17/05/2016
3768
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Chia sẻ con đường lập nghiệp thành công tại Nhật (phần I)

ESO - Ngày 03.05.2016, ba cựu học viên: Nguyễn Ngọc Trung, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Ngọc Dũng đã về thăm trường KaizenYoshidaSchool và có buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm thành công khi làm việc tại Nhật với các bạn học viên KS9, KS10, KS11.

Anh Nguyễn Ngọc Trung hiện đang là Tổng Giám đốc của công ty gia công cơ khí chính xác O. N. Precision - một trong những nhà cung cấp linh kiện máy uy tín hàng đầu của những “người khổng lồ” trong nền công nghiệp sản xuất Nhật Bản như Sony, Olympus, Canon, Honda,…  Anh khẳng định công ty O. N. Precision đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp Nhật Bản.

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu sau những khó khăn bước đầu hiện đang làm Giám đốc chi nhánh của công ty Tsukasa có bề dày 40 năm về thiết kế dây chuyền sơn công nghiệp, là đối tác của những tập đoàn lớn như Daikin, Brother,…

Anh Nguyễn Ngọc Dũng hiện đang là nhân viên của phòng phát triển sản phẩm của công ty Hisaka – là một công ty về máy trao đổi nhiệt hàng đầu Nhật Bản chiếm 80% thị phần nội địa và 40% thị phần thế giới. Công việc của anh Dũng là thiết kế, hướng dẫn vận hành máy trao đổi nhiệt cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện, tàu thủy hạng lớn,... Vào tháng 10/2016, anh sẽ về Việt Nam tham gia dự án lắp đặt và vận hành máy trao đổi nhiệt cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn Việt Nam.

Vì sao kỹ sư Việt chưa tạo ra được nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam”?

Trong buổi trao đổi, Giám đốc Lê Long Sơn đã đặt vấn đề: “Vì sao hằng năm, chúng ta đào tạo ra hàng trăm kỹ sư, nhưng lại chưa sản xuất được sản phẩm?”

Theo Giám đốc Lê Long Sơn, để tìm câu trả lời cho câu hỏi đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều nguyên nhân của nền công nghiệp Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng này phải bắt đầu từ tư duy lối mòn - đi học để làm quan của đại bộ phận người Việt. Giám đốc Lê Long Sơn đơn cử một số cách nghĩ điển hình của người Việt về học tập và công việc “học để ngồi bàn giấy”, “học để tìm được công việc nhàn hạ”… nhưng lại có rất ít cách nghĩ học để làm việc.

Ngay cả chức danh “kỹ sư” cũng khiến cho phần lớn sinh viên kỹ thuật mới ra trường hiểu chưa đúng về vị trí và thực chất nghề nghiệp của mình. Kỹ sư là người thầy về kỹ thuật, để xứng đáng với chức danh đó một kỹ sư thực thụ phải là người giỏi chuyên môn, có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực của mình thay vì chỉ có một tấm bằng và một khối kiến thức lý thuyết từ sách vở.

Giám đốc - Hiệu trưởng Lê Long Sơn chia sẻ với các bạn kỹ sư mới ra trường: “Các bạn cần định vị lại bản thân và xuất phát điểm của mình. Nếu các bạn cho mình là bậc thầy của kỹ thuật thì các bạn đánh mất cơ hội trở thành người thầy kỹ thuật thực sự. Vì khi sang Nhật làm việc các bạn sẽ bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt, nếu khư khư giữ cái tôi lớn của một kỹ sư tốt nghiệp đại học thì các bạn sẽ sớm từ bỏ. Thế nên, hãy tiếp nhận công việc với xuất phát điểm là số 0 và bắt đầu với những việc nhỏ nhặt nhất.”

Theo anh Nguyễn Ngọc Trung, sở dĩ chúng ta chưa thể làm ra sản phẩm “Made in Việt Nam” vì chúng ta chưa nung nấu đủ niềm tự hào khi làm ra một sản phẩm và còn bị cuốn hút bởi những cái lợi trước mắt. Anh có lời khuyên cho các bạn kỹ sư sắp sang Nhật làm việc: “Đồng tiền như chiếc bóng trước tuổi 35, nếu bạn ra sức đuổi theo, nó càng rời xa bạn nhưng khi bạn không quan tâm tới nó mà tập trung vào theo đuổi đam mê, nuôi dưỡng năng lực thì nó sẽ chạy theo bạn. Chỉ trong từ điển mới có “success” đứng trước “work” còn ngoài cuộc sống, chúng ta muốn thành công, đều phải làm việc cật lực mới có được.

