28/09/2016
3802
0
Muốn thành công, hãy chọn đi trên đường cao tốc

Vào năm 1995 khi vừa tròn 25 tuổi, thầy sang Nhật để thực hiện mục tiêu trở thành một kỹ sư công nghệ trong lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu. Trong 05 năm đó, mỗi ngày thầy chỉ ngủ khoảng 04 tiếng, thời gian còn lại thầy dành để học, nghiên cứu, đi làm thêm, đi giao báo vào mỗi sáng sớm để trang trải chi phí. Thầy đã lấy được bằng thạc sỹ tại trường Đại học quốc lập ở Tokyo.

 

Nhưng, sau 05 năm sống và học tập tại Nhật, tiếp cận nền công nghiệp của một đất nước đứng nhất nhì thế giới đã làm thay đổi hoàn toàn định hướng nghề nghiệp của thầy. Thầy phát hiện, Nhật Bản có một nền kinh tế năng động với hơn 04 triệu công ty, trong số đó hơn 90% là công ty vừa và nhỏ nhưng những công ty này lại sở hữu bề dày lịch sử và công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Người người làm việc, mỗi người mỗi chuyên môn, mỗi công ty mỗi sản phẩm,... hầu như không thấy có người nhàn rỗi. Tương lai Việt Nam cũng sẽ phải phát triển như thế! Việt Nam cần phải học tập từ Nhật Bản. 

 

 

Từ ý tưởng này đã thôi thúc thầy quyết định thay đổi hướng đi của mình, chọn “đào tạo” và mở ra cơ hội “việc làm” cho thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm góp phần xây dựng đất nước là con đường, là sự nghiệp mà thầy sẽ đi, sẽ làm trong suốt cuộc đời. 

 

Thành công là cả một quá trình chuẩn bị và phấn đấu lâu dài mà có khi được tính bằng đơn vị hàng chục năm, hai chục năm. Suốt 05 năm tiếp theo, thầy đã tự mình đi tìm kiếm và gặp gỡ ông chủ của các công ty vừa và nhỏ để hỏi thăm về cơ hội việc làm cho thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Trong suốt những năm tháng ấy mọi việc thực sự không hề dễ dàng, đầy chông gai. 


Có một câu chuyện thế này: Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được.Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. (Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen McCullough).

 

Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống. Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu…

 

Để trưởng thành, chúng ta phải trả rất nhiều học phí cho trường học, trường đời, cho ăn cướp, cho người lừa gạt, kẻ ganh ghét… nhưng không vì thế khiến thầy cảm thấy nản lòng hay mất niềm tin mà vẫn luôn lạc quan và tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Đừng sợ rắc rối, học phí chúng ta phải trả càng nhiều thì kinh nghiệm, bài học nhận được càng lớn, sự trưởng thành càng nhanh chóng và vững vàng. Thầy cho rằng, thời gian đó giống như là đang tìm hướng để đi lên đường cao tốc vậy.

 

Tại sao lại là đường cao tốc? Nếu chúng ta đi đường phía dưới thì có thể sẽ phải gặp nhiều cản trở làm chậm hoặc lệch hành trình tiến tới mục tiêu. Cản trở đó có thể là do đường gồ ghề ổ gà, ổ trâu, đèn đỏ, kẹt xe và cả những bất ngờ phát sinh xảy ra trên đường mà ta không thể lường trước được. Thậm chí cản trở sẽ xuất hiện do chính ta bị phân tâm, quanh quẩn trong sự lựa chọn ở muôn vàn ngã rẽ trước mặt và có thể quên đi hướng chính mà mình cần đi.

 

Khi chúng ta chấp nhận đi trên đường cao tốc thì yêu cầu người lái phải đủ tự tin để điều khiển và làm chủ tốc độ xe cùng hành trình của mình. Đường cao tốc chỉ cho phép chúng ta chạy về phía trước không được quay đầu lại cũng như không được tự ý rẽ ngang và phải chạy đúng tốc độ quy định mới có thể đảm bảo an toàn cho chính mình và cho những người cùng lái xe trên con đường ấy. 

 

Thứ giá trị và công bằng nhất trên đời chính là thời gian. Dù bạn là tổng thống, công nhân hay một bác nông dân cũng đều có 24 giờ mỗi ngày như nhau. Cái tạo nên sự khác biệt chính là cách thức sử dụng thời gian có hiệu quả và hợp lý hay không và chính chúng ta có chịu trưởng thành theo thời gian hay không.

