Lần này, chúng tôi có cơ hội đến thăm ngôi trường giáo dục đặc biệt này dưới sự hướng dẫn của chị Shiho – một KOL (Key Opinion Leader) đang hoạt động tích cực tại trường. Thông qua hình ảnh những Học viên đầy nhiệt huyết và các Giáo viên tận tâm hỗ trợ các em, chúng tôi xin được gửi đến bạn đọc một câu chuyện về ước mơ và hành trình học tập vượt qua ranh giới quốc gia.
KaizenYoshidaSchool
Công ty Esuhai được thành lập vào tháng 6 năm 2006 bởi doanh nhân Lê Long Sơn. Đây là Công ty chuyên đào tạo và phái cử nguồn nhân lực Việt Nam sang Nhật Bản học tập, làm việc. KaizenYoshidaSchool (Một thành viên của ESUHAI Group) được thành lập vào tháng 8 năm 2006 với tên gọi ban đầu là Trung tâm Nhật ngữ Cải Tiến.
Đến năm 2008, Ngài Yoshida Masaaki, người sáng lập tập đoàn Recof, Chủ tịch diễn đàn kinh tế Việt - Nhật đã tài trợ học bổng cho dự án: “Mỗi năm đào tạo 101 Kỹ sư ưu tú” (hiện nay là chương trình “Đào tạo và Tuyển dụng Kỹ sư làm việc tại Nhật Bản”).
Năm 2012, với sự hỗ trợ từ tổ chức JICA, trường đã xây dựng cơ sở riêng biệt và hiện nay đang mở rộng ra với 14 Trung tâm liên kết trên toàn quốc.
Bắt đầu hành trình cảm nhận “niềm đam mê học tập” tại Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố bứt phá theo thời đại
Tiếng còi xe máy vang vọng khắp đường phố Sài Gòn, sức nóng nơi đây vượt xa cả trí tưởng tượng của tôi.
Ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến Việt Nam có thể gói gọn trong một từ: “sôi động”. Hàng ngàn chiếc xe máy luồn lách giữa các tòa nhà cao tầng, tiếng rao bán hàng từ các quầy hàng rong, người dân sinh hoạt ngay trên vỉa hè – tất cả vẽ nên bức tranh sinh động về một đất nước đang bước vào thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ.
Tọa lạc tại 40/12 - 40/14 Ấp Bắc, Phường 13, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, ngay khi bước chân vào sảnh tầng 1, tôi đã cảm nhận được bầu không khí rất đặc biệt nơi đây.
Từ Học viên đến Giáo viên hay Nhân viên khi đi ngang qua cũng dừng lại, nhìn vào mắt tôi và cúi đầu chào “Konnichiwa”, và trong khoảnh khắc chờ thang máy, một bạn Học viên đã nhẹ nhàng nói: “Xin vui lòng chờ một chút nhé” bằng tiếng Nhật. Cách ứng xử tinh tế ấy khiến tôi cảm nhận rõ ràng rằng, nơi đây không chỉ dạy ngôn ngữ, mà còn vun đắp điều gì đó sâu xa hơn.
Giáo dục vượt ra khỏi khuôn khổ trường dạy ngôn ngữ – Truyền tải “giá trị Nhật Bản”
KaizenYoshidaSchool là cơ sở giáo dục dành cho những bạn trẻ Việt Nam mong muốn làm việc tại Nhật Bản. Ngoài việc học tiếng Nhật cơ bản và giao tiếp trong môi trường kinh doanh, các Học viên còn được đào tạo bài bản về các kỹ năng thực tế cần thiết trong môi trường làm việc tại Nhật như “Báo cáo – Liên lạc – Trao đổi” (Hō-Ren-Sō), hay phương pháp “5S” (*).
Bên cạnh đó, các bạn Học viên còn được đào tạo về tác phong, kỹ năng làm việc theo tiêu chuẩn Nhật Bản do Học viện Kỹ năng Chuyên nghiệp Nhật Bản (ProSkills Academy) đào tạo.
* 5S: Một phương pháp quản lý trong môi trường sản xuất của Nhật Bản, bao gồm: Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seisou (Sạch sẽ), Seiketsu (Chuẩn hóa) và Shitsuke (Sẵn sàng, kỷ luật).
Ngoài các tiết học tiếng Nhật, Học viên còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa như mặc thử Kimono, gấp origami, hát và múa các bài hát Nhật Bản, cũng như tham dự các sự kiện như “Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản” để tăng cường hiểu biết về văn hóa Nhật.
