21/11/2017
6771
0
Vì sao Nhật Bản ưu tiên chọn Thực tập sinh Việt Nam?

Trong tổng số 15 quốc gia phái cử, Việt Nam trở thành nước phái cử nhiều Thực tập sinh sang Nhật Bản nhất. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Chính phủ Nhật Bản đang dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng Thực tập sinh làm việc tại nước này trong thời gian tới. Vậy, câu hỏi được đặt ra là vì đâu Nhật Bản đang có xu hướng ưu tiên tuyển chọn Thực tập sinh Việt Nam hơn Thực tập sinh các quốc gia khác?

Theo ông Lê Long Sơn – Giám đốc Công ty Esuhai thì Thực tập sinh Việt Nam đang có QCD tốt.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói chung, QCD được coi là công cụ đo lường và quản trị chất lượng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. QCD là: QUALITY (chất lượng) – COST (chi phí) – DELIVERY (giao hàng). Ví dụ, với một sản phẩm mà có chất lượng tốt, chi phí hợp lý và thời gian giao hàng nhanh chóng, đảm bảo được xem là QCD tốt.

Hiện nay, QCD còn được xem là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn và đánh giá nhân sự. Quan hệ lao động giữa ông chủ với nhân viên dựa vào QCD và nếu mối quan hệ này tốt chứng tỏ QCD tốt. 

Đối với ông chủ, một nhân viên ưu tú là nhân viên có QCD tốt. Về “Q”: Nhân viên nhiệt huyết, có sức khỏe, có tay nghề, có chuyên môn, có năng suất lao động cao, tạo ra nhiều sản phẩm và nhiều lợi ích cho công ty. Đặc biệt là thái độ của người nhân viên khi đi làm phải toàn tâm toàn ý với công ty, với công việc mà mình phụ trách. Về “C”: Chi phí lương phải trả cho nhân viên ở mức hợp lý hoặc thấp hơn so với tuyển dụng một lao động khác. Về “D”: Thời hạn hoàn thành công việc được giao của nhân viên đảm bảo, nhanh chóng, chính xác thậm chí có thể hỗ trợ được nhân viên khác hoàn thành công việc chung. 

Người lao động nào đáp ứng tốt QCD như trên thì trở thành nhân viên được săn lùng, được chọn và đó là nhân sự có giá trị. Ngược lại, nếu người lao động và ông chủ có quan điểm khác biệt về QCD thì quan hệ đôi bên sẽ không tốt. 

Ví dụ: Ở góc độ ông chủ, mỗi ngày đều phải suy nghĩ làm sao làm ăn trung thực mà công ty vẫn phát triển bền vững, làm sao để cạnh tranh được trong thị trường đầy khắc nghiệt và luôn thay đổi, làm sao để đạt được mục tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu về doanh số, lợi nhuận, làm sao để nhân viên có thể thấu hiểu và đồng hành giải quyết cùng mình… Ở góc độ nhân viên, muốn làm một công việc tuyệt vời, nhàn hạ, ngày làm 8 tiếng, cuối tháng lãnh lương đủ, lương cao nhiều chữ số... 

Những khác biệt trên dẫn đến kết cục là bản thân người lao động phải tự nghỉ việc hoặc là bị sa thải, còn ông chủ phải tìm kiếm, tuyển chọn và đào tạo lại nhân viên mới. 

QCD của người lao động quyết định công việc làm và giá trị của chính lao động đó. Vì vậy, người lao động muốn làm việc lương cao thì phải có sự nhìn nhận về QCD tốt. 

Nhật Bản là quốc gia áp dụng QCD một cách vô cùng chuẩn mực. Vì vậy, để làm việc được trong môi trường Nhật Bản đòi hỏi người lao động phải có thể lực tốt, có thao tác nhanh nhẹn, thành thục và ổn định bởi chỉ cần một sai sót của một người có thể ảnh hưởng tới rất nhiều người khác, ảnh hưởng cả dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng hay uy tín của công ty... 

