Ameyoko (Tokyo)
Ameyoko là một dãy phố mua sắm dài 400m nằm giữa ga Okachimachi và ga Ueno ở quận Taito, phía tây của tuyến JR Yamanote line, bao gồm gần 400 của hàng lớn nhỏ với không khí luôn tất bật, nhộn nhịp của tiếng rao hàng níu kéo mọi người dừng lại và thăm quan các cửa hàng.
Dường như tất cả mọi thứ đều có ở đây – thực phẩm (chủ yếu hải sản tươi sống và đồ khô), quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm, bánh kẹo và thập cẩm mọi thứ linh tinh khác. Những tin tức về Ameyoko luôn luôn chật ních người tham quan mua sắm, thường xuyên được cập nhật trên báo chí vào dịp cuối năm. Phần nhiều trong số khách hàng tìm đến đây là để mua được thực phẩm với giá thấp hơn so với nhiều nơi khác trong Tokyo, và cũng là nơi mọi người mua sắm đồ cuối năm.
Chợ cá Tsukiji nổi tiếng với các của hàng chuyên bán thủy hải sản và các thực phẩm liên quan, nhưng chủ yếu dành cho bán buôn và tại các cửa hàng bán lẻ cũng không có việc thương lượng hay trả giá. Nhưng Ameyoko lại chủ yếu dành cho khách hàng bình thường và nhân viên bán hàng chấp nhận để khách hàng mặc cả. Bạn hãy cứ thử trả giá và phần lớn sẽ mua được một món hàng với giá thấp hơn và thậm chí bạn có thể đi mà không mua nhưng với cảm giác hay tâm trạng rất khác lạ. Đây chính là điều làm cho việc mua sắm tại Ameyoko khá thú vị.
“Với thu nhập của một công chức bình thường thì Ginza hay Omotesando thực sự không phải là nơi shopping lý tưởng. Từ khách sạn ở gần kề nhà ga Uguisudani, từ đây chỉ mất một trạm tàu JR trong vòng 2 phút với giá 130 yên là đến ga Ueno để đến Ameyoko. Trái với dự định là sẽ phải hỏi đường đến Ameyoko thì vừa ra khỏi tầng hầm của nhà ga Ueno, trước mắt tôi, cổng chào hình cung với chữ Ameyoko đã hiện trước mặt phía bên kia đường. Các cửa hàng san sát nhau với thập cẩm hàng hóa mà nhiều thứ cũng không biết đó là cái gì vì tôi đâu biết tiếng Nhật. Càng đi sâu vào trong, không khí càng ồn ào, náo nhiệt bởi các tiếng rao hàng giảm giá nhất là trong khu bán đồ hải sản tươi sống cộng với tiếng tầu điện thỉnh thoảng chạy rầm rập trên các đường ray gần đó. Đi bộ dọc theo các cửa hàng, mua ngay những món đồ nếu thấy được vì chắc chắn tôi sẽ không thể nhớ đường hay đủ thời gian để quay lại để mua nó. Rong biển, cá khô thì giá tương đương và cũng có thể đắt hơn chút so với ở nhà nhưng chất lượng thì made in Japan nên khỏi phải đắn đo hay suy nghĩ. Dù đi mưa giá chỉ 330yên thay vì 500 yên như ở nơi khác. Rẽ vào của hàng Matsumoto Kiyoshi với các biển báo sales màu đỏ hấp dẫn, 15 hay 20 phút thoáng dự tính nhưng rốt cuộc tôi đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ để thu gom một đống đồ lặt vặt cho gia đình, bản thân và nhiều món quà nhỏ cho bạn bè hay đồng nghiệp. Từ chai nước uống bồi bổ sức khỏe của XYZ (toàn tiếng Nhật mà thính thoảng thấy người Nhật rẽ vào mua và uống luôn tại chỗ với giá 400yen), “ngẩn tò te” suy nghĩ một hồi xem mình có nên hay dám uống thử hay không, Chocolate Meiji giảm giá thấp hơn nửa giá so với ở nhà, đôi vớ quần Kanebo với giá 899 yen (3 cặp) đến vô số mỹ phẩm của các hãng khác nhau. Shisheido hay Kanebo là những hãng mỹ phẩm đã khá quen thuộc với nhiều người Việt và khi ở nhà đôi khi bắt gặp những của hàng trưng bày sản phẩm sang trọng ở những con phố trung tâm, vẫn thường nghĩ chắc sản phẩm giá cũng tương đương, nhưng ở đây những đặc biệt ở những kệ hàng hạ giá, tôi đã mua được những thỏi son, nước gội đầu, dưỡng da tay .v.v chính hãng với giá rẻ đến khó tin. Sau cả một ngày lang thang đi bộ mua sắm với ngôn ngữ giao tiếp phần lớn là body language, nhưng không hề có cảm giác mệt mỏi. Ngồi nhâm nhi thưởng thức món Takoyaki (bánh bạch tuộc), nhìn người bán hàng tay liên tục đảo bánh, miệng liên tục xin chào và cám ơn khách hàng tôi liên tưởng đến dịch vụ khách hàng ở Nhật. Đây không phải là một trung tâm thương mại nơi mà tất nhiên dịch vụ khách hàng không có gì để đề cập tới, mà đây chỉ là một khu chợ trời nhưng nghĩ lại dù tôi mua một món hàng với giá trị rất nhỏ như gói giấy thấm dầu 275 yên hay cả bộ mỹ phẩm Shiheido giá 40.000 yên thì thái độ của người bán hàng không hề có sự khác biệt. Xếp hàng chờ đợi thanh toán, tôi thấy người thu ngân luôn miệng nói một câu rất dài với tất cả khách hàng (câu xin lỗi đã để khách hàng phải chờ đợi để thanh toán), nhận tiền bằng 2 tay, cúi đầu và khi thối lại dù chỉ 5cent đặt trên khay cũng lại với 2 tay, cúi đầu gửi lại khách hàng và tất nhiên không thể thiếu câu cám ơn. Người bán hàng bán được hàng chắc chắn sẽ rất vui nhưng với tôi một người mua hàng, tiêu hết một đống tiền nhưng sao lại thấy có khi còn vui hơn họ, có thể bởi vì mua được nhiều đồ mình yêu thích và cũng vì có được cái cảm giác Khách hàng là thượng đế ở nơi đây. Gần 22h, tôi bắt đầu tay xách nách mang rời chợ và tự nhủ sẽ sớm quay lại nơi đây.
