28/11/2020
8127
0
Cáo Inari – linh vật dễ thương của Nhật Bản

Cáo vốn dĩ là loài vật nhanh nhạy, khôn khéo và thông minh, thậm chí có phần tinh ranh. Đặc biệt, trong văn hóa Nhật Bản, cáo đóng vai trò cực kì quan trọng. Hôm nay hãy cùng Kaizen tìm hiểu về loài cáo Inari – loài linh vật dễ thương của Nhật Bản này nhé!

Truyền thuyết tên gọi loài Cáo

Theo từ điển ngôn ngữ học, thì loài cáo được đặt tên là Kitsune (狐) từ rất lâu trong tuyển tập dị văn có từ thời Heian (平安時代) viết năm 824. Theo truyền thuyết, ở vùng Mino (nay là tỉnh Gifu) có một anh nông dân đã tình cờ gặp một cô gái rất đẹp nên đưa về làm vợ và sinh được một con trai. Nhưng trớ trêu thay người vợ đó chính là cáo hóa ra, nên cuối cùng bị một con chó lừa cho hiện nguyên hình và phải trở lại với cuộc sống hoang dã ngày trước. Nhưng may mắn được người chồng nhất mực thương yêu gọi về ở chung. Vì trong câu nói của người chồng có từ: kitsune (来つ寝ー来て寝よ, “về nhà ngủ đi”). Chính vì vậy mà trước đây, loài cáo vốn được gọi là Yakan, sau đó được đổi thành tên mới là Kitsune.

Cáo Inari trong văn hóa Nhật Bản

Cáo từ lâu đã giữ một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng Thần đạo của người Nhật, tượng trưng cho vị thần Inari (稲荷) - vị thần bảo trợ cho sự phì nhiêu, gạo, nông nghiệp và công nghiệp, của sự thịnh vượng và sự thành công của thế gian.

Theo truyền thuyết, các vị thần thường sẽ chọn ra một con vật làm đại diện cho mình. Linh vật của thần Inari chính là một con cáo trắng, mang nhiệm vụ bảo vệ thần và chống lại linh hồn ma quỷ. Vì vậy, nhiều đền thờ Inari có trưng bày một vài bức tượng cáo nhỏ để bảo vệ đền thờ. Những ngôi đền có thờ thần này thường được gọi là đền thờ Inari (稲荷神社, “Inari Jinja”). Phần lớn các bức tượng đá khắc họa hình tượng cáo Inari được nhìn thấy thường quấn với yếm đỏ. Trong tín ngưỡng Thần đạo, màu đỏ là màu của các vị thần và được cho là có tác dụng xua đuổi bệnh tật cũng như các nguồn năng lượng xấu.

Trong văn học dân gian Nhật Bản, cáo thường được miêu tả là loài vật sở hữu trí thông minh và tuổi thọ cao. Chính điều này đã làm cáo trở thành hình tượng chủ yếu và là nguồn cảm hứng của phong cách nghệ thuật truyền thống được gọi là “ukiyo-e” (浮世絵) - tranh khắc gỗ thời Edo.

Mặc dù loài cáo cũng được biết đến là một biểu tượng của sự gian xảo, nhưng trong dân gian Nhật Bản, những chú cáo tinh tường sẽ đi trừng phạt những kẻ tham lam, khoác lác.

Những cô gái xinh đẹp được cho là hóa thân của những con cáo. Người ta tin rằng con cáo có thể biến thành hình dạng con người, và vì thế chúng cực kì thông minh và có phép thần thông.

Inari Sushi – món cơm cuộn đậu phụ truyền thống Nhật Bản

Inari Sushi (稲荷寿司) có lớp vỏ ngoài làm từ đậu phụ vị hơi ngọt, hay còn được gọi là “aburaage” (油揚げ). Miếng đậu phụ này được chiên lên, có hình giống như một cái túi và bên trong là cơm sushi.

Và theo quan niệm người Nhật, đậu phụ rán là món khoái khẩu của loài Cáo nên đồ cúng lễ ở những ngôi đền thờ vị thần này thường là đậu phụ rán hay là món Inari Sushi, thay vì tiền như các ngôi đền khác.

Thêm vào đó, những món ăn có sự hiện diện của đậu phụ rán trong đó thường được đặt tên kèm từ “Kitsune” chẳng hạn như: Kitsune udon (きつねうどん), hay Kitsune soba (きつねそば).

Mặt nạ cáo - Kitsune

Khi tham gia một lễ hội ở Nhật Bản, các bạn sẽ thường xuyên bắt gặp một vài gian hàng bày bán nhiều loại mặt nạ đủ màu sắc, trong đó bạn có thể thấy một chiếc mặt nạ cáo Kitsune màu trắng.

