16/11/2020
8189
0
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức - Thông báo
Nghề giáo - Nghề cao quý!

Đối với mỗi người Việt Nam, nếu có ai đó hỏi về một ngày đặc biệt của tháng 11 thì có lẽ câu trả lời mà gần như tất cả đều lựa chọn sẽ là ngày 20/11. Chỉ như vậy thôi đã có thể thấy sự trân trọng và vinh quang của xã hội dành cho Nghề giáo, cho người Thầy, người Cô lớn lao thế nào!

Sự tôn vinh và tri ân đó không chỉ khẳng định giá trị của nghề giáo trong xã hội mà còn là dịp để xã hội tri ân những người đã và đang gắn bó với sự nghiệp “trồng người” - một nghề đặc biệt cao quý, vinh quang nhưng đầy trọng trách.

Trong xã hội của chúng ta, có hàng trăm ngành nghề đang được vận hành và ngành nghề nào cũng có những vị thế và giá trị nhất định. Bởi tựu trung tất cả đều sẽ tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần phục vụ cho lợi ích của con người, của xã hội và giúp cho cuộc sống ngày càng thuận lợi hơn, phát triển hơn.

Song, khi so với các nghề khác thì nghề dạy học vẫn luôn giữ vị thế đặc biệt quan trọng và được xem là nghề tạo ra những nghề khác trong xã hội. Bởi đây chính là nghề đào tạo con người - tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia, mỗi xã hội. Bởi, dù chúng ta là ai, đang làm công việc gì thì chúng ta cũng đều phải từng ngồi trên ghế nhà trường, từng nhận được sự truyền đạt, dạy dỗ của các thầy cô giáo. Trong những ngày tháng ấy và cả trên bước đường cuộc sống về sau thì những kiến thức, những hướng dẫn, những định hướng hay những ân cần, trao gửi niềm tin ấy vẫn sẽ là hành tranh giúp bước đường ta đi thêm mạnh mẽ, vững tin và thành công hơn.

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Nếu sản phẩm của anh thợ may là một chiếc áo, sản phẩm của anh thợ mộc là một chiếc bàn hay sản phẩm của anh thợ xây là một căn nhà… thì sản phẩm của người thầy chính là nhân cách, là trí tuệ, là tâm hồn của một con người. Và là một con người có ý thức, có tri thức, có kỹ năng, có sự tự chủ, sáng tạo, bắt nhịp với thời đại và trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, không thể so sánh sản phẩm làm ra của người thầy với bất kỳ sản phẩm nào trong xã hội.

Nhưng, để có thể tạo ra một sản phẩm hội tụ “TÂM - TÀI - TẦM” như trên thì trọng trách của một người thầy so với các nghề khác cũng là vô cùng lớn.

Nếu công cụ hành nghề của anh tài xế là một chiếc xe, của anh thợ cắt tóc là một cây kéo hay của anh kiến trúc sư là hộp bút tờ giấy… thì công cụ lao động của nghề dạy học chủ yếu là bằng chính bản thân và toàn bộ nhân cách, trí tuệ của người thầy. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho một người dạy học là phải có một cái tâm trong sáng, một tâm hồn đẹp, trí tuệ giỏi và khả năng xử thế tốt… để tạo dựng nên những con người khỏe, có tài và có nhân cách.

Nếu những ngành nghề khác khi xảy ra lỗi kỹ thuật hay sản phẩm tạo ra có vấn đề thì có thể vẫn cho phép và vẫn có thể sửa chữa. Nhưng sản phẩm của nghề giáo thì rất khó được tha thứ. Chính vì vậy, lao động của người thầy đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học. Trách nhiệm của người thầy đối với sự nghiệp “trồng người” là vô cùng lớn lao!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Và “Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông, giáo dục một người đàn bà được cả một gia đình và giáo dục một người Thầy được cả một xã hội” (theo nhà thơ Ấn Độ Tago).

