12/03/2015
18828
0
Rèn luyện tính chủ động và học hỏi tư duy, phong cách làm việc của người Nhật

ESO - Các kỹ sư trẻ dù mới ra trường hay đã có kinh nghiệm làm việc khi chọn khởi nghiệp với chương trình “Xây dựng thương hiệu và đẳng cấp kỹ sư Việt Nam” đều quay trở lại tuổi 22 - xuất phát điểm ban đầu của chặng đường lập nghiệp.

Hiểu mình để thành công

Tại sao lại bắt đầu từ tuổi 22? Bởi vì đây là mốc xuất phát của một người đi làm chưa có kinh nghiệm làm việc. Chính vì chưa có kinh nghiệm nên tinh thần học hỏi, ý chí vượt qua khó khăn và tinh thần khởi nghiệp dám đương đầu, dám dấn thân trên con đường lập nghiệp sẽ luôn trong trạng thái sẵn sàng. Nhưng ở tuổi 22 các bạn chưa đủ trải nghiệm để hiểu mình, hiểu điểm yếu của chính mình để khắc phục, thay đổi những rào cản sự nghiệp tạo nên từ tính cách. Oden không chỉ là những giờ học giúp rèn luyện kỹ năng sống mà còn giúp các bạn trẻ khám phá ưu, khuyết điểm của bản thân.

Câu hỏi “Bạn là người chủ động hay bị động?” như tấm gương phản chiếu giúp các kỹ sư trẻ nhận diện, gọi tên tính cách để hiểu chính mình.

Bạn Ngọc Hảo (lớp KS7) đã nhìn thấy bên trong bản thân là một con người bị động. Hảo thành thật chia sẻ “Khi còn là sinh viên, em thường đợi đến cuối hạn nộp đồ án mới dồn hết sức để thực hiện và kết quả thường không được như ý muốn dù nhiều đêm thức đến ba, bốn giờ sáng. Em là người bị động.”

Bạn Xuân Long (lớp KS7) chia sẻ câu chuyện khác về sự thất bại do tính bị động. “Khi ứng tuyển vào Tập đoàn FPT em được giao một bài tập thực hiện trong hai tháng. Những tuần đầu tiên, em không thực sự chú tâm vào làm bài tập được giao mãi đến tuần cuối cùng em mới bắt tay vào làm. Kết quả là em bị đánh rớt mặc dù đã nỗ lực rất nhiều. Em nhận ra rằng nếu chủ động đầu tư vào nhiệm vụ đó thì ít ra em sẽ không tự trách mình”.

Trung Kiên (lớp KS7) - một trong số rất ít những bạn tự nhận định mình là người chủ động chia sẻ: “Khi quyết định chọn tham gia chương trình Xây dựng thương hiệu và đẳng cấp kỹ sư Việt Nam, em đã xác định những khó khăn phải đương đầu khi ở Nhật và tự nhận thức rằng kiến thức, kỹ năng của bản thân chỉ là một giọt nước nhỏ bé giữa “biển lớn công nghiệp” Nhật Bản. Chính vì thế em vô cùng biết ơn ban lãnh đạo cấp cao của công ty đã trực tiếp sang Việt Nam phỏng vấn một kỹ sư chưa có tay nghề cao như em và cho em cơ hội làm việc, học tập tại Nhật.”

Bạn Ngọc Minh (lớp KS7) lần đầu tiên nhận ra những mâu thuẫn bên trong con người mình: “Hai năm đầu Đại học em vô cùng thích học. Em luôn chủ động tìm đến kiến thức mới và đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu để thực hiện nhưng sang đến năm thứ ba, năm thứ tư em bắt đầu học đối phó và không còn niềm đam mê như trước nữa. Em thực sự không hiểu vì sao?”


Thấu hiểu những băn khoăn mà các bạn kỹ sư đã chia sẻ, Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn đã giúp các bạn nhận ra biểu hiện của con người chủ động từ những trải nghiệm cuộc sống của bản thân.

Người bị động Người chủ động
- Người bị động làm việc đối phó. Mọi sự nỗ lực và cố gắng sẽ đồng thời tiêu biến khi họ đạt được mục tiêu

- Người bị động chỉ làm những điều mình thích, trông chờ những điều tốt đẹp, bi quan trước thách thức

 

- Người bị động dễ nản lòng và thỏa hiệp trước khó khăn

- Người bị động nghĩ rằng sang Nhật để hưởng thụ sự tiện nghi

- Người bị động khi gặp bất hòa với đồng nghiệp và cấp trên dễ bị cảm xúc tiêu cực chi phối, vội cho rằng người khác ghét mình

- Người chủ động đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu, đạt được mục tiêu này họ lại tiếp tục hướng đến mục tiêu mới

- Người chủ động đương đầu, dự liệu trước khó khăn, lạc quan tìm thấy điều hay ngay cả trong những việc bản thân mình không thích và biến chúng thành đam mê

- Người chủ động bền chí, kiên trì với mục tiêu đã đề ra

- Người chủ động nghĩ rằng sang Nhật để làm việc và học tập

- Người chủ động khi gặp bất hòa trong quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên sẽ tự suy xét mình, khách quan nhìn nhận sự việc và tìm phương cách hàn gắn

Sau khi đã hiểu bản thân là người chủ động hay bị động, các bạn kỹ sư tiếp tục phải tự trả lời một câu hỏi mang tính quyết định khác “Các bạn có thực sự muốn sang Nhật học hỏi kỹ thuật của người Nhật, nâng cao năng lực của bản thân không?”

