01/11/2011
9619
0
Định vị bản thân - Xác định mục tiêu tương lai

Từ câu chuyện “Con cá và cần câu”, chúng ta dễ dàng nhận ra những ý nghĩa thiết thực: “cái cần câu” là cái “nghề” mà ta có được trong tay, “con cá” là “cơm áo gạo tiền” kiếm được. Nếu chỉ có được “con cá” trong tay thì sẽ ăn được một bữa no bụng, ăn no xong một bữa là hết. Ngày mai rồi sẽ ra sao? Nếu có được cái “cần câu” trong tay thì sẽ bắt cá được suốt đời. Càng câu thì càng thạo. Càng thạo thì càng bắt được nhiều cá. Càng nhiều cá thì càng ấm no, hạnh phúc. Người có được một cái “nghề” trong tay ví như có được cái “cần câu” vậy.

Và cũng đúng với câu “Nhất nghệ tinh - Nhất thân vinh”. Có nghĩa là, nếu người nào có được cái “nghề” nào đó trong tay thì vừa có thể kiếm được tiền nuôi sống bản thân, còn đem lại vinh quang phú quý, hạnh phúc khi được làm nghề mình yêu thích. Bản thân các em đã có nghề gì chưa? Các em có muốn sắm cho mình một cái cần câu không? Vậy thì các em phải suy nghĩ và quyết định làm sao tạo cho mình được một cái “nghề” của mình cho tương lai. Tương lai cụ thể là bao nhiêu năm?

1.    Hiện trạng việc làm của các học viên

Các em có bao giờ đặt câu hỏi: “Tại sao mình có thu nhập (lương) thấp?”. Câu trả lời có thể là vì các em đã không siêng năng, chịu khó học khi còn ngồi trên ghế nhà trường; vì không có bằng cấp, chuyên môn tương xứng với công việc hay không có những kỹ năng làm việc phù hợp với công việc lương cao đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao cùng các kỹ năng vi tính, các kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp/ thuyết phục / quan hệ cộng đồng / quản lý…); vì thiếu ý chí và quyết tâm vừa làm việc vừa học thêm nhằm nâng cao năng lực bản thân…

Vì những nguyên nhân trên nên thu nhập của các em trong thời điểm hiện tại còn thấp. Vậy thì, một câu hỏi tiếp theo được đặt ra: “Phải làm gì để cải thiện thu nhập, để có thu nhập cao hơn?”. Con đường thực tập kỹ năng tại Nhật là một gợi ý phù hợp đối với hiện trạng của các em hiện giờ.

2.    Con đường thực tập kỹ năng tại Nhật Bản

Thông thường, ai cũng muốn sống gần gũi người thân, bạn bè. Nhưng khi các em quyết định đi theo con đường Thực tập kỹ năng tại Nhật Bản tức là phải sống xa người thân, gia đình. Bởi đâu mà các em có thể vượt qua được sự khó khăn về mặt tình cảm đó? Vì các em đã xác định cho mình một con đường tương lai, để thoát khỏi sự khó khăn trong cuộc sống hiện tại ở Việt Nam: thu nhập thấp, kinh tế khó khăn, công việc không ổn định, muốn sang Nhật học được một cái nghề, để xây dựng một tương lai tốt hơn.

Giám đốc Lê Long Sơn trao đổi với các bạn học viên về chương trình Thực tập kỹ năng tại Nhật.

Thông qua chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật, các em sẽ rèn luyện, học hỏi rất nhiều điều. Rèn luyện tiếng Nhật để có thêm một ngoại ngữ, học hỏi chuyên môn từ công việc mình sẽ làm ở Nhật để tạo cho mình một cái nghề, học qui trình làm việc, học tác phong tốt, thiết lập những mối quan hệ tốt với ông chủ, với đồng nghiệp… Tất cả những điều học được đó sẽ là những kinh nghiệm rất quý giá cho các em trong con đường tương lai sau này khi về nước.

3.    Để phát triển sự nghiệp bản thân trong tương lai như những gợi ý ở trên thì bản thân các em cần nắm chắc cơ hội trúng tuyển sang Nhật thực tập và làm việc này như thế nào?

