07/05/2021
10915
0
Đám cưới truyền thống ở Nhật – Cách người Nhật kết hôn

Cũng giống như nhiều nghi lễ truyền thống khác, Nhật Bản có cách tổ chức lễ cưới độc đáo mà những người nước ngoài như chúng ta có thể sẽ thấy không quen thuộc. Từ những bộ trang phục lộng lẫy đến những nghi lễ truyền thống tại các đền thờ Thần đạo.

Bằng cách tham gia vào các nghi lễ giống như tổ tiên trước đây mà nhiều công dân Nhật Bản đã góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Hãy cùng theo dõi bài viết để tìm hiểu tất tần tật về đám cưới truyền thống ở xứ sở hoa anh đào nhé!

Cô dâu trong đám cưới truyền thống ở Nhật

Vào ngày trọng đại của mình, cô dâu có thể sẽ bận rộn như ong để chuẩn bị, thay quần áo và đảm bảo rằng mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Các cô dâu Nhật sẽ có một ngày bận rộn phía trước, vì sự kiện kéo dài từ sáng đến tối nên họ sẽ không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi.

Cô dâu thường sẽ bắt đầu ngày mới trong bộ kimono trắng truyền thống, còn gọi là shiromuku, bên cạnh việc tượng trưng cho sự trong trắng và tinh khiết mà còn để thể hiện sự phục tùng của cô ấy khi gia nhập một gia đình mới. Nó cho thấy cô dâu sẵn sàng và chấp nhận “bất kỳ màu nào họ sơn cô ấy”, có nghĩa là cô ấy sẽ chấp nhận các quy tắc của gia đình chồng. Cô ấy cũng sẽ đội một chiếc mũ trùm đầu màu trắng được gọi là wataboshi, để che giấu đầu và mặt của cô dâu khỏi người chồng sắp cưới của mình.

Dưới wataboshi là bộ tóc giả và phụ kiện bằng vải trông gần giống như một chiếc mũ thời trang. Nó được gọi là tsunokakushi, có nghĩa là “giấu sừng”. Chiếc mũ đội đầu được cho là để che giấu “những chiếc sừng”, tượng trưng cho những cảm xúc ích kỷ như kiêu căng hay ghen tuông, để cô dâu dịu dàng và tử tế với chồng tương lai. Tóm lại, cô dâu sẽ có gần 20kg quần áo và phụ kiện trang bị ngay cả khi buổi lễ chưa bắt đầu.

Tại bữa tiệc chiêu đãi sau lễ cưới, cô dâu sẽ thay sang irouchikake - bộ kimono với màu đỏ, vàng và đen. Trang phục này thường có những họa tiết như hoa anh đào hay sếu, biểu tượng mang lại may mắn, tài lộc cho gia đình nhỏ sắp tới. Hoặc nếu muốn thể hiện phong cách bản thân, cô dâu có thể mặc hikifurisode, loại kimono cổ điển với đuôi áo nhỏ, không có nếp gấp ở hông, thậm chí cô dâu còn có thể thêm những phụ kiện yêu thích của mình lên đó. Nói chung, các cô dâu có nhiều công việc trước mắt nhất để đảm bảo rằng họ trông thật hoàn hảo trong ngày trọng đại của mình.

Chú rể trong đám cưới truyền thống ở Nhật

So với cô dâu, thì chú rể có phần đơn giản hơn nhiều. Nếu chọn kiểu truyền thống, anh ta sẽ mặc bộ montsuki haori hakama, bao gồm quần sọc dài gọi là hakama, áo khoác ngoài gọi là haori. Áo khoác rộng khoác ngoài áo kimono và nhét vào quần. Toàn bộ bộ quần áo chỉ có hai màu đen và xám, nhờ vậy mà họ sẽ giúp làm nổi bật cô dâu của mình trong ngày trọng đại của cô ấy.

Thông thường, chú rể sẽ thay một bộ vest và thắt cà vạt vào một thời điểm nào đó, tuy nhiên cũng có nhiều người ở trong bộ kimono của họ suốt cả ngày.

Nghi lễ trong đám cưới truyền thống ở Nhật

Đối với một đám cưới Thần đạo Shinto truyền thống, cặp đôi và người dự tiệc cưới sẽ đến một ngôi đền, nơi một thầy tu sẽ cử hành nghi lễ cưới. Thầy tu sẽ gửi lời cầu nguyện đến các vị thần, cặp đôi được thanh tẩy, và cô dâu chú rể cùng nhau thề ước luôn tin tưởng và bên nhau đến cuối đời.

Tiếp theo, cả hai sẽ cùng thực hiện nghi thức trao các chén rượu sake cho nhau gọi là san-san-kudo. Theo đó, "san = 3", tức 3 ngụm rượu đầu tiên thay mặt cho cô dâu chú rể và cha mẹ của hai bên. Tiếp theo, "San = 3", tức 3 ngụm rượu tiếp theo tượng trưng cho lòng căm thù, đam mê và dối trá sẽ bị uống cạn đi. "Ku = 9" là con số may mắn theo quan niệm của người Nhật. "Do = kết thúc" với sự hòa hợp của cả hai tâm hồn. Sau đó, tân nương và tân lang sẽ thực hiện nghi thức dâng cành cây Sasaki (là cây thần thánh trong Thần đạo Shinto) cho những vị thần chứng giám.

Chỉ những thành viên thân thiết trong gia đình mới được mời tham dự buổi lễ Thần đạo thực sự, vì đây là một việc riêng tư của gia đình. Sau nghi lễ, cô dâu và chú rể sẽ thay quần áo lần đầu tiên và gặp nhau tại 1 phòng tatami nhỏ để dùng bữa ăn truyền thống với gia đình 2 bên. Đừng nhầm lẫn bữa ăn này với tiệc chiêu đãi sẽ đến ngay sau đó với đông đảo khách mời và sẽ thay quần áo 1 hoặc 2 lần nữa.

Sau khi đủ thời gian trôi qua, phần lớn những người đến nijikai sẽ được cảm ơn và gửi kèm theo giải thưởng, quà tặng. Cuối cùng, sẽ chỉ còn lại một số ít người cùng cô dâu chú rể. Tại thời điểm này, nhóm nhỏ sẽ đến một địa điểm khác cho một sanjikai (tăng ba) không được báo trước. Đối với bữa tiệc này, cô dâu - chú rể có thể thay bộ quần áo cuối cùng của mình sang trang phục thật thoải mái và thưởng thức bữa ăn với những người bạn thân nhất của mình. Sau đám cưới khoảng 3 hoặc 5 ngày, cặp vợ chồng mới cưới sẽ trở về nhà cô dâu và mang theo quà tặng cho mọi người.

Để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, khoa học, công nghệ và những điều thú vị khác của đất nước mặt trời mọc, các bạn hãy tham gia những chương trình tại KaizenYoshidaSchool để trau dồi tiếng Nhật cho mình một cách tốt nhất. Gọi ngay Hotline (028) 62 666 222 để được tư vấn ngay hôm nay bạn nhé!

scroll top