25/05/2020
5605
0
Cuộc sống vui vẻ ở Nhật với sempai tốt bụng và thật nhiều bè bạn

Vì tôi làm ở bộ phận không có nhiều giờ làm thêm nên hầu như không để dành được tiền mấy, nhưng vì có đông bạn bè người Việt, còn người Nhật ở chỗ làm lại rất tốt nên thời gian 3 năm thực tập của tôi rất vui vẻ. Hơn nữa, vì phí trả cho công ty phái cử ít nên tôi không phải vất vả chuyện trả nợ.

Dưới đây là chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Linh trên báo Kokoro - hợp tác của Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, tòa báo Mainichi Shimbun và Quỹ Nippon - chi tiết về từng giai đoạn khi bạn Linh tìm kiếm, quyết định lựa chọn công ty tham gia chương trình cho đến những trải nghiệm mà bạn đã có được trong suốt 3 năm tại Nhật. Mời các bạn cùng xem, đặc biệt là các bạn còn đang phân vân lựa chọn chương trình cũng như không biết thực tế cuộc sống, việc làm, môi trường xung quanh mà mình sắp sửa sẽ trải qua như thế nào, hãy cùng xem ngay nhé!

Link bài gốc trên Kokoro-vj.org: https://www.kokoro-vj.org/ja/post_4985

Gặp gỡ sempai số này

Nguyễn Thị Linh
  • Sinh năm 1992 ở Đắc Lắk
  • Tháng 6/2010: Tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Công Trứ
  • Tháng 9/2010: Vào học trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Quản trị kinh doanh (hệ cao đẳng)
  • Tháng 11/2013: Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, khoa Quản trị kinh doanh (hệ cao đẳng)
  • Tháng 9/2014: Vào học Kaizen Yoshida School
  • Tháng 9/2015: Tốt nghiệp Kaizen Yoshida School
  • Tháng 9/2015: Bắt đầu thực tập kĩ năng tại nhà máy ở tỉnh Tochigi
  • Tháng 9/2018: Hoàn thành chương trình thực tập kĩ năng
  • Tháng 9/2018: Trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật ở công ty phái cử
  • Tháng 11/2019: Vào làm việc tại công ty giới thiệu nhân sự

Lời giới thiệu

Vốn thích cuộc sống ở nước ngoài, chị Linh đã tìm kiếm công ty phái cử được đánh giá tốt trên mạng internet và học tập 1 năm ở đó rồi sang Nhật Bản thực tập kĩ năng. Ở nơi chị thực tập kĩ năng có 100 người Việt Nam. Tiền làm thêm giờ không nhiều, nhưng do chi phí trả cho công ty phái cử thấp nên chị không gặp khó khăn trong việc trả nợ. Vì luôn luôn nỗ lực học tiếng Nhật cả trước và sau khi sang Nhật nên chị Linh đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với người Nhật ở chỗ làm, còn được họ dẫn đi ăn và đi tham quan. Mặc dù khi về nước chị mới thi đỗ kì thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N3, nhưng khả năng hội thoại của chị còn cao hơn cả trình độ N2. Qua chia sẻ kinh nghiệm của chị Linh, chúng tôi xin giới thiệu cuộc sống thực tập sinh vui vẻ của chị cũng như bí quyết để làm được như vậy.

Cùng bạn bè người Nhật, người Việt ở nơi thực tập ra sông chơi. Chị Linh là người mặc áo vàng (bên phải). (Năm 2017)

Lựa chọn công ty phái cử dựa trên các đánh giá trên mạng internet

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi được một người bạn nam giới từng làm việc tại Nhật Bản kể cho nghe rằng: “Nước Nhật đẹp lắm, người Nhật thì rất tốt bụng”. Do cũng thích cuộc sống ở nước ngoài nên tôi quyết định sẽ đi thực tập kĩ năng ở Nhật Bản. Tôi đã tìm kiếm công ty phái cử trên mạng internet. Tôi tìm kiếm bằng cụm từ khoá “Muốn đi Nhật công ty nào uy tín”, và đã lựa chọn công ty được đánh giá tốt nhất là “ESUHAI (Kaizen Yoshida School)”. Tôi không ở kí túc xá toàn thời gian mà chỉ đến lớp học buổi chiều còn buổi sáng thì đi làm thêm. Ở ESUHAI, sau khi tự mình lựa chọn trong số nhiều công ty, học viên sẽ tham dự phỏng vấn, và sau đó sẽ học tiếng Nhật trong thời gian tối thiểu 8 tháng. Tôi học ở đây 1 năm rồi mới sang Nhật. Số tiền tôi trả cho ESUHAI thấp hơn so với các công ty phái cử khác nên tôi sang Nhật mà hầu như không phải nợ nần gì.