Thêm vào đó, trong những buổi học Định hướng đặc biệt mang tên “ODEN”, chính ông Lê Long Sơn - Hiệu trưởng KaizenYoshidaSchool trực tiếp giảng dạy, chia sẻ về công việc và cuộc sống, mang đến cho Học viên không chỉ kiến thức thực tiễn mà còn là những bài học và nhận thức giúp họ phát triển lâu dài trong tương lai.
Dọc theo các bậc thang trong trường là những từ khóa thể hiện giá trị tinh thần được người Nhật trân trọng như “khiêm tốn”, “báo đáp”, “thành thật”. Trên tầng cao nhất còn có một khu vườn Nhật nhỏ, tạo cơ hội cho Học viên tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản trong đời sống hàng ngày.
Tên gọi “KAIZEN” có nghĩa là cải tiến. Tư tưởng kaizen có nghĩa là luôn kiên trì sửa đổi, cải tiến những điểm yếu, điểm chưa tốt… mỗi ngày để dần hoàn thiện và phát triển. Dù tiếng Việt cũng có từ tương đương, nhưng từ “KAIZEN” trong tiếng Nhật còn hàm chứa ý nghĩa sâu sắc hơn – đó là nỗ lực từng chút mỗi ngày, tiến bộ một cách bền vững và liên tục. Chính vì muốn truyền tải tinh thần cốt lõi này đến Học viên, trường đã chọn giữ nguyên cách viết bằng tiếng Nhật trong tên gọi “KAIZEN”.
Tinh thần ấy được thể hiện đậm nét trong phương châm giáo dục của nhà trường: Không chỉ học để có kỹ năng, mà còn học để nâng cao tính chủ động, tinh thần tự lập và tự giác. Mục tiêu của trường là đào tạo những con người có thể trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản – một tầm nhìn giáo dục đầy tâm huyết.
Nhiệt huyết học tập đến từ “tương lai mà các em đang hướng tới”
Sau đó, chúng tôi được tham quan một lớp học đang trong giờ giảng. Khi bước vào lớp của cô Huyền Anh, khoảng 30 Học viên đã chào đón chúng tôi một cách ấm áp. Lớp học này đã học tiếng Nhật được 5 tháng, và hiện đang tập trung củng cố nền tảng tiếng Nhật một cách vững chắc.
Trong tiết học hôm đó, các bạn đang học về ý nghĩa của những biển báo thường thấy tại Nhật như “Chú ý”, “Cấm chụp ảnh”, “Cấm ăn uống”. Cô Huyền Anh giải thích cẩn thận từng từ, còn các Học viên thì chăm chú ghi chép.
Tiếp theo là phần luyện phát âm, cô Shiho và các bạn Học viên luân phiên nhau phát âm từng từ. Khi đến phần mỗi người phải phát biểu, dù có chút căng thẳng, các bạn vẫn tự tin thể hiện kết quả luyện tập bằng giọng nói rõ ràng.
Điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong buổi học là tinh thần chủ động và tiếng nói rộn ràng của các Học viên. Ngay sau lời giải thích của Giáo viên, nhiều bạn đã thì thầm lặp lại các từ vừa học để ôn lại.
“Chính vì các bạn đã nhận được quyết định tuyển dụng tại Nhật, nên động lực học tập rất cao,” cô Shiho chia sẻ. Đúng như lời cô nói, thái độ học tập của các Học viên – những người đang theo đuổi một mục tiêu rõ ràng cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Lý do “muốn làm việc tại Nhật” qua lời kể của các bạn trẻ Việt Nam
Lần này, chúng tôi đã có dịp đặc biệt khi cô Shiho thực hiện một buổi phỏng vấn tiếng Nhật trực tiếp với các Học viên. Trước câu hỏi đơn giản: “Tại sao bạn muốn đến Nhật Bản?”, các bạn Học viên lần lượt đưa ra câu trả lời và một điểm chung bất ngờ đã xuất hiện.
“Tôi muốn làm việc tại một công ty thực phẩm của Nhật. Vì tôi muốn học về tiêu chuẩn và độ an toàn của thực phẩm Nhật Bản.”
“Tôi cũng muốn làm công việc liên quan đến thực phẩm tại Nhật.”
Nhiều Học viên đã chia sẻ cùng một ước mơ như vậy.
