31/08/2012
3759
0
Bảo tàng mỳ ăn liền độc đáo ở Nhật Bản

Bảo tàng lịch sử, bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng âm nhạc… hẳn đã không còn quá xa lạ với mỗi người trong chúng ta. Thế nhưng, có ai từng nghe qua bảo tàng mỳ ăn liền? Hiện nay trên thế giới, chỉ có duy nhất hai bảo tàng mang chủ đề này và cả hai đều ở Nhật Bản.

Khách đến tham quan bảo tàng không chỉ được nếm nhiều loại mỳ mà còn được tự tay chế biến mỳ.

Bảo tàng độc đáo chỉ có ở Nhật Bản.

Có thể nói, Ikeda, Osaka chính là nơi khai ra sinh ra mỳ ăn liền. Vào năm 1958, sản phẩm đầu tiên: mỳ gà đã được ông Momofuku Ando, đồng thời cũng là người sáng lập công ty thực phẩm Nissin, nghiên cứu thành công.

Bức tượng ông Momofuku Ando được dựng tại bảo tàng.

Sau khi xuất hiện trên truyền hình thông qua một mẩu quảng cáo, nó lập tức thu hút sự chú ý của đại bộ phận người dân và tạo được tiếng vang.

Nhằm tôn vinh thành tựu to lớn này, bảo tàng mỳ ăn liền Momofuku Ando đã chính thức ra đời. Đây là nơi mà lịch sử hình thành cũng như phát triển của mỳ ăn liền qua các thời kỳ được giới thiệu một cách rõ ràng nhất.

Bảo tàng dành khu vực lớn để trưng bày tất cả nhãn hiệu cũng như các loại mỳ ăn liền từng có ở Nhật Bản.

Bên cạnh việc tìm hiểu những kiến thức cơ bản về loại thực phẩm này, đến với bảo tàng, khách tham quan cũng có cơ hội khám phá cách làm mỳ ăn liền, từ công đoạn đầu tiên là nhào bột cho đến cán bột rồi cắt bột ra từng sợi và cuối cùng là chiên chúng lên để tạo thành những sợi mỳ hoàn chỉnh.

Dây chuyền làm mỳ ăn liền để khách tự tay trải nghiệm.

Đối với dịch vụ mang tên "Cốc mỳ của tôi", đầu tiên, bạn sẽ được cung cấp một cái cốc rỗng. Sau khi đã tự tay trang trí cốc của mình (bảo tàng có sẵn bút màu), bạn sang khu vực tiếp theo và sẽ được cung cấp mỳ khô. Kế đến, bạn sẽ chọn hương vị của nước dùng và bốn loại phụ liệu theo ý muốn. Cuối cùng, nhân viên bảo tàng sẽ giúp bạn đóng gói cẩn thận để bạn có thể mang về nhà, nấu chín và thưởng thức.

Tự tay trang trí cốc mỳ.

Dịch vụ thứ hai là "Làm mỳ gói bằng tay", dành cho những ai muốn thử trải nghiệm cảm giác tự tay mình tạo ra những vắt mỳ. Khách tham quan sẽ được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu cũng như sự hướng dẫn tận tình từ những thợ lành nghề.

Tự tay làm các vắt mỳ.


Và chọn nguyên liệu yêu thích.

Ngoài ra, trong bảo tàng Momofuku Ando còn có khu nhà hàng. Khu vực này không hề có bất kỳ một nhân viên phục vụ nào. Thay vào đó, bảo tàng cho đặt sẵn một máy bán hàng tự động để cung cấp mỳ cho khách. Ngoài những loại mỳ thông thường, khách còn có thể mua các loại mỳ đặc biệt không được bán đại trà trên thị trường, đó là loại cũ được sản xuất trước đây và loại đang thử nghiệm.

Khu vực nhà hàng.

Độc đáo nhất ở khu bảo tàng là công viên trò chơi cho trẻ em với những món đồ chơi đều liên quan đến... mỳ gói. Trong khu vực này, còn có cả mô hình một con phố Nhật Bản xưa với những hàng quán bán mỳ. 

Công viên trò chơi.

Ngôi nhà Nhật Bản xưa.

Phố mỳ.


Với đầy hàng quán kiểu xưa.


Ở đây bán nhiều loại mỳ khác nhau. 

Vào năm 2011, bảo tàng mỳ ăn liền thứ hai đã được khánh thành tại quận Minato Mirai, thành phố Yokohama – thủ phủ của tỉnh Kanagawa.

Hầu hết nội dung trong bảo tàng này đều khá giống với phiên bản đầu tiên. Ngoài khu trưng bày những sản phẩm mì ăn liền qua các thời kỳ và các tác phẩm nghệ thuật chủ đề mỳ ăn liền, bảo tàng cũng cung cấp hai loại dịch vụ Cốc mỳ của tôi và Làm mỳ bằng tay.

Những thông tin cần biết về hai bảo tàng mỳ ăn liền này:

Bảo tàng mỳ ăn liền Momofuku Ando, Osaka.

Giờ mở cửa: 9:30 – 16:00.

Chi phí: Miễn phí tham quan khu trưng bày; dịch vụ Cốc mỳ của tôi: 300 yen (khoảng 78.000 đồng)/khách, dịch vụ Làm mỳ bằng tay: học sinh tiểu học: 300 yen (khoảng 78.000 đồng); học sinh trung học trở lên: 500 yen (khoảng 130.000 đồng).

Bảo tàng mỳ ăn liền Yokohama.

Giờ mở cửa: 10:00 – 18:00.

Chi phí: người lớn: 500 yen (khoảng 130 000 đồng) (đã bao gồm thuế); học sinh trung học trở xuống: miễn phí (trả thêm tiền nếu muốn sử dụng các dịch vụ khác của bảo tàng).

Theo thebox.vn

scroll top