Mặt nạ Kitsune thường được sử dụng trong một số nghi lễ. Theo truyền thuyết kể lại, cáo từng mang hình dáng con người và đến thăm đền Oji Inari (王子稲荷寺) ở Tokyo. Để kỷ niệm sự kiện này, hàng trăm người tham gia đã đeo mặt nạ Kitsune hoặc vẽ và trang điểm theo hình dạng của loài cáo trong các dịp như Lễ diễu hành Kitsune no Gyoretsu (狐の行列), Lễ hội múa điệu Thần cáo Tenko (天狐), Điệu múa Kitsune Mai (狐舞), Lễ rước dâu Kitsune no Yumeiri (狐の嫁入り).

Hiện nay, mặt nạ Kitsune đã được sử dụng phổ biến hơn như một món đồ trang trí và quà lưu niệm có ý nghĩa của sự thịnh vượng của đất nước này.

Cáo Inari cũng xuất hiện trong hoạt hình anime

Anime chính là biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi loài cáo Inari đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình và manga khác nhau, bao gồm cả các tác phẩm nổi tiếng như Pokemon và Naruto.

Đáng chú ý là bộ manga và anime Inari, Konkon, Koi Iroha kể về một cô gái trẻ tên là Inari Fushimi - người đã cứu một con cáo khỏi chết đuối trên sông. Nữ thần của ngôi đền gần đó rất cảm kích hành động dũng cảm của cô bé và ban thưởng cho Inari Fushimi quyền năng biến hình, giống như những con cáo trong văn hóa dân gian Nhật Bản.

Những ngôi đền về Inari nhất định phải đến ở Nhật Bản

  • Fushimi Inari Taisha (伏見稲荷大社)

Được coi là đền thờ Inari chính của Nhật Bản, Fushimi Inari Taisha ở Kyoto là một trong những điểm đến tuyệt vời để bạn có thể chiêm ngưỡng tượng cáo. Nổi tiếng với đường hầm “Senbon Torii” (千本鳥居) vô tận với khoảng 10.000 cổng màu đỏ, hiện là tài sản văn hóa quan trọng và là một trong những địa điểm du lịch không thể bỏ qua tại Nhật Bản.
Địa chỉ: 68, Fukakusa Yabunouchi-cho, Fushimi-ku, Kyoto-shi, Kyoto (京都府京都市伏見区深草藪之内町68)

  • Kasama Inari Jinja (笠間稲荷神社)

Đền Kasama Inari ở Ibaraki là đền thờ thần Inari, có biểu tượng là cổng Torii (鳥居) màu đỏ và con cáo trắng. Được xây dựng năm 651, tự hào trải qua lịch sử dài hơn 13 thế kỷ và là một trong ba ngôi đền Inari lớn nhất ở Nhật Bản. Một trong những điểm đặc biệt nhất của ngôi đền chính là hai cây tử đằng 400 năm tuổi. Tán cây lớn và tuyệt đẹp với những bông hoa màu tím thanh tao đua nở vào mỗi tháng năm.

Địa chỉ: 1, Kasama, Kasama-shi, Ibaraki (茨城県笠間市笠間1番地)

  • Toyokawa Inari (豊川稲荷)

Được thành lập vào năm 1441, khi bước vào khuôn viên của đền Toyokawa, bạn sẽ bị thu hút bởi chiếc cổng truyền thống và hai vị thần bảo vệ Phật giáo Nio. Ngôi đền Toyokawa Inari ở tỉnh Aichi này vừa là ngôi đền thờ đạo Shinto và cũng vừa là nơi thờ Phật giáo. Ngôi đền linh thiêng với những tòa nhà tuyệt đẹp có niên đại gần 600 năm. Với hàng nghìn con cáo đá mặc yếm màu đỏ tươi đặt khắp ngôi đền đa tín ngưỡng khổng lồ này, Toyokawa Inari là một trong những địa điểm tôn giáo đẹp và thú vị nhất của Nhật Bản.

Địa chỉ: 1, Toyokawa-cho, Toyokawa-shi, Aichi (愛知県豊川市豊川町1番地)

  • Motonosumi Jinja (元乃隅神社)

Đền Motonosumi nằm ở phía Bắc tỉnh Yamaguchi, gần Kyushu. Ngôi đền được xây dựng vào năm 1955 và thờ một con cáo trắng Inari với khoảng 123 cổng truyền thống dẫn từ phía biển đến đền chính trên đỉnh đồi. Chiếc cổng cuối cùng có thùng công quả được đặt trên đỉnh. Thật không hề dễ dàng ném tiền vào chiếc thùng công quả cao 5m so với mặt đất đúng không nào? Để bỏ tiền vào được chiếc thùng công quả này, bạn cần rất nhiều sức lực và sự cố gắng. Người ta quan niệm rằng nếu thảy được đồng xu vào chiếc thùng công quả có một không hai này thì ước nguyện của bạn cũng sẽ thành hiện thực.