Để dành tiền. Tích luỹ mỗi tháng trung bình 50,000 yên (=13,000,000VNĐ), 3 năm trung bình: 1,800,000 yên (=500,000,000 VNĐ)

Học thật giỏi tiếng Nhật, giỏi cả đàm thoại, giỏi cả đọc viết. Cố gắng tối thiểu đạt bằng N2. Mục đích cao nhất là N1. Học mọi lúc mọi nơi. Tranh thủ từng phút học tại nơi làm việc. Học trong thời gian di chuyển. Học tại nhà. Học tại trung tâm giao lưu quốc tế tại địa phương. Tranh thủ đọc thật nhiều từ báo, từ tạp chí, tranh thủ xem tivi, tin tức hàng ngày, tranh thủ xem những phim hay mà mình thích trực tiếp bằng tiếng Nhật.

Dành thời gian để ôn luyện thi chứng chỉ năng lực. Năm thứ 1 thi N4 hoặc N3, năm 2 thi N3 hoặc N2, năm cuối thi N2 hoặc N1. Tranh thủ nói chuyện với người Nhật. Cố gắng tạo quan hệ thật tốt với nhiều người Nhật tại Cty, nơi làm việc, hàng xóm. Giao lưu thật nhiều với người tốt. Tránh xa những người Nhật xấu, có ý lợi dụng, tuyên truyền và dụ dỗ.

Làm thật tốt việc được giao, dù là việc đơn giản nhất. Làm từ dễ đến khó. Làm cẩn thận, chất lượng đặt lên hàng đầu, rồi từ từ quen, thành thạo tăng số lượng và năng suất làm việc lên cao. Không biết thì phải hỏi. Hỏi 1 lần không hiểu thì hỏi lần 2. Tuyệt đối không tự ý làm mà không hỏi han hoặc xin phép.

Làm việc hết mình, hết sức, nhiệt tình, trách nhiệm. Cố gắng đi làm thật sớm. Tranh thủ dọn dẹp xung quanh nơi làm việc, lau chùi sạch sẽ, chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt tay làm việc. Tranh thủ giao tiếp, nói chuyện công việc với đồng nghiệp, cấp trên người Nhật về công việc trong ngày cần làm. Nhờ cấp trên chỉ dẫn thêm và dạy cho những vấn đề chưa hiểu. Cố gắng ở lại làm thêm nếu có thể để học hỏi những công việc chưa được giao, mà muốn tìm hiểu.

Cố gắng làm hết việc chứ không phải hết giờ. Cố gắng ghi chép thật nhiều nhật ký công việc, ghi chép tất cả những điều đạt và chưa đạt. Những lỗi cần cải thiện và sửa chữa. Tranh thủ lấy lòng cấp trên để được cấp trên từng bước giao cho nhiều việc hơn nữa, chỉ dạy cho nhiều khâu, nhiều công đoạn, nhiều kỹ thuật, kỹ năng, bí quyết để sản xuất, chế tạo, quản lý chất lượng, cách thức sắp xếp công việc, giao việc, quản lý hàng hoá… Khi thành thục thì sẽ được cấp trên tin tưởng giao cho chỉ đạo thế hệ đàn em, hướng dẫn cả nhân viên mới vào là người Nhật. Như thế là tự nhiên mình đã trang bị được kỹ năng làm việc thật tốt trong môi trường tại công ty Nhật Bản. Tất cả những điều ghi chép được sẽ sử dụng cho tương lai khi làm việc ở Việt Nam. Sổ tay ghi chép đó CÓ GIÁ TRỊ HƠN CẢ BẰNG TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC đối với các Cty cần tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm làm việc thực tế.

Cố gắng học hỏi những hành động, cư xử của người Nhật mà mình cảm thấy nể phục, thấy tốt, ở bất cứ nơi đâu, trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, trong cuộc sống, ở siêu thị, ở nhà hàng, ở quán ăn, ở nhà ga, ở bưu điện. Luôn quan sát trong cuộc sống tại Nhật và tự hỏi tại sao người Nhật lại làm được những điều như thế mà người Việt Nam mình chưa làm được. Cố gắng sưu tầm những quyển sách hay, những tạp chí, sách & tài liệu kỹ thuật, sách quản lý, tranh ảnh, chụp hình những nơi mình đi đến… Những điều quan sát và học hỏi được này chính là trang bị cho mình một kiến thức, kỹ năng sống tốt nhất mà không dễ gì có được trong thời gian ngắn là 3 năm.

