Và ở Esuhai – KaizenYoshidaSchool, 20/11 không chỉ là ngày để tôn vinh thầy cô, không chỉ là ngày để các lớp học trò gửi lời chúc hay thể hiện sự tri ân với các thầy cô mà 20/11 còn là ngày để mỗi người thầy, người cô suy nghĩ và nhìn lại chính công việc, chính nghề nghiệp mà mình đang đeo đuổi.
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho đời đầy “trái ngọt hoa tươi”…
(Có một nghề như thế – Đinh Văn Nhã).
Trong nhịp quay hối hả của cuộc sống, có bao giờ chúng ta dừng lại và tự hỏi chính mình rằng: Cái nghề mình đã chọn, con đường mình đang đi, liệu có thực sự là đúng dành cho mình hay chưa?!
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Và nếu chúng ta nhìn rộng và thực tế hơn chúng ta sẽ thấy rằng, nghề dạy học không chỉ là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý mà còn là nghề “nguy hiểm” nhất trong các nghề nguy hiểm.
Tại sao lại nói như vậy? Ví dụ, công việc của một thầy thuốc nếu gặp sai sót trong chuẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân thì sai sót đó có thể sẽ chỉ xảy ra trong phạm vi của một bệnh nhân. Nhưng nếu sai sót đó xảy ra bởi một người thầy khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho một lớp hay nhiều lớp học sinh thì hậu quả sẽ vô cùng lớn, không chỉ là một người mà có thể là cả 1 thế hệ tương lai…
Những người thầy, người cô cũng vì đó mà có nhiều trăn trở hơn trong việc giảng dạy và trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục. Cũng bởi với mỗi học sinh, ngoài gia đình sinh ra thì trường học là gia đình thứ hai và thầy cô là những người mang sứ mệnh “trồng người”. Cũng bởi, người thầy không chỉ trao truyền kiến thức sao cho đúng đắn, dễ hiểu mà còn đóng vai trò là người sẻ chia, ươm mầm ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi học trò hướng đến những giá trị tích cực. Cũng bởi, người thầy vì tình yêu thương học trò, vì mong muốn học trò tiến bộ và trở thành người tốt… mà sẽ phải trăn trở lựa chọn và áp dụng phương pháp giáo dục “nhẹ nhàng” hay “kỷ luật” phù hợp và hiệu quả cho mỗi một thời điểm hoặc mỗi đối tượng người học…
Vì vậy, việc chọn con đường trở thành nhà giáo là một sự lựa chọn đầy trân trọng, vinh quang và những con người ấy cũng đang lựa chọn bước đi trên một con đường đầy chông gai và thử thách.
Mỗi ngày khi đến trường lớp, nếu người thầy, người cô cảm thấy hôm nay mình bình yên và hạnh phúc thì chắc rằng những người học trò của mình cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Thế hệ học trò tương lai hạnh phúc bắt đầu từ tập thể thầy cô giáo hạnh phúc.
20/11 – nhân ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam, Esuhai – KaizenYoshidaSchool xin được dành lời chúc tốt đẹp và kính trọng đến những ai làm nghề giáo. Cảm ơn các quý thầy cô nói chung và quý thầy cô Esuhai – Kaizen nói riêng đã luôn chắp cánh cho những ước mơ hồng, chắp cánh cho bao thế hệ thanh niên Việt Nam có thể bay cao, bay xa, vững bước vào tương lai và góp phần xây dựng quê hương đất nước. Chúc quý thầy cô luôn bình an, mạnh khỏe và luôn tìm được niềm vui với Nghề & Nghiệp mà mình đã chọn!
Ngôi trường Kaizen chúng ta được xây dựng không chỉ đơn thuần là dạy tiếng Nhật, mà điều cốt lõi bên trong là sứ mệnh RÈN ĐỨC – LUYỆN TÀI để từ đó góp phần nuôi dưỡng ước mơ, giúp các em xác định được mục tiêu trong cuộc sống và thành công trong tương lai. Lúc ấy các em sẽ giúp đỡ được cho gia đình mình, xa hơn nữa là cho xã hội.
Đến với tiếng Nhật, các em cũng giống như những đứa trẻ lần đầu tập nói những chữ cái ê a đầu tiên trong đời. Các em cần lắm sự dịu dàng, đôn hậu từ người cô, sự nghiêm khắc và khéo léo của người thầy để được uốn nắn, bảo ban. Tiếng Nhật sẽ không khó và sẽ không một học trò nào muốn bỏ cuộc nếu như ngoài kiến thức trong sách vở các em còn nhận được sự yêu thương và chia sẻ từ thầy cô của mình. Thiết nghĩ, sợi dây bền chặt nhất để kết nối giữa thầy và trò không phải là những lời răn đe, những kỷ luật thép mà là sự bao dung, nhẫn nại từ chính thầy cô chúng ta. Khi đã hiểu và yêu nghề thì tình yêu đó sẽ được chuyển tải qua từng lời giảng, qua từng cái vỗ vai khích lệ đúng lúc, qua từng lời nhắc nhở nghiêm khắc hay những lời động viên mạnh mẽ nhưng đầy tình cảm yêu thương mà thầy cô dành cho các em. Thật không có hạnh phúc nào bằng khi thầy cô giáo chúng ta là người đầu tiên nghe các em thốt lên niềm vui sướng và xúc động rằng: “Thầy cô ơi, em đậu phỏng vấn rồi!” Hạnh phúc là đây, vinh quang là đây, các thầy cô ạ!
Năm 2019, Kaizen tiếp tục có những bước chuyển mới khi số lượng học viên ngày càng đông, nguồn giáo viên và các chi nhánh phát triển không ngừng. Có những thầy cô đã hy sinh thầm lặng, giờ nghỉ ít lại, thức khuya nhiều hơn, giáo án bài vở mỗi ngày một cao hơn... Dù không trực tiếp có mặt tại trường, nhưng tôi hiểu rằng sự hy sinh, nhiệt huyết của thầy cô, việc trồng cây đã đến ngày hái quả khi số lượng học viên đậu phỏng vấn liên tục tăng, khi kết quả học viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi được tổ chức tại Nhật Bản ngày càng nhiều… Xin được chúc mừng thầy cô với những thành quả ngọt ngào ấy!
Trên con đường giáo dục, hẳn rằng khó tránh khỏi có những lúc thăng trầm, nhưng với tình yêu nghề và trái tim nhân hậu của một người thầy, tôi tin các thầy cô sẽ tiếp tục đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi. Tôi tin sự kính trọng mà các em dành cho quý thầy cô không chỉ dừng lại trên lớp hay trong khoảng thời gian là học viên Kaizen mà hơn tất cả, thầy cô sẽ nhận được sự biết ơn từ các học trò trong suốt cuộc đời mình.
Trước khi trở thành một nhà giáo, tất cả chúng ta đều từng trải qua vị trí làm một người học trò. Chúng ta đã từng cần điều gì ở người thầy của mình thì hôm nay đây hãy trao truyền và sẻ chia cho các học trò của mình những điều ấy nhé!
Xã hội ai cũng quý trọng nghề giáo. Xin chúc quý thầy cô luôn giữ mãi tình yêu nghề, không ngừng học tập trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân để trở thành một người thầy giáo, cô giáo tốt và là một “anh hùng” trong lòng các học trò của mình.
(Trích phát biểu chúc mừng của chị Thùy Trang – Phu nhân Hiệu trưởng KaizenYoshidaSchool tại buổi lễ tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019).