06/04/2013
3804
0
Chữ tín của người Nhật

Giáo sư Kiyohiro Kokarimai chuyên ngành kinh tế, nghỉ hưu ở ĐH Toyo được bảy năm rồi nhưng vẫn mong muốn được chia sẻ vốn kiến thức của mình với các nơi có chương trình hợp tác với nhà trường.

Ông chọn Việt Nam để làm cuộc viếng thăm. Mỗi ngày trên các tờ báo Nhật ông đều đọc và tìm hiểu về Việt Nam. Ông đã lập kế hoạch và trao đổi trong ba năm để thực hiện chuyến đi này. Ông đi cùng vợ, bà tốt nghiệp ngành sư phạm chuyên về lịch sử.

Vợ chồng giáo sư rất hăm hở vì muốn chứng kiến sự đổi thay của đất nước Việt Nam và mong muốn đến thuyết giảng với sinh viên trẻ của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Chắc chắn cuộc sống sẽ trở nên hữu ích hơn khi những tri thức tích lũy lâu nay được chuyển giao cho các bạn trẻ Việt Nam để họ có thể vận dụng, xây dựng đất nước mình.

Ông nói muốn phát triển, không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao vai trò của giáo dục và mở rộng hợp tác với các ĐH quốc tế. Trên đường tiễn ông ra sân bay, tôi có hỏi về tình hình động đất và sóng thần ở Nhật. Ông có người thân hay bạn bè ở những nơi đó không? Giáo sư nói quê hương ông ở Morioka, tỉnh Iwate, ở đó còn anh trai và em trai của ông. Người em trai có một chuỗi 42 siêu thị, trong đó có nhiều cái ở bờ biển đã bị sóng thần cuốn đi. Động đất xảy ra một ngày trước khi ông đến Việt Nam. Những người thân vợ của ông cũng ở nơi này.

Ông đắn đo mãi, tuy vậy vẫn thực hiện chuyến đi vì đã hứa với sinh viên Việt Nam . Cần phải giữ lời vì mối quan hệ quốc tế. Ông nói vùng Iwate bây giờ rất khó khăn: mất điện, nước cúp, thức ăn thiếu thốn và ngoài trời tuyết đang rơi...

Không thể bội tín, ông đã bỏ lại sau lưng những người thân yêu của mình trong lúc khó khăn nhất, bỏ lại sau lưng những nỗi đau, những do dự... để đến Việt Nam, nơi những sinh viên đang mong chờ lĩnh hội kiến thức từ ông.

Xin cầu nguyện cho đất nước Nhật Bản vượt qua đợt thảm họa này. Với văn hóa vì cộng đồng dân tộc, sức mạnh kết tinh như vậy sẽ làm nên một sức sống mới cho Nhật Bản. Nơi đó không chỉ là sức mạnh của kỹ thuật với hàng hóa nổi tiếng chất lượng cao mà còn những giá trị nhân văn, chữ tín mà nhiều dân tộc khác phải ngước nhìn đầy thán phục.

TS. TRẦN ĐÌNH LÂM
(Trung tâm nghiên cứu VN - Đông Nam Á, ĐH KHXH& NV TP.HCM)

Giải mã tinh thần Nhật

Khi nghiên cứu về thảm họa, người ta luôn nhận thấy đi kèm sau những cuộc thảm họa là tình trạng tội phạm như hôi của, cướp bóc, hãm hiếp, vốn là những đặc trưng trong thời kỳ “loạn lạc” do thảm họa gây ra.

Thường thì những hiện tượng phi chuẩn mực ấy là kết quả của sự phân hóa xã hội, sự bất công xã hội và lợi dụng những cuộc thảm họa mà những thành phần yếu thế sẽ tìm cách “lấy lại công bằng” thông qua việc cướp bóc của cải sau thảm họa.

Nhật Bản không phải là nước không có bất bình đẳng xã hội hay khoảng cách giàu nghèo thấp, dù gần 90% người Nhật tự nhận họ thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội. Vậy vì sao vẫn có bất bình đẳng xã hội mà không có cướp bóc, hôi của... xảy ra sau thảm họa?

Có lẽ cần quay về quan niệm của nhà xã hội học lừng danh của Pháp Émile Durkheim khi ông cho rằng tình trạng lệch lạc, tội phạm trong xã hội sẽ xảy ra ở mức thấp nhất nếu mọi người cùng chia sẻ những giá trị chung, cùng chấp nhận ý thức cộng đồng.

Dù chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng phải thừa nhận rằng một trong những nền tảng của tinh thần Nhật Bản là các giá trị của Thần đạo (Shinto) vốn đề cao sự thanh khiết, có nghĩa là chân thành trong tình cảm và hành động, không làm phương hại đến sự hài hòa của tự nhiên và người khác.

Thần đạo đã in sâu vào lối sống, nếp nghĩ của người dân Nhật, đó là đề cao tinh thần cố gắng và lối sống lạc quan. Phải chăng chính vì thế người dân Nhật không bi lụy hay tuyệt vọng cho dù phải sống trong sự thiếu thốn cùng cực do thảm họa gây nên.

Những giá trị tinh thần ấy gần như đã được nhập tâm trong toàn xã hội Nhật Bản trong cơ cấu sắc tộc thuần nhất nên việc xã hội hóa ý thức tập thể, tức quá trình giáo dục làm mọi người cùng nhập tâm, cùng chia sẻ những giá trị chung tạo nên ý thức tập thể được thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều. Có lẽ chính vì cùng chia sẻ một ý thức tập thể, những giá trị chung như vậy nên người Nhật mới có thái độ ứng xử tuyệt vời như trong thảm họa vừa qua.

Do đó có lẽ việc xây dựng một xã hội mà trong đó mọi người cùng chia sẻ những giá trị chung để họ có thể sống và ứng xử một cách hài hòa với thiên nhiên và tha nhân mới là điều quan trọng và cần thiết hơn là một xã hội mà ở đó có con số phần trăm tăng trưởng GDP cao nhưng lại đầy sự phi chuẩn và thiếu tổ chức xã hội.




LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học, ĐH Mở TP.HCM)

scroll top