Trò chuyện với bạn bè cùng Kaizen Yoshida School trong cửa hàng đồ ăn nhanh ở Thành phố Hồ Chí Minh

【Phỏng vấn】

※ Đây là nội dung phỏng vấn giữa ban biên tập và người có thẩm quyền ở công ty ESUHAI
1. Xin cho biết thực tập sinh kĩ năng phải trả cho công ty ESUHAI bao nhiêu tiền?
- Chúng tôi giữ mức phí dịch vụ phái cử trong ngưỡng 3.600 USD theo quy định trong văn bản của DOLAB và giữ mức học phí sao cho học viên có thể chi trả được mà không phải vay nợ. Chúng tôi muốn học sinh của mình sang Nhật không phải để đi kiếm tiền mà là để xây dựng sự nghiệp, vì vậy phương châm của công ty chúng tôi là giảm chi phí xuống mức thấp nhất có thể cho học sinh. 2. Phí trả cho bên môi giới (người giới thiệu) là do ai chịu?
- Công ty chúng tôi có bộ phận tuyển sinh riêng và không nhận các trường hợp giới thiệu học sinh từ bên ngoài.
3. Quý công ty có lời khuyên nào dành cho thực tập sinh kĩ năng hay không?
- Nếu sang Nhật chỉ với mục đích kiếm tiền thì thật là vô nghĩa. Có rất nhiều người chỉ làm công việc thực tập nên tiếng Nhật không tiến bộ được, ở Nhật 3 năm trời nhưng vẫn không thi đỗ được JLPT N4. Ngược lại, càng học tiếng Nhật và tìm hiểu nhiều về nước Nhật thì công việc thực tập và cuộc sống trong thời gian thực tập càng trở nên vui vẻ, cơ hội sau khi về nước sẽ càng rộng mở.

Hoa anh đào rơi trong khuôn viên công ty tiếp nhận thực tập (Tháng 4/2018)

Công việc và cuộc sống ở Nhật

Tháng 9/2015, tôi bắt đầu thực tập kĩ năng ở tỉnh Tochigi. Ở nhà máy lớn, có khoảng 100 thực tập sinh người Việt (số lượng nam nữ tương đương). Công việc của tôi là lắp ráp và kiểm tra máy móc thiết bị của bác sỹ nha khoa. Vì tôi làm ở bộ phận không có nhiều giờ làm thêm nên hầu như không để dành được tiền mấy, nhưng vì có đông bạn bè người Việt, còn người Nhật ở chỗ làm lại rất tốt nên thời gian 3 năm thực tập của tôi rất vui vẻ. Hơn nữa, vì phí trả cho công ty phái cử ít nên tôi không phải vất vả chuyện trả nợ.

Trò chuyện với bạn trong kí túc xá nơi thực tập (trên cánh cửa tủ có dán bảng từ vựng tiếng Nhật) (Năm 2018)

Sổ tay chi tiêu của tôi (tính bình quân 1 tháng)
※ 100 Yên = 21.900 VND (Theo tỉ giá ngày 13/4/2020)
Thu nhập (khoảng 100.000 yên)
Tiền lương về tay 100.000 yên
※ Là tiền nhận về tay sau khi đã trừ thuế, tiền bảo hiểm xã hội, tiền kí túc xá, tiền điện, nước, ga.
※ Trong các khoản đã trừ, tiền kí túc xá là 23.000 yên (bao gồm cả tiền điện, tiền nước, ga, tiền mạng Wi-Fi, gạo được chu cấp). Phòng 4 người ở chung.
Các khoản chi (tổng cộng 40.000 yên)
Tiền ăn 25.000 yên
※ Tự nấu
Tiền ăn ngoài 5.000~10.000 yên
Chi phí lặt vặt 5.000~10.000 yên
※ Đồ dùng hằng ngày, quần áo
Khoản chênh lệch (tiền để dành): 60.000 yên
※ Mỗi năm gửi về nhà số tiền khoảng từ 50 vạn ~ 60 vạn yên. Số tiền còn lại dùng để đi du lịch ở Nhật v.v…