Chọn đi Nhật là chọn đi trên con đường sóng to gió lớn. Sang Nhật là có sóng thần, có động đất, có thời tiết khắc nghiệt, công việc công nghiệp căng thẳng, bị la mắng, chắc chắn là sẽ khó khăn vất vả. Vì vậy, người lao động nước ngoài muốn làm việc trong thị trường này phải có sự hiểu biết và hiểu biết rõ ràng những điều trên, phải được đào tạo bài bản trước khi sang Nhật làm việc cả về tiếng Nhật, văn hóa làm việc, ý thức tác phong kỷ luật, phải có sự chuẩn bị tốt về tâm lý, thể lực để đáp ứng được yêu cầu công việc và cuộc sống sinh hoạt tại Nhật.

Ngay từ đầu, ở Esuhai – Trung tâm Nhật ngữ Cải Tiến (KaizenYoshidaSchool) không nói với các học viên rằng sang Nhật là sẽ sướng, sẽ không tạo ra cho các bạn một sự mộng tưởng về công việc, cuộc sống tại Nhật và muốn các bạn hiểu được thực tế là, đã đi làm việc thì đều phải vất vả cho dù bạn làm ở môi trường nào, lĩnh vực nào chăng nữa. Khi đã quyết định sang Nhật làm việc để có lương cao hơn, tay nghề vững hơn, biết thêm một ngoại ngữ và tương lai rộng mở hơn thì đương nhiên sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn áp lực hơn, phải trang bị sự tự tin, quyết tâm và nỗ lực thật lớn để đối ứng với cuộc sống.

Tất cả mọi người ai rồi cũng phải đối mặt với những yếu tố cản trở, những thử thách, gian nan, nghịch cảnh, sự va đập từ đơn giản đến nghiêm trọng trong hành trình trưởng thành. Nhưng cuộc đời là phải tiến về phía trước. Các bạn có thể nói: “Em rất sợ, nhưng em sẽ tìm cách để vượt qua” chứ không nên chỉ mới gặp khó khăn trở ngại đã vội quay đầu hoặc dừng lại. 

Có một câu chuyện về hòn sỏi nhỏ như thế này: “Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng bị Mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối. Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ”.

Ở Esuhai, tôi luôn dạy học viên của mình rằng: Muốn thành công nên sớm “Welcome trouble”. Khi ở độ tuổi 20 – 30, các bạn càng phải nỗ lực gấp 3 – 4 lần độ tuổi khác. 20 –30 là độ tuổi rất đẹp để bôn ra ra nước ngoài, những nước tiên tiến để làm việc, học tập, trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống, nâng cao những năng lực cần thiết làm hành trang để khi bước vào tuổi 30, tuổi của một người lớn trưởng thành bắt đầu phải sống có trách nhiệm với con cái, cha mẹ, ông bà... Lúc này thì phải có nghề nghiệp ổn định, thu nhập khá, tầm nhìn mở rộng, trở thành trụ cột của gia đình và xã hội. 

Nhiều bạn trẻ hiện nay đang sống thiếu sự khao khát, không dám ước mơ, không dám suy nghĩ và không dám hành động. Học thêm chút nữa, làm thêm chút nữa, kiên trì thêm chút nữa, nỗ lực thêm chút nữa, cố gắng thêm chút nữa… biết đâu đấy, các em sẽ còn đi xa hơn cái mốc ban đầu mà chính mình đã đặt ra thì sao? 

Vì vậy, mỗi bạn nên xác định cho mình một mục tiêu, một con đường, một công việc mà mình sẽ đeo đuổi đến suốt cuộc đời. Có như vậy thì mỗi bạn sẽ có động lực làm việc, phát triển vươn lên và thành công, làm giàu cho chính cuộc sống của mình, cho gia đình mình và góp phần làm giàu cho đất nước. Một quốc gia chỉ được coi là hưng thịnh khi quốc gia đó có thật nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt, có nhiều công dân giàu có, người dân ai ai cũng có việc làm với chất lượng cuộc sống cao. Muốn vậy thì, những bạn đã đang và sẽ tham gia chương trình làm việc tại Nhật Bản trước tiên hãy tự nâng QCD của mình lên. QCD tốt các bạn sẽ có được công việc tốt, là tiền đề cho sự phát triển và thành công sau này.

scroll top