29/07/2013
9300
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Tu nghiệp sinh trở thành giám đốc

Ba năm lao động ở Nhật, Nguyễn Ngọc Trung đã không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề lẫn tiếng Nhật, từ đó tạo được uy tín khiến ông chủ không ngần ngại truyền hết nghề nghiệp cũng như kỹ năng quản lý cho Trung.


Giám đốc Nguyễn Ngọc Trung kiểm tra mẫu hàng trước khi xuất xưởng

Khi Trung về nước, ông chủ quyết định chuyển nhà máy của mình sang VN và giao Trung làm giám đốc điều hành nhà máy.

Kỹ sư đi Nhật lau máy

Tốt nghiệp khoa cơ khí chế tạo máy Trường đại học Sư phạm kỹ thuật năm 2002 với tấm bằng kỹ sư, Nguyễn Ngọc Trung (sinh năm 1979, Thanh Hóa) có thể kiếm cho mình một công việc ổn định tại TP.HCM. Nhưng Trung đã quyết định đăng ký đi lao động ở Nhật để nâng cao tay nghề, đồng thời kiếm thêm chút vốn khi về quê lập nghiệp.

Qua Công ty Esuhai, Trung được tư vấn mọi khả năng khi đến Nhật làm việc nên “từ mong muốn đi Nhật theo dạng kỹ sư, tôi phải chuyển xuống đăng ký đi diện lao động phổ thông” - Trung cho biết. Trúng tuyển đợt phỏng vấn tháng 2-2003, Trung được một nhà máy chế tạo công nghiệp phụ trợ (sản xuất các linh kiện chính xác của điện thoại di động, máy chụp hình kỹ thuật số, đồng hồ, xe hơi...) nhận qua Nhật làm việc.

Mọi bỡ ngỡ và lúng túng, thậm chí thất vọng, về kiến thức được học tại VN đã đến với Trung khi anh tiếp cận máy móc và quy trình sản xuất của nhà máy. “Hệ thống máy móc hiện đại của người Nhật đã biến tôi thành kẻ học việc từ đầu, tấm bằng kỹ sư của tôi cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh...” - Trung kể lại lần đầu vào nhà máy làm việc.

Sáu tháng đầu Trung chỉ được làm mỗi việc là... cầm giẻ lau máy hay những công việc lặt vặt. Kiên nhẫn và cần cù, sáu tháng tiếp theo Trung được ông chủ cất nhắc lên vị trí mài dao và làm quen hệ thống máy móc. Đến năm thứ hai, Trung được phép đứng máy điều khiển - một bước tiến quan trọng trong quy trình sản xuất, và anh bắt đầu được chủ nhà máy tin tưởng truyền nghề. “Hợp đồng làm việc chỉ có ba năm, vì vậy tôi ý thức rằng phải tận dụng mọi cơ hội và thời gian có được để học nghề một cách nhanh nhất mà hiệu quả nhất. Tôi xin ông chủ làm việc thêm không ăn lương trong hai ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật để làm quen với hệ thống máy móc hiện đại. Những ngày làm việc trong tuần, sau giờ tăng ca tôi nán thêm ba giờ để làm việc không nhận lương. Về phòng trọ, tôi mua thêm sách, tra từ điển và nghe tivi để trau dồi tiếng Nhật. Cả thời gian dài của năm làm việc thứ hai có hôm tôi chỉ nghỉ được 3-4 tiếng, còn lại miệt mài học hành cả tay nghề lẫn tiếng Nhật” - Trung kể lại.

Sự miệt mài, cần mẫn của Trung đã tạo được niềm tin nơi ông chủ. Mỗi ngày sau giờ làm việc, chủ nhà máy đã nhiệt tình ở lại thêm vài giờ để truyền nghề và kỹ năng cho Trung. Nhờ đó mà tay nghề và tiếng Nhật của Trung tiến bộ rất nhanh. Bước vào năm cuối của hợp đồng làm việc, Trung được ông chủ cho học làm quen với hệ thống thiết kế, tháo lắp và sửa chữa, vận hành máy móc. Đặc biệt, chủ nhà máy đã tin tưởng tuyệt đối khi giao quyền quản lý nhà máy cho Trung khi ông vắng mặt.

Giám đốc và 20% cổ phần

Ngày 10-2-2006 là ngày Trung kết thúc hợp đồng về nước sau ba năm làm việc tại Nhật. Trước đó, trong tiệc chia tay ông chủ đã gọi Trung vào phòng riêng và tiết lộ kế hoạch chuyển hết nhà máy sang VN hoạt động. Trong kế hoạch, Trung là một phần rất quan trọng trong bộ máy nhân sự của nhà máy nhưng ông chủ vẫn chưa hứa hẹn ở vị trí nào. Về nước, Trung được ông chủ giao trọng trách cùng với một tu nghiệp sinh về nước trước đó chọn mua đất ở Củ Chi, hoàn tất các thủ tục để chuyển hoạt động nhà máy qua VN càng sớm càng tốt.

Tháng 12-2007, nhà máy chính thức hoạt động với 20 máy và năm nhân sự ban đầu, lấy tên là Công ty liên doanh sản xuất linh kiện chính xác O.N.P. Người làm giám đốc ban đầu là một tu nghiệp sinh về nước trước Trung và làm việc đến năm 2009 thì nghỉ. Trung được ông chủ cất nhắc lên chức giám đốc sau khi đã chuyển thêm máy móc về VN, tuyển dụng thêm nhân sự hoạt động. Đến nay nhà máy đã hoạt động với 50 máy, 20 nhân viên, kỹ sư.

“Lúc nhà máy mới đi vào hoạt động, mình cũng chỉ được trả lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng như các công nhân khác. Đến nay với chức vụ giám đốc, mình được hưởng mức lương khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Công nhân và một số cán bộ thu nhập từ 3,5 -7,5 triệu đồng/tháng (bao ăn ở)” - Trung cho hay.

Anh Lê Long Sơn, giám đốc Esuhai (công ty đưa Trung qua Nhật), còn “bật mí” thêm: “Mức lương đúng là chưa cao với vị trí hiện tại của Trung, nhưng Trung đã được ông chủ tặng 20% cổ phần nhà máy, đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho sự tận tụy của Trung, cũng là cách ông chủ giữ chân cũng như tăng thêm trách nhiệm của Trung với nhà máy”. Sau tiết lộ của anh Sơn, Trung cũng không giấu thông tin khi cho biết mỗi năm từ 20% cổ phần, Trung thu nhập khoảng 1 tỉ đồng chưa kể lương. Tiền này Trung tiếp tục tái đầu tư vào nhà máy.

Theo Trung, cuối tháng 8-2013 nhà máy tại Nhật sẽ đóng cửa và mọi hệ thống máy móc sẽ chuyển giao hết cho nhà máy tại Củ Chi, Trung vẫn giữ vị trí giám đốc nhà máy, còn ông chủ giữ vị trí chủ tịch HĐQT.

Theo Báo Tuổi Trẻ

scroll top