28/06/2016
3149
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Đường đến Harvard của con gái người quét dọn trường

Mẹ làm lao công trong trường học, bố là thợ làm biển quảng cáo nhưng nhưng cô gái 19 tuổi làm nên kỳ tích.

Mẹ làm lao công trong trường học, bố là thợ làm biển quảng cáo cho các cửa hàng, không tiềm lực kinh tế, không người hỗ trợ… nhưng cô gái 19 tuổi Trần Thị Diệu Liên, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) đã làm nên kỳ tích: Trở thành sinh viên Trường ĐH Harvard (Mỹ) danh giá với học bổng toàn phần trị giá 302.920 USD cho 4 năm học.

Tháng 8 tới đây, Liên sẽ sang Mỹ nhập trường ĐH Harvard, tuy nhiên Liên cho biết, việc học tập và tham gia các hoạt động xã hội của em ở trong nước vẫn tiếp tục duy trì. Hiện, Liên đang dạy học từ thiện cho cơ sở mái ấm nuôi trẻ mồ côi.

Sinh ra trong gia đình không có điều kiện nên khi hay tin Liên trúng tuyển Harvard, ba mẹ em rất mừng nhưng cũng khá lo lắng. Chỉ khi biết Liên được học bổng toàn phần, hỗ trợ tất cả chi phí ăn, nghỉ, sinh hoạt và đi lại… sự lo lắng mới vơi bớt. “Ba mẹ em thậm chí không biết tiếng Anh, cũng không biết điểm SAT tối đa là bao nhiêu, điểm em vừa đạt được ở vị trí nào? Tuy vậy, em vẫn thấy rất may mắn vì chưa bao giờ ba mẹ tạo sức ép học hành cho em, chưa bao giờ bắt em phải đạt được cái này hay cái khác. Ba mẹ luôn tôn trọng quyết định của em và đứng đằng sau cổ vũ em”, Liên tâm sự và cho biết, bản thân chưa bao giờ cảm thấy tự ti vì xuất thân gia đình hay công việc của ba mẹ. “Bằng chính những giọt mồ hôi, sự vất vả khổ cực với công việc của mình, ba mẹ đã cho chị em em được học ở ngôi trường tốt nhất và quan trọng là được sống với đam mê và ước mơ của mình”, Liên nói.

Ước mơ du học đã được cô bé Liên “nuôi” từ khi còn là học sinh của Trường THCS Trần Đại Nghĩa. Ngoài việc cố gắng học tập, Liên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm bản thân và đặc biệt là sở thích say mê nghiên cứu khoa học. Liên cho biết, ngoài giờ học em thường mày mò tìm kiếm những vật liệu bỏ đi từ các hàng ve chai rồi kỳ cục chế tạo thành các vật dụng hữu ích: “Trong 1 lần đến thăm mái ấm của trẻ khiếm thị, em đã ấp ủ suy nghĩ, làm thế nào để truyền tải nội dung trong sách cho những đối tượng không thể tiếp cận thông tin qua thị giác”. Ngay sau đó “Bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị” của em đã ra đời và dành giải Tư Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel IS EF) từ chính những “đống đồng nát” mà em hay lôi về nhà.

Để bước chân được vào một trong những trường ĐH danh tiếng nhất thế giới, Liên cũng đã phải “nếm mùi” thất bại khá nhiều lần: “Đó là lần đầu tiên em thử thi học bổng A*Star của Chính phủ Singapore và thất bại ở vòng phỏng vấn, lần thứ 2 là lần xin học bổng đầu năm lớp 12 cũng đã nộp đơn du học Mỹ nhưng kết quả cũng không được như mong muốn do điểm SAT chưa cao. Tuy nhiên, ước mơ không vì thế mà dừng lại”, Liên nói.

Liên chia sẻ, lý do đầu tiên em chọn Harvard để nộp hồ sơ vì đây là trường không quan tâm tài chính của thí sinh nộp đơn mà chỉ quan tâm đến thực lực của họ thôi. Với số điểm SAT “khủng” 2.200 (điểm tối đa là 2.400) và một bài luận ấn tượng, Liên đã thuyết phục được trường ĐH “khó tính” nhất thế giới nhận mình vào học với 1 học bổng ấn tượng.>

Chia sẻ về việc viết bài luận, Liên cho biết, em không theo bất kỳ một công thức nào. Tất cả những điều được em chia sẻ trong bài luận của mình đều là những gì mà em nghĩ và đã làm trong suốt những năm qua: “Bạn có thể thể hiện mình là một người khác trong bộ hồ sơ, nhưng suốt những năm học sau bạn không thể sống bằng lý thuyết ấy được. Có lẽ, trong hàng ngàn bộ hồ sơ đánh bóng bản thân gửi đến Harvard thì sự chân thật trong bộ hồ sơ của mình đã để lại ấn tượng cho trường”, Liên nói và tiết lộ, ngoài Harvard em cũng nhận được giấy mời học của một số trường danh tiếng khác của Mỹ.

Theo CafeBiz

scroll top