Theo lời cô Shiho: “Giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn sự khác biệt trong tiêu chuẩn quản lý vệ sinh thực phẩm. Không ít Học viên muốn học hỏi các tiêu chuẩn vệ sinh và kỹ thuật kiểm soát chất lượng cao của Nhật, để một ngày nào đó mang kiến thức ấy trở về Việt Nam.”
Trong ánh mắt của các Học viên, không chỉ đơn thuần là ước mơ được làm việc tại Nhật, mà là khát vọng học hỏi những kỹ thuật và kiến thức cụ thể. Và điều gây ấn tượng mạnh là: chất lượng và độ an toàn của ngành thực phẩm Nhật Bản đã trở thành mục tiêu nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ Việt Nam, dù khoảng cách địa lý giữa hai nước là rất xa.
Bốn Giáo viên mang trong mình niềm tự hào về “công việc dẫn dắt tương lai”
Tại Việt Nam, có một ngày đặc biệt gọi là “Ngày Nhà giáo” (được Chính phủ chọn vào năm 1982) để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người làm công tác giáo dục. Tại KaizenYoshidaSchool, một sự kiện đặc biệt đã được chuẩn bị để chào mừng Ngày Nhà giáo, và chúng tôi có cơ hội được quan sát buổi luyện tập phát biểu tiếng Nhật của bốn Giáo viên người Việt Nam.
Cô Huyền Anh – “Niềm vui lớn nhất là sự trưởng thành của Học viên”
“Tôi rất thích giao tiếp với mọi người. Kể từ khi làm việc tại đây với vai trò Giáo viên tiếng Nhật, việc được gặp gỡ và đồng hành cùng các bạn Học viên trong quá trình trưởng thành của họ đã trở thành niềm vui lớn nhất của tôi,” cô Huyền Anh bắt đầu chia sẻ.
“Nụ cười khi Học viên lần đầu chào hỏi bằng tiếng Nhật, ánh mắt rạng rỡ khi các em đậu phỏng vấn – tất cả đều là động lực lớn đối với tôi. Chính sự cố gắng của Học viên đã thắp lên ngọn lửa trong trái tim tôi.”
Từ những lời nói ấy, có thể cảm nhận rõ tình yêu thương sâu sắc mà cô dành cho sự phát triển của từng Học viên.
Thầy Hồ Hận – “Giáo viên là thiên chức, Nhà trường là gia đình”
Thầy Hồ Hận đã giảng dạy tại KaizenYoshidaSchool suốt 15 năm. Thầy chia sẻ đầy nhiệt huyết về ý nghĩa của cái tên “KAIZEN”. “Chúng tôi không chỉ dạy tiếng Nhật. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các bạn trẻ trưởng thành về mặt nhân cách và có thể làm việc tốt trong tương lai. Đây là nơi giúp các em mở rộng khả năng bản thân và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.” 15 năm là khoảng thời gian quý báu để thầy nhận ra những điều thật sự quan trọng trong nghề giáo. “Hạnh phúc của những bạn trẻ từng học ở đây và mở lối cho tương lai của mình cũng là hạnh phúc của tôi, và của cả Nhà trường. Đối với tôi, Giáo viên là thiên chức, còn ngôi trường này chính là gia đình.”
Thầy Thanh Yên – “Tôi muốn đồng hành cùng Học viên trong cuộc sống của họ”
Bước sang năm thứ 7 với vai trò Giáo viên, thầy Thanh Yên chia sẻ đầy đam mê về những gì thầy hướng tới: “Tôi vẫn muốn tiếp tục học hỏi thêm nữa. Để truyền đạt tiếng Nhật một cách phong phú hơn, bản thân tôi cũng phải không ngừng phát triển. Có lẽ, chính tôi là người đang học hỏi nhiều nhất từ Học viên trong lớp học mỗi ngày.” Gần đây, thầy cũng bắt đầu đối diện với những vấn đề tâm lý của Học viên. “Một Học viên đã chia sẻ với tôi rằng em ấy không thể tập trung học do hoàn cảnh gia đình. Lúc đó, tôi nhận ra rằng việc hỗ trợ tinh thần cũng quan trọng không kém. Tôi muốn học thêm về tâm lý học để có thể trở thành người bạn đồng hành thật sự của các em.”
