25/03/2016
6214
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Duy Thắng và “cổ tích” bút tre

Cây bút tre đã gắn bó với cuộc đời chìm nổi của nghệ nhân trẻ Nguyễn Duy Thắng (Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) như một định mệnh, giúp anh viết lên một câu chuyện cổ tích đẹp.

Ông chủ trẻ bước ra từ… cổ tích

Từ trung tâm Hà Nội xuôi về phía Tây khoảng 15 km, chúng tôi dừng chân tại xóm Chiêu xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội - mảnh đất mà hàng trăm năm nay vẫn gìn giữ được nghề sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ. Theo chỉ dẫn của người dân trong làng chúng tôi cũng đã tìm đến được ngôi nhà nhỏ của nghê nhân Thắng “bút tre”- chủ xưởng sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ Dinet.
Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông trẻ tuổi có dáng vóc vạm vỡ, làn da bánh mật khỏe mạnh và khuôn mặt chữ điền. Sau vài phút chào hỏi ban đầu, anh kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với cây bút tre bé nhỏ, vật đã giúp anh đổi đời một cách thần kì, cắt phăng cái nghèo “truyền kiếp” của gia đình anh.

Nghệ nhân Thắng “bút tre” tên thật là Nguyễn Duy Thắng, sinh năm 1984 trong một gia đình làm nông nghiệp. Những năm 90 của thế kỉ trước, gia đình anh khó khăn tới mức năm anh Thắng học lớp sáu vẫn phải đi học mà không hề có sách vở, cũng chẳng có nổi một cây bút để viết. Cái nghèo bao đời đeo bám, nhà Thắng chẳng ai dám mơ ước đến nghiệp học hành. Nhưng cuộc sống quẩn quanh với cái nghèo đeo bám chỉ càng hun thêm khát vọng tìm con chữ của Thắng. “Cái khó ló cái khôn”, Thắng đã tận dụng những cành tre vót nhọn làm bút và xé tàu lá chuối làm vở. Cứ như vây trong suốt hai năm trời, hành trang anh tới trường hằng ngày chỉ có “bút, vở” chính là những mảnh lá chuối và cành tre vót nhọn Thắng tự “sáng chế”.

Nghệ nhân Nguyễn Duy Thắng bên những chiếc bút tre

Rồi một lần tình cờ nhặt được một ruột bút bi cũ, anh đã lồng nó vào cành tre để viết. Thế là một cây bút độc đáo đã ra đời và giúp Thắng đi qua tuổi thơ gian khó tìm con chữ. Tưởng cây bút tre “quê mùa” ấy đã hoàn thành xứ mệnh cao đẹp của mình khi giúp cậu bé nhà nghèo đi qua những năm học gian khó ở trường làng, hóa ra nó còn tiếp tục theo chân Thắng để dìu chàng sinh viên nghèo đi tiếp những tháng năm học đại học tại khoa Tạo Dáng Công Nghiệp – trường Viện Đại học Mở Hà Nội.
Quãng đời sinh viên cũng là khoảng thời gian cây bút tre mang thương hiệu Dinet được hoàn thiện về quy trình và kĩ thuật sản xuất nhờ những kiến thức về kĩ, mĩ thuật mà Thắng học được ở trường. Thời gian này, ngoài việc đến giảng đường trau dồi kiến thức, Thắng còn tập hợp các bạn trong lớp để biến cây bút tre thành mặt hàng lưu niệm, tạo thêm thu nhập để cùng nhau trải qua thời sinh viên khốn khó. “Học phí hồi đó quả là một gánh nặng lớn cho nhiều gia đình nông thôn có con học đại học như gia đình tôi và tôi đã dùng chính những cây bút tre làm học phí của mình cũng như tìm thấy con đường khởi nghiệp từ nó”, anh Thắng tâm sự về “vị thần hộ mệnh” của mình.
Năm 2010 là một mốc son đánh dấu sự thành công của Thắng, cũng là sự khẳng định vị trí của những chiếc bút tre mang thương hiệu Dinet trên thị trường đồ thủ công mĩ nghệ Việt Nam. Sản phẩm bút tre phủ sơn quang dầu của anh Thắng đã nằm trong mười tám tác phẩm  đạt giải “Quà tặng dành cho đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội – nghìn năm văn hiến”.

Lợi nhuận lớn từ chiếc bút tre nhỏ bé

Thăm xưởng của Thắng, tận mắt chứng kiến tất cả các công đoạn được làm hoàn toàn thủ công bởi những người nghệ nhân say nghề của vùng Sơn Động, chúng tôi đã hiểu vì sao sản phẩm bút tre Dinet lại có thể trải qua tất cả những công đoạn kiểm tra vô cùng ngặt nghèo của nhiều thị trường nổi tiếng là khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức… và hệ thống cửa hàng lưu niệm bán đồ thủ công mĩ nghệ thuộc hệ thống hàng không Việt Nam, các điểm du lịch.
Về hiệu quả kinh tế của cây bút tre, Thằng tính toán, một thợ bình thường sẽ mất mười một phút cho quy trình cuối cùng làm bút ở trong xưởng. Với tốc độ như thế, trong một tháng, mười người thợ lành nghề sẽ cho ra khoảng mười nghìn sản phẩm. Với mỗi chiếc bút được bán ra với giá ba mươi ngàn đồng, hàng năm đưa về lợi nhuận trước thuế lên đến hàng tỉ đồng. Hiện xưởng của anh Thắng có 24 thợ làm việc tại xưởng và 12 hộ gia đình làm việc theo thời vụ. Mỗi tháng doanh thu đạt 600 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho mình và những người thợ làm việc trực tiếp cho anh tại xưởng, anh Thắng còn làm giàu cho nhiều hộ nông dân trồng tre khi anh thu mua những cành tre mà trước đây họ chỉ chặt bỏ đi hoặc làm củi đun với giá 10.000 đồng một cành.

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô

scroll top