Quảng bá văn hóa dưới mọi hình thức
Nhắc đến Nhật Bản, người ta thường nghĩ tới điện ảnh, truyện tranh Manga, phim hoạt hình Anime… Đó là những sản phẩm văn hóa hiện đại nhưng mang đậm nét đặc trưng truyền thống trong hình thức, cách thức và nội dung thể hiện. Ngành công nghiệp điện ảnh Nhật Bản được xem là lâu đời nhất thế giới với bộ phim đầu tiên trình chiếu vào tháng 6 – 1899.
Qua thời gian, nhiều bộ phim gây tiếng vang lớn như Oshin, Kiếm sĩ cơ hàn của đạo diễn Yoji Yamada, The Life of Oharu của đạo diễn Kenji Mizoguchi… đã đem đến cái nhìn đầy thiện cảm về văn hóa truyền thống của người Nhật với những biểu tượng của đất nước Mặt trời mọc như võ sĩ Samurai, những cô gái Geisha bí ẩn, hấp dẫn hay đơn thuần là một Oshin mang những nét tính cách đặc trưng phụ nữ Nhật đó là sự kiên nhẫn, không bao giờ chịu khuất phục kể cả trong những tình huống khó khăn nhất…
Một trong những đặc sản của điện ảnh Nhật Bản phải kể đến Anime (Phim hoạt hình Nhật). Công chúng nói chung, nhất là trẻ em trên toàn thế giới không thể quên kỷ niệm tuổi thơ với những bộ phim nổi tiếng như Doraemon, Pokemon, Naruto Shippuden, One Piece, Hàng xóm của tôi là Totoro… Những bộ phim hoạt hình Nhật mô phỏng khá chân thực cuộc sống và tính cách của con người Nhật. Đó là lối sống cởi mở, chan hòa, sống vì cộng đồng và đề cao tinh thần đoàn kết.
Nổi tiếng không kém thể loại phim hoạt hình là truyện tranh Nhật Bản. Manga – cụm từ dùng để chỉ các loại truyện tranh có nguồn gốc từ Nhật Bản – không chỉ chiếm lĩnh thị trường toàn cầu mà từ lâu đã được đông đảo bạn trẻ đón nhận trong đó có các bạn trẻ Việt Nam.
Đặc biệt lồng vào những cuốn Manga còn là văn hóa truyền thống Nhật Bản, những món ăn đặc trưng, những lễ hội văn hóa đặc sắc… Người đọc biết được cách mặc bộ đồ Kimono, biết lịch sử và cách mà các võ sĩ kiếm đạo luyện tập, biết được tinh thần bất diệt của một Samurai.
Phim “Oshin” đã gây tiếng vang khi khắc họa được những nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản qua hình ảnh người phụ nữ
Sức mạnh văn hóa có từ những chính sách đúng đắn
Để đưa giá trị truyền thống vào các sản phẩm văn hóa, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho các Japan Foundation (Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản) trong việc đem âm nhạc, phim ảnh ra thế giới. Cụ thể như duy trì hoạt động, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều nhà báo nước ngoài tới thăm các đơn vị sản xuất Anime, tổ chức các cuộc trưng bày, giới thiệu về Anime và Manga, tổ chức liên hoan phim Nhật Bản ở một số nước trên thế giới.
Du lịch cũng được coi là một phần không thể thiếu trong chiến dịch quảng bá văn hóa Nhật Bản. Để tiến hành xúc tiến du lịch sâu và rộng, Nhật Bản đã tham gia hầu hết các hội chợ quốc tế về du lịch như: ITE Hồng Kông (Trung Quốc), KOTFA Hàn Quốc, ITF Đài Loan (Trung Quốc), NAS – TAS Travel (Singapore)…
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JNTO) đã thiết lập mối quan hệ với nhiều cơ quan báo chí, truyền hình nước ngoài nhằm hỗ trợ quảng bá du lịch, đồng thời cho ra mắt nhiều ấm phẩm giới thiệu về Nhật Bản như: Your Guide To Japan (tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc…) Japan Images & Reflections (tiếng Anh, tiếng Pháp), Your Traveling Companion (tiếng Anh, tiếng Trung)…
Coi văn hóa ẩm thực như một lực hấp dẫn của du lịch tại các hội chợ xúc tiến, JNTO tổ chức giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của Nhật Bản như trà đạo, Sushi, Shasimi và sản xuất các clip phim tài liệu về các món ăn Nhật truyền thống…
Chính những nỗ lực miệt mài đưa giá trị truyền thống vào các sản phẩm văn hóa nhằm quảng bá rộng hơn về hình ảnh đất nước Mặt trời mọc vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh, Nhật Bản đã mang đến bạn bè cái nhìn mới mẻ, năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ cho mình một bản sắc riêng không trộn lẫn.
Có thể nói, việc lấy văn hóa truyền thống làm cốt lõi phát triển chính là cách để Nhật Bản trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những cường quốc trên thế giới.
Theo Giáo dục & Thời đại