Nói như vậy để chúng ta thấy, dù ở thời nào cũng vậy, nghề dạy học luôn được coi trọng nhất. Đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay thì vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển của đất nước.

Cuộc sống càng phát triển, thế hệ trẻ càng có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận với thế giới bên ngoài và du nhập những giá trị mới theo nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này có thể khiến một số yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa bị mai một, bị hòa tan. Vì vậy, người thầy hiện nay không chỉ truyền đạt tri thức mà còn góp vai trò quan trọng trong việc cùng với gia đình, xã hội giáo dục thế hệ trẻ về nhân cách, về lẽ sống, về văn hóa bản sắc, về lòng tự hào dân tộc, biết yêu thương, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Song song đó, người thầy cũng phải là người luôn luôn cập nhật những cái mới, cái hay cái đẹp, những điều có giá trị thực tiễn và ý nghĩa tích cực từ cuộc sống thế giới bên ngoài để chia sẻ và hướng dẫn cho các học sinh của mình. Để các em không bị lạc hậu, không bị lạc trôi, không bị đào thải mà thay vào đó là có thể tự tin khi bước ra thế giới và ghi dấu ấn một người Việt trẻ trên bản đồ thế giới.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Có ai đó đã nói, nghề dạy học giống như việc chèo đò đưa khách sang sông. Lặng lẽ mỗi ngày dù mưa hay nắng, người thầy vẫn cần mẫn chở hết lớp học trò này đến lớp học trò khác cập bến đỗ vinh quang. Mỗi chuyến đò chở theo biết bao tri thức và tình cảm, đong đầy tâm huyết và công sức của các thầy, cô. Để làm sao mỗi học trò có thể vững vàng kiến thức, đủ đầy kỹ năng, trọn vẹn yêu thương, sống có ước mơ hoài bão và thực hiện mục tiêu đến cùng.

Tại KaizenYoshidaSchool, mỗi năm có hơn 2.000 học viên được các thầy cô giáo “lái đò” chở sang Nhật Bản để bắt đầu hành trình làm việc, học tập và tích lũy cho tương lai. Và mỗi năm, các thầy cô lại chào đón hơn 1.000 em trở về để bắt đầu xây dựng cuộc sống mới, công việc mới, nghề nghiệp mới tại Việt Nam sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo thực tế tại Nhật Bản.

Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ, trưởng thành và những kết quả tốt đẹp mà các bạn học viên có được sau thời gian làm việc tại Nhật Bản trở về có lẽ chính là niềm hạnh phúc và niềm tự hào lớn của các thầy cô KaizenYoshidaSchool. Đó cũng chính là niềm tin, là động lực để các thầy cô gắn bó với nghề và mỗi ngày lại tiếp tục nỗ lực, tiếp tục cố gắng, tiếp tục dấn thân hết mình cho sự nghiệp trồng người ý nghĩa.

Tháng 11 về, khắp nơi trên dải đất hình chữ S đang tràn ngập không khí tưng bừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đây không chỉ là dịp để cả xã hội tôn vinh nghề dạy học và tôn vinh các thầy giáo, cô giáo - những người đảm nhận sứ mệnh vẻ vang “trồng người” mà còn là dịp nhắc nhớ người thầy về vị trí xứng đáng của mình. Từ đó, mỗi thầy, cô giáo trong thời đại mới càng phải nỗ lực tự hoàn thiện mình, đáp ứng sự tin yêu, kỳ vọng của các thế hệ học trò và toàn xã hội. Để hình ảnh:

“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa
Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy
Để em đến bên bờ ước mơ
Rồi năm tháng sông dài gió mưa
Cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa...”
(Người Thầy - Nguyễn Nhất Huy)

, luôn tồn tại trong tâm khảm mỗi học trò.

Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm Ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20-11, Esuhai - KaizenYoshidaSchool xin trân trọng gửi lời chúc đến những thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác giáo dục trên cả nước luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và giữ vững nhiệt huyết, thủy chung với sự nghiệp “trồng người”.

tin cùng chuyên mục
scroll top