02/07/2013
3362
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Từ anh thợ sửa xe đạp trở thành trưởng phòng cải tiến kỹ thuật một công ty Nhật Bản

Thuở nhỏ, cậu bé Thành đã có sở thích mày mò, tỉ mẩn sửa chữa các vật dụng trong nhà. Lớn lên một chút, Thành đã biết kiếm tiền ăn học bằng nghề sửa xe đạp ở đầu làng.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghề điện lạnh Vĩnh Tuy (Hà Nội) năm 1999, Thành xin vào làm công nhân Cty điện Stanley Việt Nam. Cần cù, chịu khó, ham mê học hỏi và không ngừng sáng tạo..., anh đã từng bước làm chủ công nghệ cùng với những cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Cty hàng tỉ đồng mỗi năm.

Người thanh niên ham học hỏi

Trịnh Quang Thành sinh năm 1979 trong một gia đình nhà nông quê Hòa Phú, Ứng Hòa, Hà Nội, là con thứ ba trong một gia đình có 4 anh chị em. Dù học khá và nếu cố gắng có thể thi đỗ vào các  trường đại học, nhưng Thành lại quyết tâm theo học Trường Trung cấp Điện lạnh với suy nghĩ rồi đây Cty, xí nghiệp sẽ thay thế dần nông nghiệp, những người thợ có tay nghề cao cũng sẽ có được một công việc phù hợp và thu nhập chẳng hề thua kém cử nhân đại học. Quyết định của Thành khiến bạn bè cho là “đầu óc có vấn đề”, nhiều người còn khuyên cứ thi đại học, sau vài năm không đỗ thì vẫn có thể theo học nghề cũng chưa muộn.

Không hề lung lay ý định, năm 1997 theo học, năm 1999 Thành ra trường với kết quả cao và xin vào làm công nhân Cty điện Stanley Việt Nam, 100% vốn Nhật Bản- có trụ sở đóng tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Buổi ban đầu bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, lại làm việc trên những máy móc tân tiến, Thành càng cố gắng nhiều hơn. “Điều hạnh phúc nhất của tôi là được làm việc với những người quản lý Nhật Bản bởi họ rất nhiệt tình hướng dẫn, cái gì mình biết thì họ chỉ bảo thêm, cái gì không biết thì họ chỉ bảo cho đến khi nắm được, chứ họ không giấu nghề”- anh chia sẻ.

Thành công từ đam mê công việc

Thời điểm đó, những người thợ trong phân xưởng luôn thấy người thợ trẻ Trịnh Quang Thành miệt mài với công việc. Dù hết giờ nhưng anh vẫn chăm chú làm cho bằng xong những công việc còn dang dở, có ngày 9-10 giờ tối anh mới rời Cty, khiến đôi khi những người bảo vệ phải “nhắc nhở” anh thực hiện đúng nội quy giờ làm việc. Cần cù, chịu khó, ham mê học hỏi, không ngừng sáng tạo..., những tố chất ấy đã hun đúc nên hình ảnh người thợ trẻ năng động luôn say mê và hết lòng với công việc.

Không những vậy, anh luôn đăng ký các buổi học nâng cao trình độ nghiệp vụ, làm chủ máy móc do Cty tổ chức. Anh cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của Cty như “Năng suất, chất lượng, an toàn, tiến bộ và hiệu quả”, “Tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm...”. Lần nào anh cũng có tên trong danh sách công nhân giỏi có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực.

Thành khiêm tốn khi nói về những thành công của mình: “Những sáng kiến thành công không chỉ của riêng mình tôi mà có sự ủng hộ, giúp đỡ hết mình của đồng nghiệp và tập thể Cty. Còn cá nhân mình đơn giản chỉ là một người ráp nối những sáng tạo của mọi người lại để có kết quả cao hơn”. Anh đã có hàng trăm sáng kiến cải tiến, nhưng nổi bật hơn cả là mô hình giảm hàng tồn trong kho đã góp phần giảm chi phí kho bãi, trông coi gắn kết chặt chẽ giữa các công nhân trong dây chuyền sản xuất.

Sau đó, anh tiếp tục có sáng kiến trong việc sử dụng nguyên liệu keo dính giữa pha và bề mặt đèn xe phải nhập khẩu đắt, trong khi hàng ngày lượng keo dư thừa sau sản xuất phải thải bỏ, mất công đi hủy. Sau nhiều ngày trăn trở, cuối cùng Thành cải tiến một khay chứa không bị bụi bám vào, từ đó có thể tái sử dụng toàn bộ keo thải bỏ. Sáng kiến này tiết kiệm cho Cty 700 triệu đồng mỗi năm. Thành công nối tiếp thành công, anh đã được bổ nhiệm làm Trưởng phòng lắp ráp rồi Trưởng phòng cải tiến kỹ thuật. Anh còn được các đồng nghiệp tin tưởng bầu làm Ủy viên BCH Công đoàn Cty.

Trịnh Quang Thành đã lập gia đình năm 2006, vợ anh làm kế toán. Hai vợ chồng có hai cô con gái kháu khỉnh, cháu đầu Trịnh Phương Tú 7 tuổi, cháu thứ 2 Trịnh Phương Nga mới lên 2. Do chịu khó, tiết kiệm lại biết bảo ban nhau làm ăn nên hai vợ chồng đã tự mua được đất, xây nhà khang trang ở thôn Kim Sơn ngay trong xã Dương Xá (Gia Lâm). Từ nhà đến công ty chỉ chưa đầy cây số nên rất thuận tiện. Khi hỏi về thu nhập của hai vợ chồng, anh nhẩm tính rồi nói: “Cũng không nhiều, chỉ từ 18-20 triệu đồng mỗi tháng, sau khi trừ các khoản chi phí thì cuộc sống gia đình mình cũng tạm ổn”.

Một công việc yêu thích, ổn định, thu nhập khá và một mái ấm gia đình hạnh phúc, anh hiểu những điều đó không tự dưng mà có. Anh thẳng thắn góp ý: “Nhiều bạn trẻ hiện nay không thực sự say mê, hết lòng vì công việc. Luôn có tư tưởng làm cho hết giờ và nhất là có những bạn “đứng núi này trông núi nọ”, sau khi nghỉ rồi thấy tiếc lại quay lại làm. Đã xác định làm công nhân thì phải coi công việc ấy gắn với cả cuộc đời mình. Phải biết yêu lao động, biết yêu cuộc sống và chính ngành nghề mình đang làm thì mới có được thành công”.

Thành cũng chia sẻ kinh nghiệm chọn nghề của mình: “Nhiều bạn trẻ khi đi học có khi chỉ chạy theo phong trào mà không biết mình học ra sẽ làm gì, nên việc các bạn ấy phải làm công nhân sau 4-5 ăn học cũng là chuyện bình thường. Nước ta đang “thừa thầy, thiếu thợ”, đặc biệt là những người thợ có tay nghề cao. Thế nhưng một số gia đình phải hy sinh cho con cái học tập, đi vay mượn khiến kinh tế kiệt quệ, bố mẹ phải nhịn ăn nhịn mặc mà con ra trường vẫn phải xếp hàng dài chờ việc. Vì vậy, trước khi quyết định công việc cả cuộc đời, các bạn trẻ phải sáng suốt lựa chọn cho mình một con đường thì mới mong có thành công”.

Với những thành công trong công việc, ba năm liền Thành được nhận giải lao động giỏi, sáng kiến của thành phố. Vào ngày 17.5.2013, anh đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý Nguyễn Đức Cảnh lần thứ II của Tổng LĐLĐVN.

Theo Báo Lao Động

scroll top