc vận hành an toàn tàu cao tốc Shinkansen qua núi Phú Sĩ là vấn đề không hề dễ dàng. Tuy nhiên bất chấp những thách thức nói trên, trong suốt hơn 50 năm kể từ khi mạng lưới Shinkansen đi vào hoạt động và vận chuyển số lượng lên đến hơn 10 tỷ hành khách, chưa từng có một thương vong nào.

Shinkansen là biểu tượng tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp của người Nhật

Có thể bạn chưa biết, Công ty đường sắt ở Nhật Bản từng cúi đầu xin lỗi hành khách chỉ vì đã để tổng thời gian trễ chuyến trong năm 2012 là 36 giây. Bên cạnh đó, tàu Shinkansen Nhật Bản còn nổi danh với "7 phút thần kỳ" khi vệ sinh toàn bộ đoàn tàu chỉ trong 7 phút tính từ khi tàu vào ga. Nguyên nhân là vì thời gian đến và đi của các đoàn tàu Shinkansen rất chính xác, bất kể trong điều kiện thời tiết như thế nào nên việc vệ sinh đoàn tàu cũng đòi hỏi thật nhanh gọn và chuyên nghiệp.
Chính những thành công của Shinkansen đã tạo động lực mạnh mẽ để các quốc gia khác trên thế giới đầu tư vào công nghệ đường sắt cao tốc. Từ đó hình ảnh những chuyến tàu Shinkansen đã trở thành một biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa và sức ảnh hưởng của trí tuệ Nhật Bản. 

Để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, khoa học, công nghệ và những điều thú vị khác của đất nước mặt trời mọc, các bạn hãy tham gia những chương trình tại KaizenYoshidaSchool để trau dồi tiếng Nhật cho mình một cách tốt nhất. Gọi liền Hotline (028) 777.96.222 để được tư vấn ngay hôm nay bạn nhé!

scroll top