25/03/2014
3222
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Đứng trên đôi chân mạnh mẽ

Lại Văn Điệp là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tuyên dương ngày 22-3 tại Văn phòng Chính phủ.


Lại Văn Điệp (giữa) trong buổi trao giải Gương mặt trẻ tiêu biểu 2013 - Ảnh: Kiều Linh

Không có cuộc sống êm đềm nhưng Lại Văn Điệp (34 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật, xã Vũ Ninh, Kiến Xương, Thái Bình) lại tự làm tròn hạnh phúc bằng cách theo đuổi tận cùng công việc của mình.

Đứng trên đôi chân yếu ớt liên tục phải đổi tư thế cho đỡ mỏi, Điệp kể về bản thân. Từ lúc sinh ra đến chín tháng tuổi, Điệp vẫn là một đứa trẻ khỏe mạnh. Rồi chỉ sau một cơn sốt bại liệt, nhiều người thân đã khuyên gia đình bỏ Điệp đi cho đỡ vất vả. “Nhưng - Điệp hồ hởi - bằng một phép nhiệm mầu nào đó mà mấy năm sau tôi tự vận động được, tôi bò lê trên đôi chân queo quắt của mình. Tôi khao khát được đến lớp cùng các bạn. Năm 11 tuổi bố chở tôi đến trường. Tôi học giỏi”.

Điệp đi học bằng đôi chân của bố. Lớn lên một chút, Điệp nhận thức được không thể đi bằng đôi chân của bố cả đời: “Tôi muốn làm gì đó để nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình”. Điệp ngậm ngùi chia tay ước mơ vào giảng đường đại học, mơ làm thầy giáo mà tìm đến nghề thực tế hơn để nuôi sống mình: thợ mộc.

Trong suốt một năm trời ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân xã Vũ Ninh luôn thấy Điệp lê chân đến xưởng gỗ gần nhà học nghề. Điệp say sưa, tỉ mỉ đến từng chi tiết đục đẽo gỗ, chạm khắc... quần quật từ 7g-11g30, từ 12g30-19g, và từ 19g30-24g đêm. Có nhiều hôm thầy mệt quá đến mức phải... đuổi Điệp về để được nghỉ ngơi sớm.

“Có những khi ốm đau, thấy sức khỏe và sự vận động của mình cực kỳ khó khăn, tôi tính đến con đường rút lui. Nhưng lại nghĩ đến bố mẹ già sau này ai nuôi đã thôi thúc tôi phấn đấu. Người bình thường có thể mất sáu tháng để học nghề thì tôi phải mất một năm. Nhưng càng khó khăn lại càng thúc đẩy tôi cố gắng. Thậm chí tôi còn làm nhiều việc khó hơn cả người bình thường, chỉ mong được thầy tin tưởng giao việc cho” - Điệp nói.

Thành thạo nghề, vượt qua lời khuyên ngăn an phận của bố mẹ, Điệp một mình lang thang, khăn gói đi khắp các tỉnh xung quanh như Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định... xin vào các xưởng mộc để học hỏi, trau dồi kiến thức. Đến khi chắc tay nghề, Điệp về quê vay mượn bạn bè, người thân được 5 triệu đồng để mở xưởng.

“Thời gian đầu tôi tìm đến các cơ sở làm nghề lớn hơn, thuyết phục để họ tạo điều kiện cho tôi làm gia công. Đến tháng 2-2011, kinh tế vững chắc, có vốn trong tay tôi mua đất và thành lập công ty lấy tên là Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật với mục đích đào tạo nghề cho người khuyết tật. Hiện tại công ty đang tạo công việc cho 30 nhân viên, trong đó 16 người khuyết tật, thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng” - Điệp cho biết.

Theo Báo Tuổi Trẻ

scroll top