04/05/2013
5864
0
Lễ hội bé trai Nhật Bản

Vào những ngày đầu tháng năm, trên những vùng quê Nhật Bản bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những chú cá chép màu sắc sặc sỡ đang bơi lội trên bầu trời xanh. Và nếu có dịp đi đến thăm những gia đình có bé trai, bạn sẽ được ngắm nhìn những bộ áo giáp, mũ của các samurai, hay những hình nộm samurai được trang trí trong phòng khách. Tất cả những điều này là một trong những nghi thức cầu chúc cho sự trưởng thành của những bé trai ở những gia đình người Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, có tất cả 5 ngày quan trọng nhằm đánh dấu sự thay đổi của thời điểm chuyển mùa trong năm. Ngày 5 tháng 5 là một trong những ngày quan trọng đó (Tết đoan ngọ), là ngày báo hiệu cho một mùa xuân, mùa cây xanh đâm chồi nảy lộc, mùa sinh trưởng của tất cả mọi loài, đồng thời cũng là giai đoạn dễ phát sinh dịch bệnh, dễ đau ốm do chuyển tiết, chuyển mùa. Bắt nguồn từ những phong tục, nghi lễ được tiến hành trong dịp lễ tết Đoan ngọ của Trung Quốc, gia đình Nhật hoàng và giới quý tộc triều đình cũng tổ chức việc phân phát lá thuốc phòng bệnh, hay tổ chức những buổi lễ phi ngựa bắn cung nhằm phòng trừ tà ma ác quỷ.

Đến thời Kamakura (1185 -1333: bắt đầu thời kì Samurai), các tập tục này được các gia đình Samurai thay đổi bằng việc treo những lá cờ (Nobori), mũ giáp (Kabuto), hay những vũ khí chiến đấu trước cổng và hàng rào nhà mình. Còn với người dân thường thì thay thế bằng những mũ giáp và hình nộm Samurai to lớn, dũng mãnh được làm từ giấy.

Cho đến thời Edo, việc chính phủ Nhật quy định đây là ngày lễ quan trọng trong năm càng làm cho phong tục này lan rộng trong dân gian. Có một điều khác biệt ở đây là ở các gia đình dân thường vì không có cờ để treo như các gia đình Samurai, thay vào đó là những Koinobori (cờ cá chép) rất được yêu thích.

Cờ cá chép bắt nguồn từ chuyện kể về một loại cá chép sống ở sông Hoàng Hà (Trung Quốc) vượt dốc bơi lên thượng nguồn. Do vậy người xưa cho rằng đây là loài cá xuất thế, làm biểu tượng cầu mong cho những đứa trẻ trong nhà sau này lớn lên có thể tự thân lập nghiệp, thành công trên đường đời. Nếu bạn chú ý hơn nữa sẽ thấy cờ cá chép có ba màu sắc: đen, đỏ, xanh biểu hiện cho người cha, người mẹ và trẻ con.

Theo thuyết ngũ sắc:

* Màu đen biểu hiện cho nước vào mùa đông. Mùa đông là mùa vạn vật đều tĩnh lặng, ít hoạt động. Người cha theo quan điểm của người xưa là người phải trầm tính. Còn nước là nơi bắt nguồn của mọi sự sống.

* Màu đỏ là màu của lửa vào mùa hạ. Lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào, cũng là biểu hiện cho trí tuệ. Mùa hạ là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài. Nên có thể nói là biểu trưng cho hình ảnh người mẹ.

* Màu xanh là màu biểu hiện cho cây vào mùa xuân, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, vươn thẳng, biểu hiện cho lớn lên của đứa trẻ.

Như vậy, ba chú cá chép biểu hiện cho sự an định và cung cấp nguồn sống, trí tuệ và nuôi dưỡng, sự trưởng thành và phồn vinh, là những yếu tố không thể thiếu được trong một gia đình đầm ấm, làm cơ sở cho sự trưởng thành hài hòa của những đứa trẻ.

Gần đây, do các gia đình sống trong thành phố, vì không có sân vườn để có thể treo cờ cá chép, nên cờ cá chép cũng được thu nhỏ lại để có thể treo ở ban công, cửa sổ trong nhà. Đồng thời, bên cạnh cờ cá chép còn có chong chóng, các sợi dây đủ màu sắc cũng được treo cùng, bay phất phơi trong gió.

Những hình ảnh đẹp mắt của cờ cá chép và các món ăn được làm trong ngày lễ dành cho bé trai:

Kashiwa mochi

Là loại bánh gạo nếp, nhân đậu và được gói trong lá sồi (kashi nghĩa là sồi). Cũng mang ý nghĩa như cây tùng, cây bách, cây sồi tượng trưng cho ý chí vươn lên và sức mạnh vượt qua khó khăn thử thách của một đấng nam nhi.

Mugi gohan

Đây là loại cơm với sắn, đựng trong nồi gỗ sơn hình cá chép, từng hạt gạo đều rời nhau, ăn rất thơm và dẻo.

Bánh hình cá chép

Obento

Cờ cá chép

Tổng hợp

scroll top