23/03/2013
5602
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Chân dung “bầu” Thắng

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đồng Tâm, là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Tp.HCM, là “bầu” của Câu lạc bộ bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An...

Thời trẻ, ông đã đi đến mọi “hang cùng, ngõ hẻm” bằng chiếc xe đạp cọc cạch, tới những nơi có nhu cầu làm nhà và sử dụng gạch...

Ông Võ Quốc Thắng từng được bầu là gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN năm 1999 và từng là đại biểu Quốc hội khoá 11 (nhiệm kỳ)

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đồng Tâm, là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Tp.HCM, là “bầu” của Câu lạc bộ bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An...

Ông từng được bầu là gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN năm 1999, và từng là đại biểu Quốc hội khoá 11 (nhiệm kỳ).

Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống làm nghề gạch bông tại khu Phú Định, quận 6 nên ngay từ nhỏ, Thắng đã có ý chí ham học hỏi và lao vào công việc phụ giúp gia đình. Hàng ngày vừa đi học phổ thông vừa phụ giúp gia đình làm gạch, Thắng đã biết nhiều kỹ thuật làm gạch bông, về pha màu, trộn xi măng.

Tuổi thơ của Thắng cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc cùng gia đình buôn bán lênh đênh trên sông, trên biển, dãi dầm mưa nắng, có những lúc đương đầu với những cực nhọc trong nghề làm gạch bông thô sơ.

Tuy còn trẻ tuổi, nhưng với kinh nghiệm quý giá từ lúc vừa học, vừa làm, cộng với niềm say mê công việc, Thắng đã đi đến mọi “hang cùng, ngõ hẻm” bằng chiếc xe đạp cọc cạch tới những nơi có nhu cầu làm nhà và sử dụng gạch, để tiếp xúc lắng nghe ý kiến và thăm dò thị hiếu của khách hàng. Từ những vất vả đó, ngày nay Thắng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong sự va chạm với cuộc sống và thương trường.

Tiếp nối nghề gia truyền

Đến năm 1985-1986, với chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế của Đảng tại Đại hội 6, Thắng lúc bấy giờ mới 19 tuổi đã đứng ra khôi phục thương hiệu gạch Đồng Tâm của gia đình. lúc đàu chỉ là một tổ hợp sản xuất nhỏ với 4 công nhân, trong đó Thắng vừa là chủ vừa là công nhân trực tiếp sản xuất, vừa phụ trách bán hàng.

Từ những định hướng đúng đắn ban đầu, tập trung vào phát triển ngành gạch bông truyền thống và kế tục sự nghiệp của người cha, qua những tháng năm thăng trầm và những khó khăn, cơ sở gạch bông Đồng Tâm của Thắng đã có những bước phát triển ổn định. Ông Võ Quốc Thắng kể lại với vẻ tự hào rằng ngay từ hồi bé sản phẩm gạch bông Đồng Tâm của gia đình ông đã có mặt tại nhiều công trình xây dựng lớn thời bấy giờ mà hôm nay vẫn còn hiện diện như cư xá Thanh Đa, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương...

Gần 40 năm kể từ khi thành lập vào năm 1969 với sản phẩm ban đầu là gạch bông truyền thống, Đồng Tâm đã trở thành một thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành sản xuất gạch men nói riêng tại Việt Nam.

Để phát triển doanh nghiệp của mình ông Thắng đã lặn lội đến rất nhiều nước châu Âu để học hỏi cách thức làm gạch của xứ người, cuối cùng ông Thắng đã đến Italia và Tây Ban Nha - là hai nước có nền công nghệ gạch men hiện đại nhất thế giới. Và Đồng Tâm mạnh dạn đầu tư một nhà máy hiện đại tại Long An năm 1994, sau đó, từ năm 1996, Đồng Tâm liên tục mở rộng đầu tư các nhà máy ở cả hai miền Nam Bắc.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, Tâp đoàn Đồng Tâm đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phát triển khu công nghiệp, khu dân cư; xây dựng nhà để kinh doanh với nhiều kế hoạch đầu tư lớn và đầu tư liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước.

Một hệ thống các văn phòng chi nhánh, showroom, trung tâm tư vấn đã được thiết lập, cùng với một mạng lưới hơn 3.000 cửa hàng cộng tác phân phối đã đưa sản phẩm Đồng Tâm đến tận tay người tiêu dùng tại hầu hết 64 tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Các chi nhánh và đại lý ở nước ngoài cũng được thiết lập giúp Đồng Tâm không ngừng mở rộng và lớn mạnh trên thị trường xuất khẩu.

