02/04/2015
3567
0
Bốn nguyên lý thành công cho bạn trẻ làm việc và học tập tại Nhật Bản

ESO - Thực tập sinh và Kỹ sư tham gia chương trình làm việc tại Nhật Bản đều có những điểm giống nhau về sự nghiệp: hầu hết các bạn đều chưa quá ba mươi tuổi, chưa tích lũy được tài chính, chưa tìm được việc hoặc chưa hài lòng với công việc hiện tại, chưa thành công nhưng có khát vọng thành công. Trong giờ học Oden, với gợi ý: “Các em hãy chia sẻ định nghĩa thành công của bản thân!” thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn đã mở ra đúng chủ đề được tất cả các bạn Kỹ sư và Thực tập sinh trăn trở: “Thành công”. Thành công thực tế là gì? Làm thế nào để những định nghĩa về thành công trở thành thành công thực tế?

Định nghĩa thành công

Thành công trong suy nghĩ của các bạn Thực tập sinh và Kỹ sư tham gia chương trình Thực tập kỹ năng tại Nhật và chương trình Xây dựng thương hiệu và đẳng cấp kỹ sư Việt Nam:

Đình Thìn (lớp FJK07): “Em nghĩ rằng thành công là đạt được mục tiêu đã đề ra. Mục tiêu thứ nhất của em là trở thành tổ trưởng trong công ty Nhật và mục tiêu thứ hai, trở thành quản lý khâu sản xuất. Mục tiêu cuối cùng là tích lũy tài chính vững chắc và mở một xưởng cơ khí ở tuổi 45.”

Quốc Huy (lớp KS8): “Với em thành công bao hàm vật chất lẫn tinh thần. Về vật chất, em nghĩ rằng có sức khỏe tốt, làm chủ thời gian và tự do tài chính là thành công. Thành công về mặt tinh thần với em là trở thành trụ cột của một gia đình hạnh phúc và có đóng góp cho xã hội.”

Sỹ Định (lớp FJK7A): “Theo em, thành công thay đổi theo từng giai đoạn. Hiện tại đậu phỏng vấn với em là thành công. Trong ba năm làm việc ở Nhật, thành công là tích lũy vốn kiến thức tiếng Nhật, tay nghề và tạo được uy tín với công ty. Trong tương lai thành công với em là trở thành quản lý cho công ty Nhật tại Việt Nam.”

Đình Thành (lớp KS8): “Đạt được mục đích cuối cùng với em đó là thành công. Mục đích cuối cùng của em là mở một công ty về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Bởi vì em nhận ra rằng lĩnh vực công nghiệp phụ trợ chưa thực sự phát triển ở Việt Nam, nếu ở lại Nhật Bản làm việc với mức lương cao hay về Việt Nam làm kỹ sư cầu nối thì thị phần về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng vẫn thuộc về những nước Đông Nam Á khác. Nhưng để đạt được mục đích cuối cùng em phải đặt ra 2 mục tiêu ngắn hạn và hoàn thành chúng khi sang Nhật làm việc đó là: học tiếng Nhật thông thạo và tạo uy tín với công ty.”

Dù thành công của các bạn học viên chỉ mới ở mức độ phát thảo bằng suy nghĩ nhưng đó là phương pháp định hướng cần thiết cho các bạn trong từng giờ học Oden. Bởi vì, chưa biết thành công của bản thân là gì thì làm thế nào và đến bao giờ các bạn mới thành công?

Từ những định nghĩa về thành công của học viên có thể thấy thành công không chỉ là về tài chính, thành công đi từ mục tiêu đến mục đích cuối cùng. Chìa khóa của thành công là hành động. Nhưng trước khi hành động cần phải đặt ra mục tiêu cụ thể và thống nhất trong từng giai đoạn. Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn giúp các bạn học viên nhận ra thiếu sót trong cách định nghĩa thành công của các bạn: “Đặt ra những mục tiêu mang tính trừu tượng như: “tài chính vững chắc”, “thu nhập ổn định”,… sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện bởi vì các em thiếu một lộ trình thực hiện rõ ràng. Mục tiêu vạch ra càng cụ thể, càng rõ ràng càng nhanh chóng đến với thành công.”

Mỗi người định nghĩa thành công ở những mức độ khác nhau. Thành công của người này chưa chắc là thành công của người kia. Nhưng yếu tố cuối cùng quyết định đến thành công là thái độ thực hiện các mục tiêu. Không nghiêm túc và kiên trì thì thành công vẫn sẽ là một định nghĩa trừu tượng.

