14/12/2015
4030
0
Tăng cường động lực làm việc

ESO - Làm việc là sử dụng thời gian, công sức và khả năng sáng tạo của chính mình để tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị nhằm phục vụ khách hàng, làm họ mãn nguyện. Đồng thời, từ quá trình phục vụ đó chúng ta nhận được những thành quả thuộc về mình: tiền lương, sự công nhận, kinh nghiệm, sự phát triển của bản thân. Động lực làm việc là nội lực thúc đẩy con người sử dụng thời gian, công sức, khả năng sáng tạo một cách tích cực làm mãn nguyện khách hàng với hiệu suất cao nhất.

Vậy chúng ta làm việc vì điều gì và vì ai? Vì sao cùng một công việc nhưng có người làm việc rất hăng say nhưng cũng có người cảm thấy chán nản? Để biết được vì sao bạn mất động lực làm việc, bạn cần biết động lực làm việc đến từ đâu?

Lớp học chuyên đề "Tăng cường động lực làm việc" do công ty Esuhai tổ chức cho nhân viên

Một số yếu tố bên ngoài tạo động lực làm việc

Bạn là nhân viên của một công ty và làm việc là để phục vụ khách hàng. Bạn sẽ có hai đối tượng khách hàng để phục vụ: khách hàng nội bộ và khách hàng bên ngoài. Động lực làm việc của bạn sẽ sinh ra và bị tác động bởi hai đối tượng khách hàng này.

Một công ty với chế độ lương và đãi ngộ tốt sẽ đem đến sự yên tâm khi làm việc. Một công ty có danh tiếng và mang đến giá trị đích thực cho xã hội sẽ đem đến lòng tự hào khi làm việc. Lòng tự hào, sự yên tâm sẽ tạo động lực để bạn vui vẻ đến công ty, hăng say làm việc mỗi ngày.

Bên cạnh đó, động lực làm việc của bạn bị chi phối trực tiếp bởi mối quan hệ với cấp trên và đồng nghiệp. Người sếp giỏi điều hành và lãnh đạo, những người đồng nghiệp làm việc với tinh thần trách nhiệm và thiện chí sẽ khiến bạn cảm thấy có sự gắn kết chặt chẽ với công việc.

Nhưng vì những yếu tố trên là những yếu tố bên ngoài nên bạn không chủ động điều chỉnh theo mong muốn của bản thân. Một công ty muốn phát triển và xây dựng danh tiếng phải dựa vào đội ngũ nhân viên của công ty đó vì nhân viên là lực lượng tạo ra giá trị của công ty. Vậy nếu nhân viên muốn làm việc trong một công ty lớn mạnh, có danh tiếng và thỏa mãn đầy đủ các chế độ phúc lợi thì mỗi nhân viên cần làm việc với hiệu quả và hiệu suất cao để tạo giá trị cho công ty cũng chính là tạo ra những giá trị mong muốn của chính mình.

Không phải lúc nào bạn cũng giao tiếp hiệu quả trong công việc với cấp trên và đồng nghiệp. Những mâu thuẫn nhỏ, sự phối hợp không ăn ý cũng sẽ là nguyên nhân giảm sút động lực làm việc. Chính vì thế, thay vì bị động chờ đợi một môi trường làm việc thân thiện như ý muốn bạn có thể tác động, xây dựng hay cải thiện mối quan hệ nơi làm việc vì chính bạn chiếm 50 % mối quan hệ của mối quan hệ đó.

Làm thế nào để tạo động lực làm việc từ bên trong?

Không thể phủ nhận rằng bạn làm việc vì những nhu cầu của cá nhân như nhu cầu lương thưởng, nhu cầu về danh dự, nhu cầu về phát triển bản thân. Vì động lực làm việc chủ yếu được sinh ra từ nhu cầu và mục tiêu cá nhân cho nên động lực làm việc tăng hay giảm nên suy xét và tìm hiểu nguyên nhân chủ quan từ chính bạn trước khi xét đến những nguyên nhân khách quan bên ngoài. Đồng thời, để tăng cường động lực làm việc cần bắt đầu điều chỉnh từ cá nhân trước.

Điều chỉnh bản thân để tăng cường động lực làm việc là quá trình rèn luyện về năng lực điều tiết cảm xúc và tư duy tích cực trước những tác động ngoại cảnh không mong muốn làm giảm động lực làm việc.

Năng lực điều tiết cảm xúc là khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc.

EQ Nhận thức Quản lý
Bản thân

Nhận thức bản thân:

-  Hiểu rõ cảm xúc của mình

-  Đánh giá chính xác về mình

-  Tự tin

Quản lý chính mình:

- Định vị rõ ràng cảm xúc

- Thích nghi với hoàn cảnh

-  Lạc quan và chủ động

Xã hội

Nhận thức xã hội:

-  Hiểu tổ chức và môi trường xung quanh

-  Thấu hiểu và thấu cảm người khác

Quản lý các mối quan hệ

-  Khích lệ

-  Tạo ảnh hưởng tích cực

-   Xử lý xung đột

-   Đồng đội và hợp tác

Tư duy tích cực đánh thức sức mạnh nội tâm, năng lượng, động lực và sức sáng tạo bên trong bạn. Dưới góc độ của khoa học, suy nghĩ tích cực và tiêu cực có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cấu trúc vật chất bên trong cơ thể. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng suy nghĩ tiêu cực sẽ gây rối lọan cân bằng hóc môn trong cơ thể, làm giảm lượng hóa chất có chức năng cảm nhận hạnh phúc do não bộ tiết ra và làm giảm sức đề kháng. Đồng thời, khi tư duy tích cực sẽ giúp tăng sức đề kháng, tăng hưng phấn và cảm giác vui vẻ, yêu đời, tự tin, sáng suốt. Từ những suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến những hành vi tích cực giúp giải quyết khó khăn và đem đến mối quan hệ hài hòa với người khác.

 

Tóm lại, để tăng cường động lực làm việc cần hiểu rõ nguyên nhân suy giảm động lực làm việc. Nguyên nhân sâu xa chính là sự mất cân bằng giữa các nhu cầu cá nhân và khả năng đáp ứng của các yếu tố bên ngoài.  Để tăng cường động lực làm việc, câu hỏi được đặt ra là điều chỉnh, và giải quyết cá vấn đề nảy sinh ở cá nhân hay điểu chỉnh và đòi hỏi sự thay đổi của ngoại cảnh cho phù với từng cá nhân? “Động lực là ngọn lửa bên trong bạn. Nếu có người khác cố thắp ngọn lửa ấy trong bạn thì chẳng mấy chốc sẽ tàn lụi” - Stephen R. Covey. Động lực đến từ môi trường bên ngoài sẽ dễ dàng bị chi phối và bị giảm sút nhưng sẽ khó bị tác động và không mất đi nếu chính bạn là người tạo ra nó từ bên trong.

scroll top