TH.S Hoàng Yến trong giờ dạy đào tạo phát triển năng lực làm việc tại Kaizen Yoshida School
Một TTS chia sẻ rằng: “ Khi mới sang Nhật, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là người dân Nhật luôn cầm một quyển sổ ghi chép nhỏ trên tay. Ngay cả một đàn chị làm chung công ty cũng có thói quen đó. Có một hôm chị lên xe bus, có trao đổi qua lại vài câu với bác tài xế. Xong xuống chỗ ngồi, chị ghi gì đó vào sổ tay. Hỏi ra mới biết, chị ghi chú lại một cách dùng ngữ pháp tiếng Nhật mà chị dùng sai, qua nói chuyện với bác tài xế, chị mới biết chỗ sai đó, nên phải ghi chú lại.
Từ từ, tôi cũng tập thói quen đó trong công việc của mình. Khi nghe người quản lý hướng dẫn công việc, lúc nghỉ trưa nói chuyện với đồng nghiệp, nếu có gì cảm thấy mình chưa hiểu, chưa biết, tôi đều ghi lại.
Đó là một thói quen mà nếu bạn muốn hiểu và nắm bắt công việc, muốn tiến bộ trong việc học tiếng Nhật, bạn phải thực hiện”
Nói đến ghi chép, chúng ta thường chỉ nghĩ đến chuyện học hành ở trường, hay những buổi hội họp chính thức. Ít ai có thói quen và suy nghĩ rằng: phải lưu giữ lại những điều chúng ta trải qua hàng ngày, vì đó là những kiến thức sẽ có lúc ta dùng đến.
Nhưng phải ghi chép những gì? Phải ghi như thế nào để có những thông tin hữu ích. Sau đây là những gợi ý cụ thể cho các em.
Chúng ta nên ghi chép những điều sau:
1. Tên người, chức vụ, sơ bộ tính cách (hiền, nghiêm khắc, cởi mở, ít nói,.. )
2. Ngày, tháng, năm, giờ, địa điểm.
3. Những con số. Con số luôn đóng một vai trò quan trọng trong những thông tin về công việc. VD: số đo, số lượng, những yêu cầu của công việc được thể hiện bằng những con số,…
4. Những ý chính trong cuộc trao đổi đó để mình sử dụng sau này.
5. Những sai sót, lỗi mắc phải trong công việc của mình và của người khác. Học từ thất bại, sai lấm luôn là cách học hiệu quả nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó. Tuy nhiên phải ghi chép lại chúng ta mới ghi nhớ được.
6. Những điểm khác biệt trong suy nghĩ của bản thân và người khác. Ghi lại những điểm khác biết này giúp ta dễ dàng trong giao tiếp và học hỏi từ người khác những gì mà ta không có.
7. Khác biệt trong văn hóa giữa 2 nước: Việt Nam - Nhật Bản. Ghi chép lại những điều này giúp các em ứng xử cho đúng với văn hóa và những qui tắc khi sống và làm việc.
8. Ngoài ra, qua giao tiếp, qua việc làm, chúng ta sẽ nghe được kinh nghiệm của người khác. Các em hãy ghi chép lại những cái hay của người khác để có thể ứng dụng, để kiếm tiền trong tương lai.
Không có bộ óc nào có thể nhớ hết tất cả những gì đã nhìn, đã nghe, đã làm trong một ngày. Chỉ có thói quen ghi chép mới lưu giữ lại tất cả các kiến thức đó.
Nếu các em ý thức và thực hành được như trên, thì những cuốn sổ tay của các em sẽ là những tài liệu vô cùng quí giá về công việc mà các em đang làm. Để sau này về nước, những tài liệu nàysẽ đáng giá hơn rất nhiều tấm bằng đại học trong nước. Vì đó là những kinh nghiệm đã được chứng thực qua thực tiễn và được lưu trữ lại qua thói quen ghi chép hàng ngày của các em. Vì những ích lợi trên, hãy luyện tập thói quen này ngay hôm nay, các em nhé! |
TH.S Hoàng Yến