Thành công thực tế

Từ những trải nghiệm thực tế, thầy Hiệu trưởng chia sẻ cùng các bạn Kỹ sư và Thực thập sinh về bốn nguyên lý thành công giúp các bạn trẻ đối chiếu với những định nghĩa thành công của bản thân để hoạch định mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện rõ ràng cho thành công mà chính các bạn mong muốn đạt được.

1. Thành công là một quá trình tịnh tiến, năm sau hơn năm trước

Thầy Hiệu trưởng giúp các bạn trẻ hiểu được thành công không phải là kết quả cuối cùng mà là quá trình thực hiện: “Để thấy được sự thành công của bản thân các em hãy chia cuộc sống thành những giai đoạn cụ thể. Thành công đạt được ở mỗi độ tuổi tỉ lệ thuận với năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, mối quan hệ,… có được ở độ tuổi đó. Chính vì thế, thành công là một quá trình tích lũy liên tục về năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, mối quan hệ… Tuổi trẻ, thành công không nhiều cũng không phải là thất bại nếu mỗi năm năng lực, trình độ chuyên môn của các em được nâng cao, kinh nghiệm dày dạn hơn và có mối quan hệ rộng hơn.

Giống như một vận động viên marathon nếu các em càng hiểu năng lực định mức của bản thân ở từng độ tuổi thì sẽ càng biết cách phân bổ sức lực trong cuộc đua. Có khi các em sẽ chạy ở top dẫn đầu, cũng có lúc phải lùi về top giữa nhưng cuối cùng đến thời điểm quyết định các em phải tăng tốc để cán đích.”

Mỗi người có mục đích và mục tiêu riêng nhưng nếu chỉ giới hạn ở tầm nhìn cá nhân thì mức độ thành công của bạn cũng sẽ bị hạn hẹp. Đường đến thành công cần có sự cạnh tranh tạo động lực để phấn đấu. Bạn không những phải hiểu rõ năng lực bản thân để đặt mục tiêu vừa sức mình mà còn phải mở rộng tầm nhìn, học hỏi cách đặt mục tiêu của người khác để hoạch định mục tiêu lớn hơn tạo động lực và thách thức cho bản thân.

2. Đường đến thành công “càng khổ càng sướng”

Có hai kiểu thành công: thành công bền vững và thành công không bền vững. Phân tích trải nghiệm thành công “càng khổ càng sướng”, thầy Lê Long Sơn giúp các bạn trẻ hiểu rõ bản chất của thành công:

“May mắn giúp các em đạt được thành công cực đại ở độ tuổi càng trẻ thì sẽ đi kèm với càng nhiều rủi ro. Bởi vì để tiếp tục thành công đòi hỏi các em phải tích hợp năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, mối quan hệ,… của người ở độ tuổi lớn hơn. Nếu đủ khả năng và bản lĩnh thu hẹp độ chênh lệch về năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, mối quan hệ… theo độ tuổi, thì đồ thị thành công của các em sẽ tiếp tục đi lên và ngược lại các em phải đối mặt với việc tụt dốc.”

Thành công bền vững là quá trình rèn luyện, tích lũy năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn theo thời gian. Mức độ thành công và độ bền thành công sẽ tương ứng với thời gian và công sức đã đầu tư vào quá trình đó. Thời gian tích lũy ngắn, thái độ rèn luyện không nghiêm túc sẽ không đạt được thành công như mong muốn.

Theo thầy Lê Long Sơn, thành công thực sự không chỉ là sự bền vững được củng cố sau khi đã vượt qua khó khăn mà trải nghiệm thành công “càng khổ càng sướng” còn là nỗ lực vượt qua giới hạn của chính mình: “Ngoài những rào cản đến từ các yếu tố bên ngoài thì bản thân mỗi chúng ta cũng là một chướng ngại trên con đường thành công của chính mình. Thử thách bản thân với những nhiệm vụ khó, vượt qua những giới hạn của chính mình chính là trải nghiệm thành công “càng khổ càng sướng”. Bên cạnh, cảm giác hạnh phúc với thành công được người khác công nhận, còn có niềm hạnh phúc với thành công được chính mình công nhận.”

Những suy nghĩ về thành công như: làm chủ tài chính, làm chủ doanh nghiệp, làm chủ thời gian,… sẽ không bao giờ từ lời nói trở thành hiện thực nếu tuổi trẻ sợ khổ, ngại khó, không có mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Năng lực chỉ bộc lộ tối đa, kinh nghiệm chỉ dày dạn hơn khi chọn thực hiện những mục tiêu khó bằng con đường nhiều trở ngại và thách thức hơn.

