18 tuổi. Tôi đã đạt được chút thành công đầu đời: Đậu Đại học Bách khoa Đà Nẵng, một ngôi trường tôi đã mơ ước được học.
Tôi năm 20, một cái tôi thụ động với việc học hành, thụ động với việc tiếp nhận kiến thức, thụ động với bè bạn. Tôi của những năm ấy, một cái tôi không có bản lĩnh, không biết từ chối những cuộc vui, không biết từ chối bạn xấu. Tôi chỉ giỏi ngụy biện cho bản thân, chỉ biết lấy quãng đường 15km từ nhà đến trường, chỉ biết lấy lí do mưa bay nắng bụi để ngụy biện cho việc rời xa giảng đường.
Tuổi 21, đánh dấu sự xuất hiện của một cái tôi khác. Những đêm dằn vặt mất ngủ tự vấn bản thân, những đêm đếm từng điểm C,D,F và cảm giác thật sợ hãi. Và sự quyết tâm phải xuất hiện. Đó là những đêm ngày đăng ký học lại, quyết tâm lại là một sinh viên Bách Khoa chính nghĩa: ngày đi học cùng bạn, đêm đi học cùng các anh hệ tại chức. Và rồi trời cũng đã không phụ sự quyết tâm của tôi khi cho tôi gặp 03 người. 03 người đã cổ vũ tinh thần tôi trên quãng đường khó khăn ấy.
Người đầu tiên là người thầy trẻ tuổi đầy nhiệt huyết môn Điện tử công suất. Thầy là người đã truyền cảm hứng khiến tôi thấy bản thân không hề kém như mình tưởng, chỉ là có đủ kiên trì để theo đuổi chinh phục thử thách không. Và bài học của sự kiên trì bắt đầu bằng việc 15 buổi từ 17g30 đến 21g không một bữa vắng. Thầy đã cho tôi thấy rằng tiềm năng con người là vô hạn. Những đêm học lại, những đêm khám phá bản thân ở những môn học khác lại tiếp diễn. Những điểm số C,D,F được thay dần bằng A,B.
22 tuổi. Người thứ hai xuất hiện. Người cựu sinh viên ấy đã giúp đỡ tôi đi học tiếng Nhật và truyền lửa đam mê lập trình PLC cho tôi. Công việc sau này cần bản vẽ, tôi tự học AUTOCAD; cần lập trình, tôi học điều khiển PLC; cần in 3D, tôi tự mày mò vẽ 3D trên onshape.com… Những cuốn sách tự học về lập trình đã khiến tôi rời xa bàn nhậu, rời xa quán cà phê, rời xa quán game… Tôi rất vui vì tôi có bạn lập trình, bạn tập gym, bạn vẽ chung bản vẽ…
Ở ngưỡng 23, khi bạn bè sắp tốt nghiệp thì tôi phải đi bù đắp kiến thức mà mình còn thiếu hụt ở trường. Thời gian này tôi cũng nhận ra Nhật Bản là quốc gia phát triển công nghệ đến thế. Tôi đã hiểu những môn học có quan hệ mật thiết với nhau thế nào: nhị phân thì cần cho điều khiển logic, chip vi điều kiển robot… và Nhật Bản là ông trùm của những công nghệ đó. Tôi đã hiểu sự chậm trễ của cuộc đời tôi. Tôi trễ hai năm để tự nhìn ra điểm mạnh yếu của bản thân, trễ một năm so với chúng bạn để nhận ra sự gắn kết của chương trình đào tạo và cái tinh hoa mà các thầy đã gửi gắm…
23 tuổi. Em – người thứ ba đã xuất hiện trong cuộc đời tôi, người đã giúp đỡ và cổ vũ tôi rất nhiều. Cảm ơn em rất nhiều, người con gái tôi yêu.
Tuổi 24 và đồ án tốt nghiệp. Tôi đã làm ra một cánh tay robot truyền động bằng xylanh, điều kiển bằng PLC. Tuy đơn giản thôi nhưng với tôi nó rất ý nghĩa. Tôi đã ăn ngủ cùng đồ án suốt 6 tháng. 6 tháng mày mò, thử nghiệm, hết cái sai này đến cái sai khác, có những lúc tưởng chừng gục ngã nhưng tôi không bỏ cuộc. Với sự chỉ bảo của người đàn anh và sự cổ vũ của các đàn em cùng làm tại xưởng, tôi đã hoàn thành đứa con của mình. Ngày mà tôi nhấn nút start, khoảnh khắc cánh tay hoạt động tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng. Tôi rất tự hào về đứa con tinh thần của tôi.
Và cơ duyên giữa tôi, cánh tay robot và trường Kaizen bắt đầu.
Một lần tham vấn ý kiến của người bạn đã ra trường, tôi biết đến Kaizen vì bạn tôi đã đi Nhật theo diện kỹ sư từ trường. Càng tìm hiểu, tôi càng kết nối mình vào được ý nghĩa mà ngôi trường hướng đến và tôi quyết định: Tôi – Kaizen – Cánh tay robot phải là một tập hợp mang một ý nghĩa to lớn với cuộc đời tôi.
25 tuổi. Tôi đang ở Kaizen và đang thực hiện con đường mình hướng đến. Tôi đã được gặp thầy Hiệu trưởng, đã hiểu được con đường mà thầy trải qua và đã tìm ra lối đi cho mình.
Khi tôi 26,27,28,29,30… Nhật Bản sẽ tôi luyện tôi. Sẽ đấm vào mặt tôi những bài học xương máu, đấm thật mạnh, thật khắc nghiệt để nếu tôi gục ngã, ok fine, tôi là người bị đào thải khỏi thế giới này. Nhưng nếu tôi đứng vững trước những bài học của người Nhật thì kinh nghiệm của họ sẽ là của tôi, tác phong lao động của họ sẽ là của tôi, tiếng nói của họ sẽ là của tôi và tôi sẽ là người mang nhịp cầu nối. Tôi của 30 sẽ biết bản thân mình mong mỏi điều gì. Tiền ư? Cần đấy nhưng 20 năm nữa tôi sẽ không thiếu. Kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng trong ngành cánh tay robot mới là cái tôi mong mỏi. Tôi muốn thực hiện hàng trăm hàng ngàn đứa con tinh thần. 10 năm, 15 năm ở Nhật tôi sẽ học nhiều hơn nữa về robot, về ngôn ngữ lập trình, thiết kế, tôi còn phải học thái độ và tinh thần làm việc của người Nhật nữa…
40. Tôi muốn trở thành ông chủ một doanh nghiệp cánh tay robot ứng dụng cho công nghiệp ô tô, cơ khí, điện lạnh mang tên Vidrobotic. Vidrobotic là sự kết hợp của những lao động trẻ tuổi, giỏi giang người Việt trong lĩnh vực robot để tạo nên “Vietnam-dream-robotic” made in Vietnam tech by Japan.
P/s: Và tôi sẽ cưới em – Người con gái tôi yêu vào năm 30 tuổi. Bảy năm yêu nhau là đủ, tôi đã để em chờ đợi đủ rồi. Cùng thực hiện ước mơ em nhé!
(Nguyễn Châu Quốc Bảo – Kỹ sư Tự động hóa, học viên lớp KS14).