Có lẽ, bạn cũng biết những đàn ngỗng trời bay theo hình chữ V và thậm chí, có lẽ bạn cũng biết lý do tại sao chúng lại bay như thế.
Lần tới, khi bạn nhìn thấy hình ảnh đàn ngỗng di cư về phương Nam vào mùa Đông và bay theo hình chữ V, trước hết, bạn hãy nghĩ đến tính khoa học của việc này. Khi mỗi con ngỗng vỗ cánh, nó tạo ra một lực nâng cho con ngỗng ngay sau nó. Bằng cách bay theo đội hình chữ V, cả đàn sẽ tăng quãng đường bay (từ khi cất cánh đến khi dừng lại) thêm ít nhất là 71%, so với việc nếu mỗi con ngỗng chỉ bay một mình.
Còn đối với con người, những người có cùng hướng đi, nếu tập hợp thành nhóm, thành cộng đồng, thì họ thường đến được đích một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, bởi vì họ có thể dựa vào và thúc đẩy lẫn nhau.
Khi một con ngỗng bị tách khỏi đội hình, nó lập tức cảm thấy việc bay của mình nặng nề hơn, nên nó nhanh chóng trở lại đàn để có thể tận dụng được sức nâng của con ngỗng phía trước nó.
Thật vậy, nếu chúng ta có “hiểu biết” của loài ngỗng trời, thì chúng ta sẽ ở trong đội ngũ với những người cùng chí hướng, cùng mục tiêu.
Khi con ngỗng bay đầu tiên bị mệt, nó sẽ lùi xuống bên “cánh” của hình chữ V và một con ngỗng khác lên dẫn đầu.
Rõ ràng, việc lần lượt, thay nhau làm những công việc khó là rất thông minh, dù là với con người hay với đàn ngỗng bay về phương Nam. Kể cả khi làm việc một mình thì chúng ta cũng phải tự biết phân bổ sức lực và thời gian, có lúc làm việc khó, rồi lại xen kẽ với việc nhẹ nhàng hơn, tránh cố quá sức.
Những con ngỗng phía sau thường kêu to, chính là để cổ vũ những con ngỗng phía trước giữ vững tốc độ.
Đến loài ngỗng trời còn cần được động viên và biết động viên đồng loại. Còn chúng ta thường trao thông điệp gì cho những người xung quanh mình?
Cuối cùng – và đây là một điều rất quan trọng: Khi một con ngỗng bị ốm hoặc bị thương (do bị thợ săn bắn chẳng hạn) và trượt ra khỏi đội hình thì hai con ngỗng khác cũng sẽ rời nhóm, sà xuống cùng con ngỗng đó để trợ giúp và bảo vệ. Hai con ngỗng khỏe mạnh sẽ ở bên cạnh “người bạn” của mình, cho đến khi nó bay trở lại được, hoặc nếu không, thì cho đến khi nó chết. Chỉ khi đó, hai con ngỗng kia mới lại tự bay đi tiếp, hoặc gia nhập một đàn khác, tiếp tục di cư.
Nếu chúng ta cũng có “hiểu biết” như loài ngỗng trời, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng ở bên và giúp đỡ những người thân, những người bạn tốt của mình, đến tận cùng. Sự trung thành và tử tế luôn là những phẩm chất cực kỳ cần thiết, dù là trong công việc hay cuộc sống.
Loài ngỗng trời chưa bao giờ được coi là loài động vật thông minh nhất. Nhưng có lẽ, chúng ta vẫn có rất nhiều điều để học từ chúng.
Theo Sinh viên Việt Nam