Kiếm tiền tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là mục tiêu dễ thực hiện đối với những nhân sự đến từ đất nước có sự phát triển kinh tế khiêm tốn như Việt Nam. Nhưng rèn luyện năng lực, tích lũy kinh nghiệm tại môi trường làm việc kỷ luật và tác phong công nghiệp Nhật Bản lại là mục tiêu khó đối với các bạn trẻ.

Học hỏi phong cách làm việc kỷ luật của người Nhật, phát triển năng lực Nhật ngữ, tạo uy tín với công ty, vượt qua sự khác biệt về văn hóa và cám dỗ vật chất,… là những mục tiêu đầy thách thức. Mỗi mục tiêu đạt được tương xứng với một thành công lớn trong suốt quá trình bạn theo đuổi thành công bằng con đường sang Nhật làm việc và học tập.

3. Thành công được xây dựng từ uy tín

Uy tín tỷ lệ thuận với thành công. Uy tín được xác lập bằng hành động và được kiểm chứng với thời gian. Để đạt được thành công cần có những hành động giữ đúng cam kết, đồng thời những hành động này phải được thể hiện thường xuyên, liên tục trong khoảng thời gian đủ để tạo được lòng tin.

Đối với những bạn trẻ chọn con đường thành công bền vững khi sang Nhật làm việc, xây dựng uy tín với nhà tuyển dụng Nhật càng quan trọng và có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công mà các bạn đã định nghĩa ở trên. Bởi trong văn hóa làm việc Nhật Bản uy tín là yêu cầu bắt buộc để duy trì các mối quan hệ xã hội và quan hệ công việc. Bạn đã thuyết phục nhà tuyển dụng Nhật bằng những cam kết cống hiến cho công ty thì cần có thời gian để chứng minh những cam kết đó bằng hành động. Nếu bạn cam kết cống hiến hết mình cho công ty nhưng lại làm việc nửa vời, cầm chừng, trục lợi thì liệu có tạo được uy tín với công ty?

4. Thành công là có nhiều mối quan hệ xã hội

Tạo lập và duy trì các mối quan hệ là kỹ năng quan trọng quyết định đến sự thành công trong công việc và ngoài xã hội của một cá nhân. Mặc dù, thành công là một quá trình phấn đấu tự thân nhưng luôn cần những sự hỗ trợ từ các mối quan hệ. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người không chỉ học hỏi được kinh nghiệm và vốn sống mà còn tăng cơ hội thành công.

Nếu thành công trong tương lai với bạn là thành lập một doanh nghiệp đối tác của các doanh nghiệp Nhật Bản thì xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp và đồng nghiệp Nhật sẽ giúp cơ hội thành công của bạn rộng mở hơn. Từ những mối quan hệ với những người Nhật ở góc độ công việc, bạn sẽ hiểu hơn về văn hóa, tác phong làm việc của người Nhật để đặt quan hệ hợp tác kinh doanh với người Nhật trong tương lai.

Từng tiếp xúc, làm việc với rất nhiều hiệp hội và công ty Nhật, theo thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn, người Nhật nhận xét Thực tập sinh và Kỹ sư Việt Nam rất cởi mở và luôn là những người thiện chí trong các mối quan hệ ngoài công việc nhưng họ thường không có ý định duy trì những mối quan hệ này khi trở về nước. Người Nhật luôn rất cẩn trọng trong các mối quan hệ giữa người với người nhưng nếu đã thực sự tin tưởng và tạo lập quan hệ thì sẽ luôn hết mình duy trì mối quan hệ tốt đẹp đó. 

Giống như lòng tin, các mối quan hệ lâu dài cần được xây dựng bằng thời gian, đồng thời được duy trì củng cố bằng tình cảm chân thành. Những mối quan hệ chân thành sẽ đem lại sự giúp đỡ không suy tính.

Có thể thấy, từ con đường thành công trong suy nghĩ đến con đường thành công thực tế là sự khác biệt giữa ước mơ và thực tại. Nếu thành công trong suy nghĩ là kết quả viên mãn thì thành công thực tế là một cuộc hành trình khó khăn cần đủ thời gian và sự nỗ lực để chinh phục các mục tiêu từ dài hạn đến ngắn hạn.

Thành công trong suy nghĩ được ấn định bởi tuổi tác nhưng trên thực tế, thành công dành cho mọi lứa tuổi với điều kiện bản thân mỗi người phải tự xây dựng cho mình những mục tiêu và quyết tâm thực hiện.

Trên con đường thành công thực tế không có khái niệm đích đến cuối cùng mà chỉ có khái niệm dừng lại là thất bại.

scroll top