Địa chỉ: 498, Yuyatsuo, Nagato-shi, Yamaguchi (山口県長門市油谷津黄498)

  • Yutoku Inari Jinja (祐徳稲荷神社)

Đây là địa điểm quay bộ phim “Timeline” rất ăn khách và được trình chiếu vào năm 2014. Tọa lạc tại thành phố Kashima thuộc tỉnh Saga, đền Yutoku Inari được xây dựng vào năm 1687. Gian chính của đền được xây bằng thạch cao vô cùng lộng lẫy với sự tương phản giữa hai màu vàng và đỏ. Bùa trấn lửa “Inome” (猪の目) - những chiếc lỗ hay đồ vật có hình dạng trái tim, xuất hiện ở khắp mọi nơi trong đền. Khi bạn nhìn lên chính điện từ đền Iwasaki (岩崎社) - nơi treo rất nhiều thẻ ema (絵馬) - thẻ ghi điều ước bằng gỗ hình trái tim, bạn có thể thấy tòa nhà chính điện cao 7 tầng hoặc 8 tầng, nằm ở độ cao cách mặt đất 18 m. Khu vườn của đền được thiết kế theo lối truyền thống của Nhật Bản, nổi bật với những khóm mẫu đơn nở rộ vào mùa hoa. Bên cạnh đó, tại đây còn có một bảo tàng trưng bày áo giáp lịch sử đã từng được sử dụng bởi các lãnh chúa phong kiến.

Địa chỉ: 1855, Furueda, Kashima-shi, Saga (佐賀県鹿島市古枝乙1855)

  • Keihin Fushimi Inari Jinja (京浜伏見稲荷神社)

Được xây dựng vào năm 1951 ở Kawasaki, nơi gần trung tâm thành phố Tokyo nhất. Keihin Fushimi Inari cực kỳ độc đáo với những bức tượng cáo Inari với nhiều màu sắc khác nhau, 108 bức tượng tại đây đại diện cho 108 cám dỗ trần thế theo giáo lý Phật giáo. Mỗi con cáo đều có một biểu cảm khác nhau và là nét đặc trưng thú vị mà bạn chỉ có thể tìm thấy khi đến đây.

Địa chỉ: 2-980, Shinmaruko-higashi, Kawasaki-shi, Kanagawa (神奈川県川崎市中原区新丸子東2丁目980)

  • Làng cáo – “ngôi làng hồ ly”

Làng Zao Kitsune (蔵王キツネ村) được thành lập từ năm 1990 tại thành phố Shiroishi (白石市), tỉnh Miyagi (宮城県), thuộc vùng cao nguyên dãy núi Zao (蔵王山), nổi tiếng là nơi sinh sống của 6 loài cáo hoang dã với hàng trăm cá thể.

Cáo trong làng đi lại tự do và thân thiện với con người. Vào mùa hè, lông cáo khá mỏng nên nhìn cơ thể hơi gầy. Đến mùa đông, bộ lông dày gấp 3 lần khiến cáo trông mũm mĩm hơn.

Đến với làng Cáo Miyagi, bạn sẽ được hòa mình giữa thiên nhiên núi rừng hoang dã, vuốt ve, chụp hình cùng những loài cáo quý hiếm như cáo đỏ, cáo tuyết,… và cho những chú cáo đáng yêu ở đây ăn.

Nếu có dịp đến với Nhật Bản, đừng quên ghé thăm các ngôi đền của thần Inari để khám phá lối kiến trúc độc đáo, cầu may mắn cho chính bản thân và gia đình. Cũng như trải nghiệm thực tế ngôi làng cáo, độc nhất vô nhị với những chú cáo thông minh, lém lỉnh và tinh nghịch này nhé!

Nếu các bạn yêu thích và mong muốn trau dồi khả năng tiếng Nhật cũng như nét đẹp văn hóa xứ sở mặt trời mọc, thì hãy đăng ký ngay khóa tiếng Nhật tại Kaizenyoshidaschool, inbox ngay fanpage KaizenYoshidaSchool - Đào tạo và học tập tiếng Nhật để làm việc hoặc gọi ngay (028) 62 666 222 để được tư vấn miễn phí bạn nhé!
 

scroll top