18/01/2017
9291
0
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… (*)

Trong các giờ học Oden của thầy hiệu trưởng Lê Long Sơn, rất nhiều học viên, đặc biệt là đối tượng chuẩn bị xuất cảnh thường đặt câu hỏi: “Khi sang Nhật làm việc và học tập, làm thế nào để có thể hòa hợp khi sống trong một tập thể người xa lạ?” để mong được thầy tư vấn.

 

 

Trước những câu hỏi này của học viên, thầy Lê Long Sơn thường gửi các bạn một thông điệp: Hãy lấy phần tốt nhất của bạn ra để đối xử với con người và cuộc sống.

 

Bản chất của con người là tốt (Nhân chi sơ tính bản thiện) vì trong mỗi con người đều có cái tâm. Tính thiện của con người được thể hiện qua năm đức lớn: Nhân (đạo làm người, biết thương xót), Lễ (biết thẹn ghét), Nghĩa (biết cung kính, trách nhiệm), Trí (biết phân biệt phải trái) và Tín (biết giữ lòng tin). 

 

Nhưng tính thiện hay tâm không phải là bất biến. Thực tế thì ở bên trong mỗi người vốn dĩ luôn luôn tồn tại hai bộ mặt: thiện và ác, đen và sáng giống như nhân sinh có âm và dương, vũ trụ có ngày và đêm vậy. 

 

Có người nói, đồng tiền đi liền tù tội. Có những kẻ muốn làm giàu nhanh chóng vì quá đói khổ và thèm khát. Họ thậm chí đã làm ra những việc mất tự trọng và thiếu tình người bởi vì họ bị đồng tiền làm cho mờ mắt. Vậy, đồng tiền có tội không? Nó vốn dĩ không có tội. Chỉ là do cách mà người ta nhận thức về nó và hành xử với nó mà thôi.

 

Mỗi người có thể hội tụ được những cái hay cái đẹp thì cũng có thể chất chứa những hỉ nộ ái ố trong người. Vấn đề khác nhau ở chỗ, những người tốt là biết cách để lấn át đi những cái xấu xa bên trong họ còn những kẻ xấu thì để những thứ tồi tệ làm chủ bản thân. 

 

Và dường như, số người xấu trong xã hội đang ngày càng tăng lên?! Tại sao vậy? Là bởi vì con người ấy đã không biết giữ lấy cái tâm. Là khi người ta làm việc đó người ta không nghĩ đó là việc xấu, người ta đang làm việc xấu. 

 

 

Thử tưởng tượng xem, khi cha mẹ các bạn mua được chiếc xe về để chở khách nhưng lại có những người đi xe mà không mua vé, không trả tiền thì sẽ như thế nào? Nếu gặp phải nhiều người người như vậy thì liệu những người khác có còn muốn mua xe về để chở khách, để kinh doanh nữa không? Vậy thì, những kẻ “đá xe” đó chính là những người vô lương tâm và đang cản trở sự phát triển của cuộc sống. 

 

Trong cuộc sống, ai cũng tìm mọi cách để mưu cầu hạnh phúc cho mình nhưng lại quên là người khác cũng mưu cầu và đang trên hành trình tìm kiếm ấy. Ai cũng tìm mọi cái vun vén cho thế giới của mình nhưng dường như lại chẳng bao giờ hoặc không chịu mở ra để đi vào thế giới của người khác. Nói một cách dí dỏm rằng, ấy là khi cái “tôi” đã vượt mặt cái “chúng ta” cả thế kỷ rồi. Và thế, dần dần, con người ta dễ rơi vào hận thù hơn là tha thứ. Và thế là, thế giới của chúng ta dần dần trở nên xa cách nhau hơn. 

 

 

Quay trở lại vấn đề của các học viên trao đổi ở trên, liệu có phải chỉ khi sang Nhật – một đất nước, môi trường xa lạ với các bạn thì các bạn mới cảm thấy, mới sợ hãi về sự khó khăn hoặc không hòa hợp?!  

 

Có đôi khi, người Việt Nam sang Nhật Bản không bị gặp khó khăn bởi những người Nhật hay đất nước Nhật mà lại gặp khó khăn, cản trở bởi chính những người Việt Nam, đồng nghiệp, đồng môn của mình.

 

 

“10 năm qua, thậm chí từ trước khi có công ty Esuhai – trường KaizenYoshidaSchool ra đời, thầy đã luôn chia sẻ, căn dặn từng học trò của mình đừng làm việc sai, việc xấu khi sang Nhật hay đi bất kỳ quốc gia nào khác. Và 10 năm qua, thầy luôn tự hào và có một niềm tin về học trò của Kaizen. 

 

 

 

Có được kết quả như vậy là bởi vì trước khi sang Nhật, các em có thời gian khoảng 01 năm được đào tạo, được Oden định hướng rất kỹ ngay từ khi mới nhập học, chuẩn bị phỏng vấn, đậu phỏng vấn, chuẩn bị xuất cảnh. Ngoài các giờ học, giờ Oden của thầy cô ở trường, dù công việc rất bận rộn nhưng thầy luôn xác định và sắp xếp trực tiếp đứng lớp Oden cho mỗi em ít nhất được 05 lần trước khi sang Nhật làm việc. 

 

Thầy cùng các thầy cô của Kaizen kiên trì làm như vậy để làm gì? Chính là muốn tốt cho các em. Mong muốn các em trở thành những con người trưởng thành. Mong muốn các em được người Nhật cũng như những người khác nhìn nhận các em, đón nhận các em với niềm tin và sự thân thiện, cởi mở nhất. Mong muốn các em có thể tự tin khi là người Việt Nam trên đất Nhật, có thể tự hào khi giới thiệu với mọi người rằng: Tôi là người Việt Nam… 

 

 

Đối với thầy, phương châm mà thầy luôn áp dụng trong cuộc đời này chính là đưa con người tốt của mình ra để đối xử với người khác. Làm như vậy chúng ta có thể bảo vệ bản thân, hòa giải không khí và xây dựng môi trường sống hòa bình, phát triển. 

 

Nếu khi chúng ta thấy không thể làm cho tình hình tốt lên thì cũng phải tìm cách giữ cho sự việc ở mức trong giới hạn chứ đừng nên tung hê hay phá nát. Có những khi, chúng ta quá quen thuộc với những lời phán xét của mình đến nỗi không kịp nhận ra mình vừa để chúng tuột khỏi miệng mà lại vô tình làm tổn thương người khác. Bởi, có những thứ khi đã vỡ, đã mất rồi thì sẽ rất khó có thể xây dựng lại hoặc lành lặn như lúc đầu. Niềm tin là một trong những thứ như vậy”.

 

“Đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy khi con người biết đặt mình vào vị trí của nhau. Nếu trong vị trí đó, bạn thấy đau, có lẽ người kia cũng sẽ cảm thấy như vậy” (Châm ngôn cuộc sống).

 

Chú thích:

(*): Một câu trong bài hát: Để gió cuốn đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.


scroll top