Với kinh nghiệm hơn 20 năm sống, làm việc tại Nhật, thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn khuyên các kỹ sư trẻ: “ Nếu “yêu thích” là động lực của tính chủ động thì các em hãy rèn luyện “yêu thích” thành phản xạ có điều kiện; quá trình thay đổi từ “không thích” sang “yêu thích” sẽ biến tính bị động thành chủ động giống như khi tập tành uống cà phê, ban đầu cảm thấy đắng nhưng lâu dần lại cảm nhận được vị thơm ngon và cuối cùng mỗi sáng ta sẽ vui vẻ ghé mua một ly cà phê.”

Các em là thế hệ kỹ sư Việt được sang Nhật làm việc và học tập, vì vậy đừng dung dưỡng tính thụ động, an phận mà hãy biết nhìn vào sự thành công của người khác tạo động lực cố gắng cho chính mình.”

“Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận”.Thành bại không phải hôm nay. Mười năm nữa, bạn muốn đứng ở vị trí nào thì hãy bắt đầu rèn luyện tính chủ động trong suy nghĩ và biến chúng thành hành động cụ thể ngay hôm nay.

Thay đổi tư duy làm việc

Tiêu chuẩn tuyển nhân sự nước ngoài của các nhà tuyển dụng Nhật Bản trong mười năm trở lại đây đã có nhiều thay đổi. Họ không còn chú trọng vào kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nữa mà tập trung vào khai thác khía cạnh sức khỏe và phẩm chất con người.

Công ty Nhật cần gì từ thế hệ kỹ sư trẻ của Việt Nam? Hiệu trưởng Lê Long Sơn giúp các kỹ sư hiểu những tiêu chí tuyển dụng của các công ty Nhật. Bên cạnh sức khỏe, các sếp Nhật cần những ứng viên có đủ quyết tâm làm việc, có tinh thần học hỏi và ôn hòa tiếp nhận chỉ thị từ cấp trên.

Kỹ sư nghĩa là người thầy của kỹ thuật nhưng trong nền công nghiệp chế tạo phát triển vượt bậc như Nhật Bản không phân biệt thầy hay thợ mà chỉ phân chia trình độ dựa trên năng lực, kinh nghiệm và tay nghề chuyên môn. Tuy nhiên, tại một nền công nghiệp đang phát triển như Việt Nam, các bạn trẻ tốt nghiệp từ những trường Đại học về kỹ thuật sẽ được gọi là kỹ sư. Chính danh xưng này tạo nên rào cản trong cách tiếp nhận công việc của các bạn khi sang Nhật làm việc. Các bạn tự đánh giá chuyên môn bản thân cao hơn công việc được giao nên sinh ra tâm lý chán nản, xem nhẹ công việc, dẫn đến bỏ cuộc ngay khi mới bắt đầu con đường trở thành một kỹ sư thực thụ.

Khi chọn chương trình “Xây dựng thương hiệu và đẳng cấp kỹ sư Việt Nam” là đã chấp nhận quay về xuất phát điểm ban đầu tạo dựng sự nghiệp từ con số không, chính vì thế các kỹ sư trẻ cần thay đổi tư duy làm việc. Bất cứ viên gạch nền móng nào cũng vô cùng quan trọng với độ bền vững của một công trình. Các kỹ sư trẻ muốn sự nghiệp vững chắc chừng nào thì hãy đầu tư công sức, tâm huyết cho những việc sơ khai, nền tảng chừng ấy. Khi sếp Nhật muốn bạn bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất, đơn giản nhất nghĩa là họ muốn giúp bạn xây dựng một nền móng sự nghiệp chắc chắn nhất. Chính những lần phụ việc sẽ tạo cho các kỹ sư trẻ cơ hội tiếp xúc, xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp Nhật trong công ty, hiểu được cặn kẽ từng thao tác công việc mà mình thực hiện để làm ra sản phẩm. Một kỹ sư làm việc trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất cần nhất tính chính xác, cần cù và tuân thủ quy tắc, quy trình công nghệ. Từ môi trường nhà xưởng Nhật sẽ rèn luyện cho các bạn kỹ sư Việt những phẩm chất đó, vì thế hãy coi trọng những việc nhỏ và đừng ngại việc nặng nhọc.

Khẳng định mình với cấp trên và đồng nghiệp Nhật qua tranh luận và thể hiện cái tôi cá nhân là một cách ứng xử chưa khéo léo và hoàn toàn không có hiệu quả trong môi trường làm việc Nhật Bản. Hòa hợp trong môi trường làm việc mới là cách khẳng định bản thân và được đánh giá cao nhất. Bí quyết của thầy Lê Long Sơn là ôn hòa tiếp nhận mệnh lệnh, ý kiến của cấp trên và đồng nghiệp, từ đó tự bản thân trải nghiệm, nhận định đúng - sai để có đủ cơ sở lý luận trao đổi với họ. Theo thầy Sơn, tranh luận, cố chấp và tự phụ sẽ tạo nên vết nứt trong công trình sự nghiệp mà các bạn đang nỗ lực xây dựng.

Năng lực có thể trau dồi, kinh nghiệm có thể tích lũy qua năm tháng. Nhưng những kỹ sư thành công thực sự là những người hiểu hiện tại mình là ai, bản thân muốn gì, mục đích cuối cùng sang Nhật làm việc là gì, sẽ chấp nhận thay đổi điều gì để theo đuổi mục đích đó.


Kết thúc mỗi buổi Oden là bắt đầu một quá trình tự nhận thức, rèn luyện, thay đổi theo hướng tích cực của các kỹ sư trẻ để chuẩn bị cho hành trình sang Nhật làm việc, xây dựng sự nghiệp. Với những bài học được thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn nhiệt tâm chia sẻ, các kỹ sư trẻ sẽ được tiếp cận, học tập tư duy, phong cách làm việc của người Nhật để tự tin vững bước trên con đường xây dựng và phát triển sự nghiệp của bản thân.

scroll top