Cô Thu Hằng – “Chính vì trở lại trường xưa, tôi muốn truyền đạt sự kết nối giữa người với người”
Người cuối cùng chia sẻ với chúng tôi là cô Thu Hằng – từng là Học viên của KaizenYoshidaSchool. “Thông qua việc học tiếng Nhật, tôi không chỉ học ngôn ngữ mà còn được tiếp xúc với văn hóa và giá trị Nhật Bản, giúp mở rộng tầm nhìn của mình. Tôi học được rất nhiều điều từ cách sống của người Nhật, và chính điều đó đã giúp tôi trưởng thành một cách tích cực hơn.”
Trước đó, cô có cơ hội thực tập tại Nhật Bản. Và để truyền lại những kinh nghiệm quý báu đó cho thế hệ tiếp theo, cô đã quay lại trường xưa với tư cách là Giáo viên. “Công việc được chia sẻ những bài học mình từng trải qua với Học viên thật sự rất đặc biệt đối với tôi. Chỉ cần đóng góp được chút gì đó cho tương lai của các em, tôi đã thấy hạnh phúc rồi.” “Vì tôi từng là Học viên và cũng từng gặp khó khăn nên tôi rất hiểu nỗi lòng của các em. Chính vì thế, tôi muốn truyền tải không chỉ tiếng Nhật, mà cả sự kết nối và tình người trong một môi trường học tập ấm áp. Đó là lý do tôi chọn làm Giáo viên tại đây.”
Từ những bài phát biểu đầy cảm xúc của 4 thầy cô, có thể cảm nhận được niềm tự hào đối với nghề giáo và tình yêu sâu đậm dành cho Học viên. Vượt ra khỏi khuôn khổ của việc dạy ngôn ngữ, các thầy cô thực sự mong muốn đồng hành cùng từng Học viên trên hành trình trưởng thành của họ, điều khiến tôi vô cùng cảm động.
“Nhật Bản hãy luôn là một đất nước tốt” – Lời nói ấy khiến chúng ta phải tự hỏi điều gì?
Sau chuyến tham quan lần này, trong tôi có một sự thay đổi lớn – đó là cách nhìn nhận về nước Nhật.
Cô Shimizu Hiroko – Phó Hiệu trưởng KaizenYoshidaSchool đã chia sẻ nhiều điều sâu sắc về thực trạng xã hội tại Việt Nam. Hệ thống an sinh xã hội vẫn đang trong quá trình phát triển, nên khi cha mẹ không còn khả năng lao động, con cái là người phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc. Số lượng doanh nghiệp còn quá ít so với dân số trong độ tuổi lao động, vì vậy dù học tập đạt thành tích cao, chỉ một bộ phận nhỏ mới có thể tìm được công việc với thu nhập ổn định.
Trong bối cảnh như vậy, các Học viên của KaizenYoshidaSchool lại đánh giá rất cao những điểm tốt đẹp của Nhật Bản như: tinh thần siêng năng, tiêu chuẩn vệ sinh cao, và hệ thống an sinh xã hội đầy đủ. Họ nỗ lực học hỏi với thái độ rất nghiêm túc. Chính sự chân thành của họ khiến tôi một lần nữa nhận ra giá trị của đất nước Nhật Bản.
“Em chỉ mong sao Nhật Bản sẽ luôn là một đất nước tốt, để những người đến từ Việt Nam không phải thất vọng. Em cũng đang cố gắng tìm kiếm điều mà bản thân có thể làm được cho điều đó.” - Những lời của cô Shiho vang vọng trong lòng tôi, để lại dấu hỏi lớn: Chúng ta – những người Nhật – có đang thật sự gìn giữ và nâng niu những giá trị đó không?
Tương lai đâm chồi vượt qua biên giới – Hạt giống mang tên “giáo dục”
Gặp gỡ và tiếp xúc với những người đến từ nền văn hóa khác nhau luôn mang đến những nhận thức mới mẻ. Trong chuyến đi đến Việt Nam lần này, tôi cảm nhận được rằng: cả người dạy lẫn người học đều cùng nhau trưởng thành, và quá trình học tập ấy có thể được truyền lại cho thế hệ tiếp theo – hơn thế nữa, nó còn có thể góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Giáo dục là hạt giống ươm mầm cho ước mơ.
Chuyến thăm Trường KaizenYoshidaSchool lần này đã giúp tôi cảm nhận được ý nghĩa cốt lõi đó, một hành trình vô cùng giá trị.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến cô Huyền Anh (trái) và cô Shiho (phải) đã hỗ trợ chúng tôi trong buổi phỏng vấn!