Rất nhiều cánh tay đã giơ lên và cũng có nhiều câu trả lời đã được đưa ra: Khi đi làm ở nhà hàng sẽ tiếp xúc với nhiều người và mỗi người lại có thái độ rất khác nhau nên khi làm việc phải thích ứng và học cách nhẫn nhịn, cố gắng hơn; Phải nhớ tất cả sở thích của khách, hiểu được tâm lý khi khách cần và để ý từ những điều nhỏ nhặt nhất; Biết được cách pha chế cà phê, cắm hoa…
Sau khi nghe câu trả lời của học viên, thầy Long Sơn đã nói rằng: Trong tất cả các câu trả lời của các em thầy không thấy ai nói đến là khi làm ở nhà hàng thì phải tươi cười, niềm nở, thân thiện với khách?! Nếu các em đi vào nhà hàng và nhìn thấy một nhân viên đang đứng ở một góc làm việc riêng (như bấm điện thoại chẳng hạn) và khi khách hàng hỏi đến thì không để ý hoặc tỏ thái độ bực bội. Các em có thoải mái không?
Khi chúng ta sang Nhật và bước chân vào nhà hàng Nhật thì ấn tượng đầu tiên mà chúng ta thấy sẽ là khuôn mặt luôn nở nụ cười rất tươi và nói: “いらっしゃいませ” (Kính chào quý khách, xin mời quý khách vào) từ người nhân viên. Khi chúng ta bước ra khỏi quá sẽ lại nhận được câu chào cùng cái cúi đầu “ありがとうございます” (Cảm ơn quý khách).
Không phải ngẫu nhiên mà người Việt thích sang Nhật hay thích mua hàng Nhật. Bởi vì trong cách phục vụ hay trong các sản phẩm của Nhật bao giờ cũng hướng đến khách hàng. Đó là tinh thần phục vụ. Người ta hiểu được điều tạo nên một cuộc sống tươi đẹp hay một không gian thư thái thì không thể thiếu một điều giản đơn nhưng lại có giá trị chính những nụ cười và khuôn mặt tươi sáng mà mọi người dành trao cho nhau.
Thầy đã chọn “Hạnh phúc của mình là đem đến được hạnh phúc cho người khác” là câu châm ngôn cho hoạt động của Esuhai – Kaizen. Thầy hiểu được khi mình làm cho người khác hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc và được tôn vinh. Đó là cuộc sống.
Thầy đang làm nhiệm vụ châm cho các em ngọn lửa đầu tiên.
Không phải ngẫu nhiên mà các ông chủ Nhật, trong đó có những người đã ngoài 60 tuổi lại phải trực tiếp bay sang Việt Nam để phỏng vấn trong khi họ có thể chỉ cần xem lý lịch là biết các em học như thế nào, bằng gì, chuyên môn ra làm sao... Vì họ muốn nhìn trực tiếp xem các em “tươi” hay “héo”. Để nhìn xem trong ánh mắt, thần thái, tư thế của các em, để cảm nhận xem ở các em có hay không một ngọn lửa của niềm tin, của sự cầu tiến, ham học và ý chí vươn lên.
10 năm qua, ngoài đào tạo thì thầy còn là một nhà tuyển dụng. Thầy cũng làm việc với hàng trăm ông chủ lớn, nhỏ của Nhật và có một điểm chung trong tiêu chí tuyển chọn người lao động ở họ chính là đầu tiên người đó phải tươi, phải có lửa.
Vậy. Lửa ở đây là gì?!
Nói theo nghĩa đen, lửa có rất nhiều công dụng trong cuộc sống. Lửa cho chúng ta ánh sáng, hơi ấm, nấu chín thức ăn, rèn kim loại, vận hành nhà máy...Lửa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và thực sự là một trong những yếu tố quan trọng nhất của lịch sử loài người.
Còn ngọn lửa mà có thể giúp thầy, giúp các em hay bất kỳ ai vào những khoảnh khắc khó khăn, nghịch cảnh, những lúc sợ hãi và hoài nghi ở bản thân lại có thể bộc lộ những phẩm chất khác biệt để vượt qua đau khổ, gian khó, biến điều không thể thành có thể chính là ngọn lửa của lòng nhiệt huyết tồn tại ở trong tâm trí của chúng ta. Khi ngọn lửa ấy tồn tại, niềm tin và ý chí sẽ giúp chúng ta tìm ra con đường để đi.
Nếu các em nào đặt mục tiêu đến Nhật để kiếm tiền thì tiền giống như một món ăn hay con cá vậy. Khi chúng ta đang đói và được ăn no rồi thì cho dù có cho thêm nữa cũng không cần. Giống như bây giờ khi không có tiền thì cho dù trong túi chỉ có 100 ngàn cũng làm mình sung sướng nhưng đến khi mỗi tháng nhận được tiền lương 15-20 triệu, cái cảm giác sung sướng khi nhận được tiền có thể sẽ không còn nhiều nữa.
Khi các em kiếm được tiền rồi và nếu con người không còn động lực hay mục tiêu phấn đấu nữa, con tim sẽ mất lửa, cuộc sống trở nên nhạt nhòa và thiếu ý nghĩa, thậm chí có những người trở nên “nhàn cư vi bất thiện”.
Ngược lại, thay vì đặt mục tiêu vào tiền mà chúng ta lại dành nhiều hơn sự quan tâm vào việc học, việc làm, tìm hiểu văn hóa, xây dựng và phát triển mối quan hệ con người thì khi ấy tiền vẫn sẽ tới và ngọn lửa nhiệt huyết lúc nào cũng vẫn cháy.
Các em ở đây đều đang chuẩn bị tham gia phỏng vấn, chọn công ty, chọn ông chủ để sang Nhật làm việc. Chắc chắn một điều, dù là ông chủ nào, công ty nào, công việc nào cũng sẽ có những khó khăn vất vả nhất định, đặc thù của nó. Khi các em đang ở tuổi tự lập (từ 20 – 30 tuổi) thì đừng kén việc. Bất kỳ công việc nào cũng sẽ cho ta những trải nghiệm, những bài học thực tế mà không sách vở nào có thể sánh bằng. Việc chúng ta cần làm là tươi đón chào đón và tìm cách để từng bước giải quyết nó. Nếu hiểu được khái niệm này thì dù các em làm bất cứ ngành nghề nào cũng có thể chạm tới thành công.
Thầy mong và tin rằng khi các em sang Nhật làm việc hay cả khi các em làm cho khách hàng, cho giám đốc của mình hạnh phúc thì khách hàng, giám đốc cũng sẽ coi trọng mình. Làm tốt công việc của mình, tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ nào đó để phục vụ cho một người nào đó, cho xã hội và làm họ hài lòng. Việc làm tốt sẽ đem lại thu nhập tốt giúp các em có thể giữ gìn và cải thiện sức khỏe, lo cho bản thân, chăm sóc và báo hiếu cho gia đình, xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
Vì vậy, đừng quên để cho nơi đây (trái tim) luôn cháy một ngọn lửa các em nhé!”.