13/03/2012
4730
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Phan Đình Anh Khoa - Người Việt nổi tiếng tại Nhật

Asahi Shimbun và Nihon Keizai Shimbun - những tờ báo hàng đầu ở Nhật từng đăng những bài viết về Phan Đình Anh Khoa và bộ phim tài liệu dài 45 phút của anh với tiêu đề Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu.

Trước đó, năm 2004, khi đang là sinh viên trường Đại học Seika (Kyoto), Anh Khoa còn được báo chí Nhật Bản giới thiệu là người nước ngoài đầu tiên đoạt giải Ưu tú của Giải thưởng thiết kế quảng cáo Mainichi (Mainichi Advertisng Design Awards). Trong suốt lịch sử 71 năm của giải thưởng này, lần đầu tiên một người nước ngoài được vinh danh.

Năm 1999, khi đang học năm 2 khoa Tài chính doanh nghiệp (Đại học Kinh tế TP.HCM) và khoa Mỹ thuật công nghiệp (Đại học Kiến trúc), Anh Khoa quyết định sang Nhật du học. Lý do rất đơn giản: anh mê thiết kế, và tin rằng sẽ chẳng có nơi nào học thiết kế tốt hơn là Nhật Bản – nơi nổi tiếng với những sản phẩm độc đáo hàng đầu thế giới. 20 tuổi, Khoa tự tin xòe hai bàn tay trắng và nói bố mẹ hãy yên tâm, vì anh đã đến tuổi “thành nhân”. Du học tự túc, dù nhận được học bổng hỗ trợ học phí của Đại học Seika (Kyoto), nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở đất nước mặt trời mọc khiến Khoa phải làm đủ mọi nghề, từ bồi bàn, làm người mẫu nude, bán cá ở chợ, đến phiên dịch... để có tiền trang trải cuộc sống.

Dù vậy, Khoa xác định phải học giỏi để đạt học bổng. Với Khoa, năm 2004, sau 5 năm đến Nhật, là một năm đặc biệt, khi cùng một lúc, anh nhận được 3 tin vui:

-       Đoạt Giải thưởng thiết kế quảng cáo Mainichi

-      Đoạt học bổng (tài trợ toàn bộ học phí và cấp lương hằng tháng trong suốt thời gian đi học) của Chính phủ Nhật

-       Trúng tuyển vào làm tại Công ty quảng cáo Hakuhodo.

Khoa dí dỏm: “Đó là kết quả của những ngày tháng gồng mình vừa học vừa làm, áp lực, căng thẳng đến rụng cả tóc, hói cả trán”.

Khi không còn phải lo lắng đến tiền học phí, tiền sinh hoạt, Khoa quyết định theo học thạc sĩ tại Đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo. Kết quả của 6 tháng miệt mài ôn thi là Khoa trở thành người Việt Nam đầu tiên vào học thạc sĩ tại đây. Chính thời gian này đã đưa Khoa đến mối nhân duyên cùng những câu chuyện lịch sử về Phan Bội Châu, để anh dành ra 2 năm, mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, và cho ra đời bộ phim tài liệu Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu gây xúc động lòng người.

Trong văn phòng Công ty quảng cáo KAD do Khoa và những người bạn có cùng tên bắt đầu từ chữ K thành lập tại TP.HCM, Khoa kể lại chuyện ước mơ ngày cũ và công việc của mình. Làm nghệ thuật vẫn là sở thích, là đam mê trong trái tim chàng trai trẻ có vẻ ngoài già hơn nhiều so với tuổi 30 của mình. Vẻ ngoài lanh lẹ, nhưng Khoa tự nhận mình là người sống chậm, phải thai nghén thật lâu trước bất kỳ công việc nào. Có thể kiểm chứng điều ấy qua những tác phẩm của Khoa, khi 4 năm ôm ấp một tác phẩm, và tác phẩm ấy mang lại cho anh giải thưởng thiết kế quảng cáo. Sau đó, bộ phim tài liệu Hai nước Nhật trong cái nhìn của Phan Bội Châu cũng theo anh suốt 2 năm trời.

Khoa tâm sự: “Làm nghệ thuật là sở thích cá nhân, phải có cảm xúc mới ra ý tưởng, và phải đủ kinh nghiệm thẩm thấu thì ý tưởng mới thành hình. Còn công việc ngày nào cũng làm của mình là quảng cáo”. Từng theo học chuyên ngành thiết kế giao diện hình ảnh (Visual communication design) ở Seika, với Khoa, designer phải là một nghệ sĩ có cái đầu doanh nhân. Nghĩa là tác phẩm của họ trước tiên phải có tính ứng dụng cao, sau đó mới đến yếu tố đẹp. Khoa định vị KAD là công ty quảng cáo chuyên về planning (lập kế hoạch) và creative (sáng tạo). Và kế hoạch của KAD, trước hết, phải mang tính hiệu quả, giúp khách hàng bán được hàng.

Khoa từng thành công khi thay đổi mẫu bao bì cho sản phẩm bột ngọt Ajinomoto, hay tạo được dấu ấn mạnh mẽ cho Toyota trong Motorshow 2008... Khoa khoe KAD có rất ít nhân viên, nhưng mỗi người đều được đào tạo theo hướng cùng nhau lên ý tưởng, cùng nhau phân công các công việc. Mục tiêu của chàng trai trẻ này là ổn định công ty quảng cáo và dành thời gian để theo đuổi sở thích nghệ thuật của riêng mình.

Nguồn Báo Thanh niên

scroll top