Đi ngắm lá đỏ với người Nhật và người Việt làm cùng (Tháng 10/2016)

Chụp ở gần kí túc xá cùng bạn bè người Việt (Năm 2016)

Mối quan hệ với bạn bè người Việt

Vì sống chung kí túc xá với rất nhiều bạn bè người Việt nên vào ngày nghỉ, chúng tôi thường cùng nhau đi mua sắm, hoặc mang theo cơm hộp đi dã ngoại ở gần đó. Khi có thực tập sinh khoá trước hết thời hạn về nước và khi có người mới sang thay, chúng tôi lại tổ chức tiệc chia tay người cũ hoặc chào đón người mới.

Liên hoan ngoài trời chào đón các thực tập sinh đến sau (Năm 2016)

Đi xe đạp đến siêu thị lớn mất khoảng 15 phút nên đi một mình hơi buồn. Vì vậy, những người ở chung kí túc xá chúng tôi thường rủ nhau cùng đi siêu thị. Những hôm như thế, chúng tôi thỉnh thoảng lại ăn sushi băng chuyền (loại quán sushi giá rẻ) hoặc ăn udon trước khi về như một cách tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, vì không có nhiều tiền làm thêm giờ nên tôi và các bạn cũng rất chú ý chuyện tiết kiệm tiền bạc.

Đạp xe đi mua sắm cùng bạn giữa hàng hoa anh đào (Năm 2016)

Các sempai người Nhật tốt bụng

Người Nhật làm cùng chỗ với chúng tôi rất tốt bụng. Họ chỉ bảo công việc cho chúng tôi rất cẩn thận. Những buổi cuối tuần tuyết rơi hay có mưa và khó đi xe đạp, họ còn chở chúng tôi đi mua sắm bằng ô tô. Không chỉ vậy, tôi còn được các sempai dẫn đi ăn hoặc đi tham quan. Họ lái xe đến tận kí túc xá đón chúng tôi, rồi cùng nhau ra công viên ngồi ăn cơm hộp làm tại kí túc xá hoặc cơm nắm mua ở cửa hàng tiện lợi. Các sempai thường gọi tôi là “Linh-chan”, họ rất hay trò chuyện với tôi khi đi chơi hay trong giờ giải lao ở chỗ làm. Tôi vừa cảm thấy vui mà khả năng hội thoại tiếng Nhật của tôi cũng tiến bộ. Tôi nghĩ rằng trong thời gian đi thực tập kĩ năng, không chỉ tiền lương mà môi trường làm việc cũng là rất quan trọng.

Đi ngắm hoa anh đào đêm với sempai người Nhật và các bạn cùng thực tập (Tháng 4/2017)

Đi chơi ruộng hoa hướng dương ở thị trấn Mashiko, tỉnh Tochigi, cùng với sempai người Nhật và các bạn cùng thực tập. (Tháng 8/2018)

Tất cả người Nhật ở chỗ làm và thực tập sinh chúng tôi giao lưu thân thiết với nhau. Chúng tôi từng tổ chức các buổi tiệc và du lịch theo công ty với số lượng người tham gia đông đảo. Đặc biệt, với những sempai đã giúp đỡ tôi rất nhiều thì sau khi về nước tôi vẫn giữ liên lạc, mọi người còn sang tận Việt Nam chơi. Có hai người còn sang Việt Nam dự lễ thành hôn của tôi nữa.

Người Nhật và người Việt cùng chỗ làm tổ chức tiệc ngoài trời để chia tay các thực tập sinh chuẩn bị về nước (Tháng 7/2016)

Ảnh chụp trong buổi liên hoan với 3 sempai người Nhật và các bạn cùng đi thực tập sau khi tôi về nước (Năm 2019)

Kết hôn với bạn cùng khoá tại trường tiếng Nhật

Chồng tôi bây giờ vốn là bạn cùng khoá với tôi ở Kaizen Yoshida School và đi thực tập ở tỉnh Fukuoka cùng thời gian tôi đi thực tập. Ban đầu, chúng tôi chỉ đơn thuần là bạn cùng khoá, nhưng trong quá trình liên lạc, trao đổi với các bạn cùng khoá đang thực tập ở các nơi khác nhau trong nước Nhật, dần dần, những tin nhắn cá nhân từ chồng tôi như “Em có khoẻ không?”, “Công việc thế nào?” cứ ngày một nhiều lên. Sau đó, chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên hơn và cuối cùng thành đôi. Vì chỗ thực tập của chúng tôi ở rất xa nhau nên khi có kì nghỉ dài, chúng tôi mới lại gặp nhau, cùng đi du lịch và ăn uống. Sau khi về nước, chúng tôi kết hôn.