Ở Cty: cố gắng tạo được quan hệ tin tưởng với cấp trên người Nhật. Làm tất cả những gì có thể để tạo được tình cảm của mọi người trong Cty tôn trọng và quý mến mình. Làm sao để khi mình trở về nước mọi người chia tay một cách quyến luyến chứ không phải khinh ghét và muốn tống khứ về nước cho khuất mắt họ. Để một ngày nào đó chính họ sang Việt Nam tìm đến mình, hay mình mời họ sang chơi thăm gia đình mình chẳng hạn. Trong cuộc sống xung quanh thì cố gắng tạo được thật nhiều mối quan hệ tốt với nhiều người Nhật. Tìm được những người bạn Việt Nam thật thân thiết, cùng gắn bó, chia sẻ và kết nghĩa. Cố gắng phát triển những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người. Đây là cơ hội tốt nhất để tạo được những mỗi quan hệ bạn bè, thân hữu người Việt, kể cả người Nhật giúp cho phát triển sự nghiệp tương lai, cuộc sống thêm thi vị và nhiều bạn tốt.

3 năm cho một chuyến đi Nhật mà các em làm được những điều như trên thì không cần phải học đại học tốn kém, mà khi trở về nước những gì các em đem theo được về có thể làm 5 năm, 10 năm, 20 năm và có thể hết đời mình vẫn chưa thực hiện được và bỏ qua cơ hội.

4.    Các cơ hội sau khi về nước:

Với tất cả những điều đã học và rèn luyện tốt ở Nhật trong ba năm thực tập, khi trở về Việt Nam, cơ hội nghề nghiệp của các em sẽ mở rộng:

Làm việc trong môi trường công nghiệp, nhà máy: chỉ đạo kỹ thuật,thông dịch, phiên dịch trong nhà máy, đào tạo công nhân, tham gia điều hành, quản lý, các nghiệp vụ hành chính văn phòng có sử dụng tiếng Nhật,..

Làm việc trong môi trường dịch vụ: thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch, các cấp quản lý trong môi trường dịch vụ như: các văn phòng đại diện của Nhật tại Việt Nam, khách sạn, nhà hàng,..

Làm việc trong môi trường giáo dục: Giáo viên tiếng Nhật, đào tạo kỹ năng làm việc trong nhà máy.

Làm kinh doanh, làm chủ:

  • Mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ.
  • Mở nhà máy quy mô nhỏ: xưởng cơ khí gia công, sản xuất linh kiện, chi tiết cho các Cty Nhật tại Việt Nam; xưởng cơ khí làm cửa sắt; xưởng sản xuất sản phẩm học được tại Nhật Bản trong 3 năm tu nghiệp.
  • Hợp tác kinh doanh với anh em, bạn bè.
  • Hợp tác với chính công ty thực tập 3 năm tại Nhật Bản để phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

 KẾT LUẬN:

Các em hãy suy nghĩ thật kỹ những gì mình có thể đạt được thông qua chương trình Thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. Hãy bắt đầu suy nghĩ, suy nghĩ thật kỹ, đặt bút xuống viết ra tất cả những gì mình muốn, và suy nghĩ để chọn cách làm, phương pháp thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Từng bước, từng ngày, từng giờ tích luỹ.

Trồng cây ăn trái tối thiểu mất 3 năm mới đơm hoa kết trái, phải chăm bón mỗi ngày. Cây phải luôn được vươn đến ánh sáng mặt trời, phải vặt lá tìm sâu. Các em cũng vậy, phải cải thiện những cái chưa tốt, không có lợi cho tương lai, phiền phức mọi người xung quanh, gia đình, bạn bè. Hãy luôn sống là người có ích cho người thân, gia đình, cha mẹ anh chị em, và có ích cho cả xã hội.

Để làm được điều đó thì việc đầu tiên các em phải làm người có ích, có công cho chính Cty mình sẽ đến làm việc. Và ngay bây giờ các em hãy trăn trở với các câu hỏi “Đặt ra kế hoạch cụ thể để hành động như thế nào? Phân bổ và sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình ra sao? Và quyết tâm theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp tương lai là gì?”. Hãy suy nghĩ liên tục và không mệt mỏi để mỗi ngày trưởng thành hơn. Ngày hôm nay cần có sự thay đổi và tiến bộ hơn hôm qua.

Chúc các em thành đạt và hạnh phúc như mong muốn.

GIÁM ĐỐC - HIỆU TRƯỞNG LÊ LONG SƠN

scroll top