09/10/2018
9925
0
Kỹ sư Hồ Văn Hơn: Sang Nhật mà không sử dụng được tiếng Nhật thì chắc chắn thất bại

Hồ Văn Hơn là cựu học viên theo học chương trình kỹ sư của Esuhai. Sau khóa học, anh đã sang Nhật làm việc liên quan đến lĩnh vực IT đến nay được 4 năm. Mới đây, trong chuyến về Việt Nam anh đã đến thăm và giao lưu với các bạn học viên kỹ sư KS15 đang đào tạo tại trụ sở chính Esuhai – Kaizen. Nhân dịp này, anh cũng đã có một vài chia sẻ dành cho các bạn học viên kỹ sư nói riêng và những bạn trẻ có mục tiêu sang Nhật làm việc nói chung.

Dưới đây Esuhai – Kaizen xin gửi đến các bạn nội dung chia sẻ của anh Hồ Văn Hơn nhé!

 

Tại sao anh lại chọn đi Nhật làm việc?

Hồ Văn Hơn: Tôi chọn đi Nhật vì đó là ước mơ có từ nhỏ. Khi tôi nhìn thấy các sản phẩm của Nhật trong cuộc sống hàng ngày thì bản thân và người thân rất tin tưởng vào chất lượng đó mà không hiểu vì sao họ có thể làm như thế. Khi lớn lên tôi mới cụ thể ước mơ và sang Nhật để đi tìm câu trả lời.

Được biết anh đã có 18 tháng học tập tại Esuhai trước khi sang Nhật làm việc. Theo cảm nhận của anh thì việc đầu tư học tiếng Nhật trước khi sang Nhật làm việc là có cần thiết không?

Hồ Văn Hơn: Nếu không biết tiếng Nhật chỉ đi du lịch thì được, còn sang Nhật để làm việc, học tập, kinh doanh… mà không sử dụng được tiếng Nhật thì chắc chắn thất bại. Ý tôi muốn nói là sử dụng tiếng Nhật chứ không đơn thuần là học tiếng Nhật và lấy bằng cấp theo chuẩn JLPT. Đối với một kỹ sư thì ngoài chuyên môn, khả năng sử dụng tiếng Nhật sẽ giúp nắm bắt kiến thức mà công ty training, cấp trên, đồng nghiệp truyền đạt. Trên thế giới, tiếng Nhật và tiếng Anh là hai ngôn ngữ có rất nhiều tài liệu chất lượng cao và rất phổ biến để bổ sung, nâng cao kiến thức. Hơn nữa, cách viết tài liệu của người Nhật cực kì đơn giản và dễ hiểu, đi từ cơ bản đến nâng cao. Cho nên sử dụng tiếng Nhật thành thạo là cơ hội để học hỏi, nắm bắt chuyên môn, kinh nghiệm quản lý cũng như các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.

Hình dung của anh về Nhật Bản trước và sau khi đến Nhật có khác biệt không và nếu có thì những khác biệt đó là gì?

Hồ Văn Hơn: Trước khi sang Nhật thì mình đã không hình dung nước Nhật thực tế thế nào, chỉ biết mỗi cái bản đồ nước Nhật. Sau khi đến Nhật thì mình thấy rằng việc tìm hiểu, đọc sách về nước Nhật, con người Nhật, học tiếng Nhật… quả thật rất hữu ích. Vì vậy theo tôi, ngay khi còn ở Việt Nam nếu được trang bị nhiều thì khi sang Nhật sẽ giảm bớt sự bỡ ngỡ, lúng túng và thành công sẽ đến nhanh hơn.

Khi vừa mới sang Nhật, bản thân anh đã gặp phải những khó khăn gì trong cuộc sống, sinh hoạt và làm việc? Và anh đã làm thế nào hoặc dựa vào điều gì để vượt qua những giai đoạn khó khăn đó?

Hồ Văn Hơn: Khó khăn đầu tiên và thấy ngay là mình nói người ta không hiểu, người ta nói mình không nghe được chính xác và chỉ phỏng đoán hoặc hỏi lại mới hiểu. Lý do là khi học ở Việt Nam không có nhiều môi trường để giao tiếp, đa số là nói tiếng Nhật với người Việt thì phản xạ của não cũng theo kiểu tư duy của người Việt. Trong khi ở Nhật, mình gặp rất nhiều người, giọng nói khác nhau, giao tiếp trong muôn vàn ngữ cảnh khác nhau, tư duy suy nghĩ khác nhau và chưa có phản xạ theo cách dùng tiếng Nhật của người Nhật… Điều này sẽ được cải thiện theo thời gian sống và gia nhập cộng đồng ở Nhật, không đốt cháy giai đoạn được.

