17/03/2015
3058
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Gặp gỡ nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới

Với ý tưởng về xét nghiệm chuẩn đoán máu, Elizabeth Holmes, cô sinh viên 19 tuổi của trường đại học danh tiếng Stanford đã tự mình thành lập công ty và chỉ trong 10 năm cô đã trở thành nữ tỷ phú trẻ nhất trong danh sách của Forbes và ý tưởng của cô khiến thay đổi cả ngành y tế toàn cầu.

Bỏ học để theo đuổi ý tưởng của mình

Vào mùa thu năm 2003, cô sinh viên năm thứ hai của đại học Standford, Elizabeth Holmes đã có một quyết định táo bạo khi quyết định thôi học và sử dụng tiền  học phí của mình để thành lập công ty về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Holmes nhận thấy rằng xét nghiệm máu là một xét nghiệm khó khăn và đắt đỏ; còn cách thức xét nghiệm thì không hề thay đổi từ những năm 1960 đến giờ.

Các xét nghiệm được thực hiện ở bệnh viện hoặc phòng khám của các bác sỹ và thường nếu sử dụng phương pháp truyền thống phải mất hàng tuần mới có được kết quả, cộng với các sai sót có thể do con người gây ra. Đấy là còn chưa nhắc đến nỗi sợ của người phải xét nghiệm máu khi nhìn thấy cây kim đâm vào người mình và họ sẽ tìm cách để tránh phải làm việc này.

Holmes sau đó đã dành cả mùa hè để làm việc trong phòng thí nghiệm Genome ở Singapore. Trở về Palo Alto, cô đã gửi cho giáo sư y học Robertson ở trường của mình về công trình suốt mùa hè của cô. Cô đã phát minh ra một thiết bị có thể đeo được, và ngoài tác dụng như là thuốc ra, nó sẽ đo lường sự thay đổi trong máu của bệnh nhân để xem việc điều trị có đạt kết quả như mong muốn không từ đó có thể điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

Giáo sư Robertson cho biết: "Tôi nhớ cô ấy nói với tôi rằng giờ đây chúng ta có thể cài một con chip di động vào và nó sẽ giúp bác sỹ cũng như bệnh nhân biết được điều gì đang thực sự diễn ra bên trong cơ thể bệnh nhân. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này 30 năm, và chúng tôi tạo ra tất cả các thiết bị đo lường cũng như những hệ thống cung cấp thế nhưng chưa bao giờ đem kết hợp lại được với nhau.” Và giáo sư Robertson đã biết cô học trò của mình có thể làm nên điều khác biệt, tuy ông vẫn ngần ngại về việc cô bỏ học để lập công ty. Nhưng Holmes tin tưởng rằng phát minh của cô chính là một cuộc cách mạng hóa cho việc chăm sóc sức khỏe của con người và quyết tâm đi theo bản năng của mình.

Theranos có thể cho ra 70 xét nghiệm chỉ với lượng mẫu máu nhỏ như thế này

Công ty của Holmes mang tên Theranos cung cấp phương thức xét nghiệm máu tiên tiến hơn hẳn so với phương thức xét nghiệm truyền thống. Các xét nghiệm giờ đây có thể tiến hành mà không cần đến gặp bác sỹ, giúp tiết kiệm cả tiền và thời gian. Kết quả xét nghiệm được đưa ra trong vòng 4 giờ.

Với phương thức truyền thống, một mẫu máu chỉ được dùng cho 1 xét nghiệm, có nghĩa là nếu bạn làm nhiều loại xét nghiệm thì bạn phải lấy một lượng máu lớn, trong khi đó Theranos chỉ cần một lượng máu nhỏ và sử dụng cho hàng tá các xét nghiệm khác nhau. Giá cả của xét nghiệm máu Theranos còn rẻ hơn 50% so với thông thường, và Holmes cho biết nếu tất cả các xét nghiệm đều sử dụng Theranos thì thế giới có thể tiết kiệm 202 tỷ USD trong thập kỷ tới. Ví dụ như chi phí cho một xét nghiệm về khả năng sinh sản Theranos là 35$ so với mức giá thông thường có thể lên tới 2.000 USD.

Thành công không đợi tuổi

Theranos ngày nay cung cấp gần 10 tỷ xét nghiệm mỗi năm và được ước tính cung cấp cơ sở dữ liệu cho khoảng 70% các quyết định của bác sỹ. Medicare và Medicaid mỗi tổ chức chi trả khoảng 10 tỷ USD hàng năm cho các xét nghiệm này. Theranos được cấp chứng nhận để hoạt động ở hầu hết các tiểu bang của Mỹ. Theranos hiện đang cung cấp hơn 200 xét nghiệm, và tiến đến 1000 xét nghiệm về máu khác nhau.

Phòng thí nghiệm Theranos

Elizabeth Holmes có tầm nhìn rõ ràng, cô biết mục tiêu và định hướng của mình. Trong suốt 10 năm qua, cô luôn kiên nhẫn để kêu gọi vốn cũng như tập trung tối ưu hóa công nghệ của mình. Và cho dù rất cần tiền cho việc nghiên cứu, cô đã từng từ chối nhiều lời đề nghị rót vốn bởi các nhà đầu tư thường muốn nhanh chóng thu lợi. Các nhà đầu tư danh tiếng đã rót tiền cho Holmes phải kể đến Larry Ellison, Don Lucas, công ty ATA Ventures,… Cô đã thu hút được 400 triệu vốn đầu tư và cho đến nay công ty đã nắm lại được quyền kiếm soát 50% số cổ phiếu của mình. Công ty Theranos của Holmes hiện có 500 nhân viên và được định giá hơn 9 tỷ USD. Holmes cũng đã trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất trong danh sách Forbes 400, với tài sản ròng ước tính 4,5 tỷ USD. Ban giám đốc hiện tại của công ty cô chỉ toàn nam giới. Nhưng cô cho rằng bản thân mình hoàn toàn có đủ tư cách để làm chủ tịch.

Elizabeth Holmes thường xuất hiện trong trang phục màu đen như Steve Jobs và cô thường được ví là Mark Zuckerberg nữ mà thung lũng Silicon từ lâu vẫn mong đợi. Cô bắt đầu sự nghiệp khi còn rất trẻ, bỏ dở việc học từ một trường đại học danh tiếng và xây dựng một công nghệ vĩ đại, mang đến điều tốt đẹp hơn cho thế giới.

Khi tôi nhận ra đây là điều mà tôi muốn làm trong đời, mọi việc trở nên đơn giản hơn. Bởi khi bạn biết bạn được sinh ra để làm gì, thì hãy làm điều đó thôi.” Holmes nhẹ nhàng nói.

Tổng hợp

scroll top