Cửa hàng 100 yên
Khi tham quan du lịch tại Nhật bạn sẽ gặp cửa hàng 100 yên ở khắp mọi nơi trên nước này. Cũng giống như cửa hàng “dollar shop” của Mỹ, áp dụng đồng giá cho tất cả các mặt hàng với giá 100 yên (cộng với 5% thuế), tuy nhiên cũng có một số mặt hàng giá sẽ cao hơn một chút.
Sức hấp dẫn lớn nhất của cửa hàng 100-yên vốn dĩ là giá rẻ tuy nhiên chúng cũng được những hộ độc thân và hộ gia đình nhỏ khá ưa chuộng vì các sản phẩm ở đây thường có kích thước nhỏ, số lượng vừa đủ.
Các kiểu cửa hàng tương tự như vậy hiện diện ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nhưng bạn sẽ bị hấp dẫn lôi cuốn với những sản phẩm ấn tượng ở các cửa hàng 100 yên của Nhật. Nơi đây, khách hàng có thể tìm thấy mọi thứ từ các vật dụng gia đình, hàng trang trí nội thất, văn phòng phẩm, đồ dùng hàng ngày, mỹ phẩm và đồ trang sức. Daiso, chuỗi cửa hàng 100 yên lớn nhất ở Nhật, cung cấp hàng chục ngàn mặt hàng khác nhau. Bạn có thể ngạc nhiên đến khó tin khi tìm thấy những sản phẩm với giá thấp như vậy ở cửa hàng 100 yên.
Những cửa hàng này cũng là nơi tuyệt vời cho những khách hàng muốn mua đồ trang trí chuẩn bị cho Lễ Noen và thực phẩm chuyên dùng cho năm mới. Và bạn sẽ gây ngạc nhiên tới những người bạn ở nhà khi không chỉ bởi mua được những sản phẩm công nghệ cao mới nhất của Nhật mà còn bởi vì chúng được mua ở cửa hàng 100 yên.
Chợ sáng – một thoáng nhìn về cuộc sống hàng ngày của người Nhật
Nếu có thời gian bạn hãy đến thăm quan một chợ buổi sáng. Những phiên chợ này diễn ra ở khắp nước Nhật vào buổi sáng sớm gồm nhiều gian hàng bán sản phẩm địa phương như hải sản, trái cây và rau quả, thực phẩm chế biến tại chỗ.vv. Với đối tượng khách hàng chính là người Nhật, chợ thay đổi từ những phiên chợ nhỏ nơi nông dân, ngư dân và người sản xuất khác bán trực tiếp sản phẩm của họ cho người tiêu dùng cho tới những khu chợ mở của hàng ngày được quản lý bởi những nhà bán lẻ chuyên nghiệp. Có khoảng 1000 chợ như thế này diễn ra trên toàn nước Nhật. Các khu chợ lớn không chỉ bán các sản phẩm trong ngày mà còn cả quần áo, đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ và đồ dùng hàng ngày như bộ đồ ăn, chén đĩa .v.v.
Ba khu chợ sáng lớn nhất ở Nhật là ở Takayama (Tỉnh Gifu), Wajima (tỉnh Ishikawa) và Katsuura (tỉnh Chiba). Đi tàu tốc hành trong 1h30 từ ga Tokyo, chợ Katsuura diễn ra hàng ngày ở Katsuura, bán các sản phẩm địa phương, hải sản tươi sống cũng như đồ biển khô, thực phẩm chế biến khác và tất cả sản phẩm sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Khu chợ này tất nhiên không hiện đại hay mới lạ nhưng mọi sản phẩm ở đây chắc chắn tươi, ngon và an toàn.
Những người bán hàng ở đây hầu hết là người địa phương. Thậm chí nếu bạn không thể nói một chút tiếng Nhật nào, hãy sử dụng một chút ngôn ngữ cử chỉ (body language), và với kinh nghiệm giao tiếp này sẽ làm cho chuyến đi của bạn thêm phần thú vị và đáng nhớ hơn một chuyến đi bình thường khác.
Mua sắm tại những khu chợ như thế này chính là những dịp tuyệt vời để bạn có thể cảm nhận hay hiểu rõ hơn văn hóa ẩm thực của mỗi vùng. Hãy thăm quan khu chợ đường phố ở chợ bán buôn Sapporo hay chợ Nijo ở Hokkaido, hay chợ Omi in Kanazawa (tỉnh Ishikawa) chuyên về hải sản, hay ở vùng Kansai, chợ Nishiki ở Kyoto chuyên về ẩm thực theo phong cách Kyoto và chợ Kuromon ở Osaka nếu có cơ hội.
Theo dulichnhatban.net