 

 

Mỗi các em ở đây nên sớm xác định cho mình điểm mà mình muốn đến, con đường mà mình muốn đi, người mà mình muốn trở thành. Định hướng và xác định càng sớm, đón nhận sự thật cay nghiệt, thất bại sớm chừng nào chúng ta càng có thể chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những tình hướng khó khăn xảy đến, cơ hội để trưởng thành, để hoàn thiện và tiến đến thành công càng gần hơn. Còn nếu chúng ta không định hình được thì sẽ phải đi lòng vòng, luẩn quẩn và cuối cùng sẽ phát hiện ra rằng chúng ta đang dẫm lên những bước chân của chính mình. 

 

Vậy làm thế nào để có thể tìm ra con đường mình nên đi? 

 

Nhà văn Lỗ Tấn có một câu nói như thế này: "Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi". Đâu có thứ gì sinh ra là đã có, con đường cũng vậy, chính là con người ta tạo nên thông qua một quá trình sống trên đời. Nhưng rồi hiện nay người ta lại có một câu nói như thế này: "Trên mặt đất đã có đường rồi nhưng người ta đi lắm cũng không thành đường". Nghĩa là có một con đường đã từ sẵn đó nhưng có những người mãi cũng chẳng thể nhìn thấy con đường đang tồn tại ấy hay tìm ra được hướng đúng cho mình. 

 

Vậy, “Cách duy nhất để hoàn toàn hài lòng là làm những gì bạn tin là vĩ đại. Và cách duy nhất để làm những việc vĩ đại là yêu thích những gì mình làm. Nếu bạn chưa tìm ra, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Cũng như những chuyện của trái tim, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy. (Steve Jobs).

 

Những điều tốt đẹp thường không đến một cách nhanh chóng và đừng tin rằng giàu là một đặc ân. Giàu là một quyền cơ bản và chúng ta phải cố gắng thì mới giành được quyền lợi ấy. 03 năm, 05 năm hay 10 năm làm việc tại Nhật Bản chỉ là một đoạn trên hành trình định vị bản thân: Tôi là ai. Tôi đến thế giới này để làm gì. Muốn được người khác công nhận thì phải nỗ lực làm việc, chứng minh được giá trị bản thân bằng thành tích thực tế thông qua các cuộc thi thố hay việc làm cụ thể, qua sự ghi nhận và đánh giá của cấp trên và đồng nghiệp, tiền bối ở bên Nhật, để khi quay trở về Việt Nam có thể phát triển tương lai. 

 

 

Thầy mong các em trong tương lai hãy trở thành những người tạo việc làm cho người Việt Nam ngay trên chính đất nước Việt Nam. Mỗi người một việc. Nếu không làm ông chủ thì cũng phải làm quản lý của công ty để đào tạo và hướng dẫn những thế hệ đàn em hoặc trở thành những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực mình làm. Nếu các em không làm được những việc đó thì kết quả của thầy chỉ dừng lại ở mức tạo ra việc làm lương cao cho các em trong tương lai ngắn hạn mà thôi.

 

Để công ty Esuhai – trường KaizenYoshidaSchool được khang trang như ngày hôm nay, trở thành điểm đến và sự lựa chọn đáng tin cậy cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam không thể dựa vào sức lực và sự cố gắng của riêng thầy. Chúng ta sẽ không thể thực hiện công việc một mình một cách hoàn hảo vì có những lĩnh vực mà chúng ta sẽ không thể làm tốt hơn người khác. Trên con đường mà thầy đi, cho đến ngày hôm nay, thầy nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các ân nhân là những người có địa vị, danh tiếng tại Nhật và Việt Nam. Họ ủng hộ là bởi vì thầy cho họ thấy rõ tâm huyết cháy bỏng của thầy trên con đường “đào tạo” và “việc làm” mà thầy đang thực hiện không chỉ đem lại lợi ích, sự phát triển cho cá nhân thầy mà đó là công việc có ý nghĩa với nhiều người, đem lại lợi ích và sự phát triển cho nhiều thanh niên Việt Nam, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình Việt Nam và đóng góp cho một xã hội Việt Nam phát triển và một Nhật Bản phồn vinh. 

 

 

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Chuyến đi này, mong các em cùng xây dựng và kết nối được nhiều mối quan hệ xã hội tốt với những bạn bè, đồng nghiệp người Việt, người Nhật và cả người những người nước ngoài khác mà các em gặp gỡ, làm việc, học tập chung để 10 năm, 20 năm, 30 năm sau những mối quan hệ đó vẫn được tiếp tục tới đời con, đời cháu của mình… Để sự phát triển và thành công được tiếp diễn, các em nhé! 


scroll top