Học “tư duy đột phá” của người Nhật

Đầu năm 2007, Võ Quốc Thắng sang Nhật để học nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp tại Nhật Bản. Trong thời gian hai tuần lưu trú ở đó, ông có dịp gặp giáo sư-tiến sĩ Shozo Hibino chuyên về quản trị nhân lực và được nghe giáo sư thuyết trình thuyết tư duy đột phá, nghĩa nôm na là nếu dám đột phá, vượt ra khỏi tư duy bình thường và quyết tâm thực hiện bằng được thì chúng ta có thể đạt được những thành công ngoài mong đợi. (đã được các công ty hàng đầu trên thế giới áp dụng thành công như: Toto, Mishubishi, Toyota, Canon, Sri Lanka Telecom...), ông Thắng như bị hớp hồn về nội dung này từ ông thầy người Nhật Bản.

Ít lâu sau, ông Thắng đã mời được GS. Shozo Hibino sang Việt Nam thuyết trình về đề tài trên cho đội ngũ cán bộ quản lý của Đồng Tâm và cho các sở ban, ngành của tỉnh Long An. Tại buổi trao đổi ấy, một vị khách tham dự hỏi: “Làm sao để Long An phát triển theo kịp Tp.HCM?”. Giáo sư trả lời: “Nếu anh nghĩ Long An sẽ không theo kịp Tp.HCM hoặc bằng Tp.HCM thì mãi mãi Long An sẽ không bao giờ phát triển cả”.

Câu trả lời trên của giáo sư Nhật đã gieo trong đầu ông Thắng một ý tưởng là phải thay đổi mô hình quản lý tại Công ty Đồng Tâm lúc bấy giờ đang hoạt động theo quy mô nhỏ, lẻ. Ông thấm thía lời dạy của GS.TS Hibino: “Con người phải có khát vọng, muốn thực hiện được khát vọng phải phấn đấu và theo đuổi bằng được và thực hiện đến cùng”.

Vì vậy ông Thắng đã quyết định thực hiện bước đột phá: thay đổi mô hình quản trị, hợp nhất các công ty lại. Và ông và tập thể ban lãnh đạo khát khao mong muốn rằng đến năm 2010 thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên chức của Đồng Tâm sẽ nằm trong Top 10 doanh nghiệp của ngành sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Với phương châm, chỉ làm những gì mình biết và biết những gì mình làm, Đồng Tâm đã có sự phát triển ổn định đến ngày hôm nay. Am hiểu về ngành nghề sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, am hiểu về thị trường sẽ tiếp cận tốt hơn với khách hàng. Thành công của một doanh nghiệp còn là sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của tập thể cán bộ công nhân viên, luôn sáng tạo, tìm tòi học hỏi những cái mới trong sản xuất kinh doanh là nhân tố làm nên sự thành công của doanh nghiệp.

Gần đây Đồng Tâm là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam bắt tay với một công ty của Mỹ để phân phối vật liệu xây dựng tại thị trường Mỹ, tuy vốn của công ty liên doanh này không lớn, chỉ 1.500.000 USD nhưng đây là bước khởi đầu cho việc tạo thêm hệ thống phân phối vật liệu xây dựng của Đồng Tâm ở nước ngoài.

Ông Thắng kể lại có một lần khi qua Mỹ, ông ngồi ở một quán góc phố uống cà phê ăn bánh ngọt, tình cờ thấy xe chở pallet gạch Đồng Tâm của mình chạy ngang, ông có cảm xúc sung sướng thật khó tả. Rồi cái cảm giác lâng lâng khi dẫm chân lên nền gạch lót bằng gạch có thương hiệu Đồng Tâm của mình ở những ngôi nhà ngoại ô thành phố Atlanta của nước Mỹ.

Nhưng có vẻ ông Thắng vẫn chưa thoả mãn với những thành công đã đạt được. “Tôi cảm thấy vẫn chưa đạt được những gì mình mong muốn. Không biết tôi có tham vọng quá không nhưng mong muốn lớn nhất của tôi là cố gắng xây dựng Đồng Tâm trở thành thương hiệu của đất nước, nghĩa là khi nói đến Đồng Tâm bạn bè thế giới sẽ biết đó là một thương hiệu của Việt Nam và khi nhắc đến Việt Nam họ sẽ không quên nhắc đến Đồng Tâm”, ông nói.

Theo VnEconomy

scroll top