Bản thân anh khi vừa mới tốt nghiệp đại học Sư Phạm Kỹ Thuật cũng chỉ là một “kỹ sư giấy”, anh quyết định sang Nhật vì muốn học hỏi cách người Nhật làm kỹ thuật, anh theo đuổi công việc này để chứng minh rằng người Việt Nam cũng có thể làm ra sản phẩm.”

Với anh Nguyễn Ngọc Hiếu, để có những sản phẩm “Made in Việt Nam” thì chính những người làm kỹ thuật phải có mong muốn tạo ra sản phẩm. Khi tham gia chương trình làm việc tại Nhật chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa ước muốn đó.  

Theo anh Nguyễn Ngọc Dũng, chúng ta chưa tạo ra sản phẩm bởi vì chúng ta còn có tư tưởng muốn nhàn hạ. Trong khi ở Nhật, ngay từ khi còn bé, họ đã được giáo dục để tìm thấy niềm vui, lòng tự hào trong công việc. Với họ, sống nhàn hạ chỉ mới mang ý nghĩa tồn tại, còn làm việc mới là lẽ sống cần theo đuổi.

Đam mê là gì?

Đam mê không phải là ước muốn nhất thời, dễ dao động và sớm bỏ cuộc trước khó khăn mà là cả một quá trình có cả sự đấu tranh giữa nản lòng muốn từ bỏ và kiên trì theo đuổi, tìm ra niềm vui và ý nghĩa của việc mình đang làm. Không phải ai khi vừa mới ra đời đã được trao cho một sứ mệnh, một ngọn lửa đam mê để theo đuổi, đa phần chúng ta tự tạo ra nó trong quá trình làm việc.

Anh Nguyễn Ngọc Trung định nghĩa đam mê là làm những điều người khác chưa làm được. Trong công việc của anh, đam mê chính là tạo ra những sản phẩm linh kiện siêu chính xác được khách hàng đánh giá cao.

Với anh Nguyễn Ngọc Hiếu đam mê chính là vượt qua những giới hạn của chính bản thân. Để có được anh của hôm nay thì anh của hôm qua đã vượt qua những trở ngại tưởng chừng sẽ dừng bước. Anh nói: “Nếu trước mặt có là bức tường cao thì anh vẫn muốn leo qua nó để biết bên kia bước tường là gì. Dù đó có là bờ vực thì anh vẫn muốn vượt qua. Nếu anh nản lòng và dừng lại thì anh phải quay lại khởi điểm ban đầu, sẽ không vượt qua được bất cứ khó khăn nào nữa.”

Theo anh Nguyễn Ngọc Dũng đam mê chính là tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc. Hiện tại với công việc phát triển sản phẩm ở một công ty sản xuất máy truyền nhiệt lớn tại Nhật, mỗi ngày học tập và nghiên cứu anh càng phát hiện ra nhiều điều lý thú, nhiều điều hay từ sản phẩm. Niềm hạnh phúc nhất trong nghề nghiệp của anh đó là anh có thể góp một phần nhỏ vào sự phát triển của quê hương. Hiện tại, anh Ngọc Dũng đang tham gia dự án xây dựng hệ thống truyền nhiệt cho nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn.

Cái giá của đam mê?

Trong buổi giao lưu với các bạn học viên các lớp KS, các anh Nguyễn Ngọc Trung, Nguyễn Ngọc Hiếu, Nguyễn Ngọc Dũng đã chia sẻ những trải nghiệm riêng về văn hóa làm việc Nhật Bản và những nỗ lực tự thân để dành được sự tin tưởng và tín nhiệm của sếp Nhật.

Sau năm lần phỏng vấn với Giám đốc Lê Long Sơn và hai tháng học  tiếng Nhật tại trường, anh Nguyễn Ngọc Trung đã sang Nhật làm việc. Thời gian đầu hiển nhiên là khó khăn nhưng theo như anh nói: “Dù là Obama, anh, em chúng ta hay một đứa bé đều có 24 giờ công bằng như nhau”. Anh đã sử dụng hiệu quả tối đa 24 giờ của mình để học tập trong 3 năm ngắn ngủi ở Nhật. Buổi sáng, anh thức dậy từ lúc 5 giờ làm việc đến 6 giờ chiều, rồi ở lại làm thêm để thông thạo thêm công việc nhưng không tính tăng ca. Khi được Giám đốc người Nhật hỏi vì sao không tính tăng ca, anh đã thành thật trả lời: “Tôi ở lại để học đã tốn kém tiền điện của công ty thì tại sao tôi lại tính tiền tăng ca.” Vì cách suy nghĩ đó, Giám đốc đã ở lại để hướng dẫn công việc thêm cho anh sau giờ làm việc.