Việc mình làm để thoát ra tình huống đó là tập trung nghe nhiều, nhất là nghe radio trên tàu, trên youtube để có thể hiểu những gì đối phương muốn nói. Việc thứ hai là phát triển các mối quan hệ tin cậy với người bản xứ để tăng cường giao lưu và cải thiện giao tiếp cũng như tìm hiểu cuộc sống, cách suy nghĩ và làm việc của họ qua thực tế. Song song đó, mình luôn ý thức rằng mình là người nước ngoài, mọi hành động lời nói của mình luôn bị soi kỹ hơn người bản xứ, đó là phản xạ rất tự nhiên của con người chứ không phải là sự phân biệt chủng tộc. Việc ý thức mỗi cá nhân là một nhà ngoại giao nhân dân rất quan trọng và mang tính quyết định trong các mối quan hệ với người dân Nhật cho dù đó là bạn bè, đối tác kinh doanh hay các mối quan hệ khác. Nghĩa là phải chuẩn mực, chính trực…hành xử theo cách tư duy và cách làm của người Nhật. Theo tôi điều này cần phải có thời gian và tuỳ vào cá nhân của mỗi người, không có tiêu chuẩn nào cả.

Sau 04 năm sống và làm việc tại Nhật, anh cảm thấy bản thân của hiện tại đã thay đổi như thế nào so với trước khi đi Nhật và khi mới sang Nhật?

Hồ Văn Hơn: Nước Nhật có môi trường để các bạn thực hành tính chính thực, sự trung thực và phát triển nội lực từ bên trong (tư duy) để tạo ra nhiều giá trị hơn. Thay đổi lớn nhất là hạn chế tiến tới chấm dứt việc iwake (biện hộ). Việc mình làm được thì nói là làm được, có nói có, không nói không chứ không nói dối, không đổ thừa và cần thể hiện là mình mong muốn hoàn thành nó sau khi được chỉ dạy, học hỏi… Từ tư duy đó mình mới phát triển các kỹ năng chuyên môn, quản lý và nhiều thứ khác để khẳng định mình đã đang sẽ luôn khát khao trưởng thành, khát khao thành công và thực hiện một cách nghiêm túc những khát khao ấy.

Theo cảm nhận của anh, kỹ sư Việt Nam sẽ có được những lợi thế gì khi làm việc tại Nhật?

Hồ Văn Hơn: Sự chăm chỉ của người Việt có “thương hiệu” ở Nhật. Người Việt chăm chỉ, chịu khó học hỏi, đó chính là thế mạnh. Tuy nhiên một hạn chế mà ai cũng biết là khả năng hợp tác của người Việt thấp, nhất là người Việt với người Việt. Ở đâu đó trong đầu vẫn còn tính ganh tị, cái tôi lớn quá. Người Nhật có câu thế này: “Bông lúa trĩu nặng thì luôn cúi đầu”. Cho nên mình nghĩ kỹ năng lắng nghe và thong thả từ từ phản ứng là điều phải trau dồi thêm.

Anh nghĩ sang Nhật theo diện kỹ sư là khó hay dễ?

Hồ Văn Hơn: Bây giờ thì khá dễ. Hầu như chẳng có rào cản nào để ngăn một người thực học và biết sử dụng tiếng Nhật sang nhật. Tuy nhiên, cần suy nghĩ đến Nhật làm việc, học tập chỉ là phương pháp để thực hiện sứ mệnh của cuộc đời chứ không phải đến Nhật là mục tiêu của cuộc đời. Những người có suy nghĩ như vậy mới dễ sang nhất, trưởng thành nhanh nhất và cũng là người sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn.

Vậy theo anh, một kỹ sư như thế nào sẽ được các ông chủ Nhật và các doanh nghiệp Nhật tuyển chọn?

Hồ Văn Hơn: Là một kỹ sư, nên có khát khao tạo ra sản phẩm và mục đích của sản phẩm đó là mang lại giá trị cho người dùng, cộng đồng. Cho nên kiến thức về sản phẩm, công nghệ, kỹ năng phải đủ tầm, còn nếu hiện tại chưa đủ thì bản thân phải chứng minh là mình có khả năng tương lai sẽ đủ thì sẽ dễ dàng thuyết phục được ông chủ Nhật. Song song đó thì dĩ nhiên là tiếng Nhật rồi. Bởi chẳng ông chủ nào muốn thuê một nhân viên về rồi lại phải tốn chi phí để thuê thêm một thông dịch về dịch cho nhân viên đó cả.

Nếu để đem theo 03 thứ khi sang Nhật làm việc thì theo anh các bạn kỹ sư nên và cần chuẩn bị 03 thứ gì làm hành trang cho mình?

Hồ Văn Hơn: Theo tôi 03 thứ hành trang mà các bạn trẻ nên cần chuẩn bị và mang theo chính là: Khát khao đủ lớn; Sự tập trung và Kiến thức.

Anh có thể chia sẻ châm ngôn sống và làm việc của anh không?

Hồ Văn Hơn: “Your choice is your life” - Lựa chọn của bạn là cuộc đời của bạn. Chính bạn quyết định mình sẽ là ai, chẳng ai khác ngoài mình phải sống cho chính mình, cho nên tập trung vào bản thân trong mối tương thuộc với người khác sẽ giúp bạn đi xa và đi bền vững hơn.

Cảm ơn anh Hồ Văn Hơn đã dành thời gian để chia sẻ đến các bạn học viên Esuhai – Kaizen và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành của anh với các học viên kỹ sư nói riêng và Esuhai – Kaizen nói chung trong thời gian tới! 

scroll top