Ảnh chụp cùng chồng tôi bây giờ ở thành phố Fukuoka (Tháng 12/2017)

Học tiếng Nhật

Những khi ít việc làm thêm, sau khi xong việc, mỗi tối tôi lại dành ra được khoảng 2 tiếng (từ 8 giờ đến 10 giờ tối) để học tiếng Nhật. Ngoài ra, các buổi cuối tuần, tôi thường đến lớp học tiếng Nhật miễn phí của các tình nguyện viên người Nhật (mỗi buổi 2 tiếng). Hơn nữa, trong khoảng một năm, gần như mỗi ngày tôi đều viết nhật kí bằng tiếng Nhật, sau đó nhờ trưởng nhóm ở chỗ làm xem và sửa giúp.

Ảnh chụp cùng chồng tôi bây giờ ở thành phố Fukuoka (Tháng 12/2017)

Được các giáo viên ở lớp tiếng Nhật miễn phí giới thiệu chỗ thuê yukata (kimono Hè), cùng các bạn thực tập sinh tận hưởng mùa Hè. (Năm 2017)

Cứ như vậy, 2 năm sau khi sang Nhật, tôi thi đỗ kì thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) trình độ N3. Hai người bạn cùng phòng với tôi ở kí túc xá cũng đỗ chứng chỉ N3, còn 1 người thì đỗ trình độ N2. Tôi đã học bằng giáo trình và các kênh YouTube dưới đây.

Cùng bạn thực tập mặc yukata đi xem pháo hoa (Năm 2017)

Sau khi về nước

Tháng 9/2018, sau khi về nước, tôi được người quen giới thiệu vào làm giáo viên tiếng Nhật ở công ty phái cử (lương về tay mỗi tháng khoảng 8.000.000 VND). Nhưng vì kết hôn nên tôi thôi việc sau khi làm 1 năm ở đây. Hiện nay, tôi đang làm việc tại một công ty dịch vụ nhân sự ở thành phố Hồ Chí Minh (lương về tay mỗi tháng khoảng 12.000.000 VND). Những khi trao đổi với giám đốc công ty (người Nhật) hay phỏng vấn các ứng viên tìm công việc sử dụng tiếng Nhật thì năng lực tiếng Nhật của tôi rất hữu dụng. Tôi tìm được công việc hiện nay thông qua thông tin tuyển dụng trên Facebook, điều kiện là “Tiếng Nhật N3” và “Trình độ cao đẳng trở lên”.

Ảnh chụp gần kí túc xá hồi đi thực tập kĩ năng (Năm 2017)

Lời khuyên dành cho những người đi sau

Nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn quay lại sống ở Nhật Bản. Với những ai dự định đi thực tập kĩ năng, tôi mong các bạn ngoài công việc, hãy chơi thật nhiều và học tập thật nhiều. Ngoài ra, hãy tuân thủ các quy định để sao cho sau này người Việt sẽ luôn được đón nhận một cách nồng ấm ở Nhật Bản.

Thăm đền thần đạo Hikawa ở tỉnh Saitama (Tháng 8/2017)

Hơn nữa, đã mất công đến tận Nhật Bản, nếu cố gắng học và nắm thật vững tiếng Nhật thì sau khi về nước sẽ rất có ích cho các bạn. Nếu trước khi sang Nhật, các bạn học tiếng Nhật thật chăm chỉ thì khi sang đến nơi, người Nhật ở chỗ làm sẽ chỉ bảo công việc cho các bạn dễ dàng hơn, các bạn có thể nhanh chóng kết bạn được với người Nhật, và tiếng Nhật sẽ càng nhanh tiến bộ. Hãy thu thập thông tin từ những người từng đi thực tập kĩ năng, và để ý kĩ không chỉ tiền lương mà cả môi trường làm việc khi lựa chọn nơi thực tập nhé.

Đi chơi cùng sempai người Nhật và các bạn thực tập sinh vào ngày nghỉ (Tháng 7/2016)

Link bài gốc trên Kokoro-vj.org: https://www.kokoro-vj.org/ja/post_4985

Nguồn: KOKORO

scroll top