Sau ba năm làm việc tại Nhật, anh Trung được Giám đốc tin tưởng chuyên giao máy móc về Việt Nam mở công ty. Ban đầu, anh đầu tư tất cả tiền bạc và tâm sức để xây dựng nhà xưởng và nhận mức lương 1.5 triệu hằng tháng từ công ty. Ngay thời điểm khó khăn đó, một công ty ở Bình Dương đã mời anh về làm Giám đốc với mức lương 2000 USD. Sau một tuần suy nghĩ anh đã từ chối. Anh nói: “Anh từ chối bởi vì một lời đã hứa với Giám đốc bên Nhật thì phải giữ. Vả lại, nhà xưởng này là công trình anh dành cả thời gian, tuổi trẻ và tâm sức mới có được, anh không thể từ bỏ. Khi nhà xưởng đã đi vào ổn định, có những đơn đặt hàng sản phẩm khó, cả trong giấc ngủ anh cũng nghĩ đến ý tưởng và bật dậy đến xưởng khi chỉ mới 3 giờ sáng.”

Với câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Hiếu, các bạn học viên lớp KS lại thấy rõ để thành công không phải là một sự may mắn sẵn có mà phải nỗ lực không ngừng để đạt được. 

Khi đảm nhiệm công việc thành lập công ty và phát triển thị trường Việt Nam, anh đã không dừng bước trước những khó khăn ban đầu mà anh chia sẻ thật: “Ở vị trí của một Giám đốc, không chỉ có chức danh và địa vị hào nhoáng mà phải chịu trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với những anh, em công nhân, có khi muốn từ bỏ vì áp lực.” Nhưng khi nhìn lại chặng đường mình đã vượt qua, những thành quả bước đầu và vì trách nhiệm, chữ tín với công ty bên Nhật mà anh tiếp tục hoàn thiện mỗi ngày. Với anh cơ duyên được nhận vào làm việc cho công ty hiện tại là một may mắn, nhưng để có được may mắn đó anh đã đầu tư thời gian để học tiếng Nhật và trao dồi chuyên môn kỹ thuật để không lỡ mất cơ hội đến với mình. Ngay khi nhận lời đề nghị của Giám đốc công ty, anh đã phải đối mặt với hai chọn lựa: ở lại Nhật Bản tiện nghi và trở về Việt Nam lập nghiệp. Cuối cùng anh đã chọn trở về vì ước mơ làm ra một sản phẩm “Made in Việt Nam” vẫn chưa cho phép anh hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Còn câu chuyện lập nghiệp ở Nhật của anh Ngọc Dũng đã đem đến cho các bạn học viên trẻ một bài học khác về sự kiên trì và lòng trung thành với công ty.

Với câu hỏi trăn trở của tuổi trẻ “Vì sao nước Nhật lại phát triển vượt bậc trong khi sau thế chiến họ không khác gì chúng ta?”, anh Nguyễn Ngọc Dũng quyết định tham gia chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật do công ty Esuhai phái cử. Sang Nhật anh làm việc tại Panasonic với những công việc đẩy xe thí nghiệm đơn giản trong suốt ba năm. Đối với anh, thời gian ở Panasonic chỉ là khoảng thời gian anh học tiếng Nhật và cách làm việc của người Nhật. Sau đó, Panasonic rơi vào khủng hoảng phải cắt giảm nhân sự trong số đó có anh. Họ cho anh được thôi việc sớm để đi tìm việc mới nhưng anh kiên quyết làm đến ngày cuối cùng bởi anh nghĩ đơn giản: “Nếu anh không trung thành với công ty được một lần thì sẽ có lần thứ hai nên anh quyết định ở lại đến ngày cuối cùng.” Có lẽ, chính tinh thần làm việc rất Nhật Bản của một người Việt Nam đã giúp anh đứng vững ở vị trí nhân viên phòng phát triển sản phẩm của công ty về các thiết bị truyền nhiệt lớn hàng đầu Nhật Bản. Mỗi nỗ lực vượt qua khó khăn để đứng vững ở phòng phát triển sản phẩm đều đi cùng với ý nghĩa: “Đã sang Nhật và có được cơ hội làm việc, nếu không nỗ lực không ngừng, nếu bằng lòng với những thứ đang có, nghĩa là anh đã phí phạm cơ hội đáng lý dành cho một kỹ sư Việt Nam khác xứng đáng hơn mình”, nghĩ thế nên anh chưa bao giờ dám chùn bước trước khó khăn.

scroll top