Lễ hội bắt nguồn từ việc tướng Tsunayoshi Tokugawa thời Edo, tổ chức lễ mừng cho đứa con trai trưởng của ông vào ngày 15 tháng 11 năm Thiên Hòa, tính theo âm lịch. Và từ đó trở đi đã trở thành một lễ hội phổ biến cho tới ngày nay.
Việc lễ hội được tổ chức ngày 15 tháng 11 cũng mang một ý nghĩa khác. 3 độ tuổi 7 – 5 – 3 khi cộng lại cũng thành 15. Và ngày 15 tháng 11 âm lịch cũng vào đúng dịp vụ mùa kết thúc, lễ hội cũng là dịp để mọi người tạ ơn thượng đế về vụ mùa hiệu quả vừa qua.
Đến thời Minh Trị, lễ hội này được chuyển thành ngày 15 tháng 11 dương lịch. Thời gian đầu, lễ hội chỉ chủ yếu được tổ chức tại Kyoto và Osaka, nhưng sau đó đã lan rộng ra khắp cả nước. Riêng Hokkaido, do thời gian 15 tháng 11 thời tiết đang rất lạnh, nên lễ hội được tổ chức sớm hơn 1 tháng. Dù được tổ chức chung một ngày, nhưng mỗi độ tuổi sẽ được tiến hành các nghi thức khác nhau và mỗi địa phương lại cử hành các nghi thức cũng khác nhau.
Mỗi độ tuổi sẽ mang một ý nghĩa riêng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong đời của một đứa trẻ.
Vào ngày này, các bậc phụ huynh sẽ dẫn con em mình đến các ngôi đền, chùa để tiến hành các nghi thức và cầu nguyện. Mỗi đứa trẻ sẽ được cha mẹ mua cho kẹo Chitose-ame. Đây là viên kẹo màu trắng hoặc đỏ, làm từ bột nếp và đường rồi đặt trong các túi giấy Shochikubai, đường kính khoảng 15mm dài 1m, được thiết kế đặc biệt mang hình ảnh tượng trưng của loài sếu và rùa, 2 loài vật đại diện cho sự may mắn và trường thọ.