17/06/2020
5675
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Vui học Nhật Ngữ
[Lịch sự như người Nhật] Có đến 8 cách để người Nhật nói một lời xin lỗi

Bạn có biết, trong tiếng Nhật có rất nhiều cách để nói xin lỗi theo từng cấp độ và được áp dụng trong những tình huống nhất định, với những ý nghĩa nhất định?

Vậy thì ngày hôm nay, hãy cùng KaizenYoshidaSchool tìm hiểu về những cách mà người Nhật nói một lời xin lỗi khi họ cảm thấy mình đã sai hoặc đã làm phiền đến người khác nhé!

1. Sumanai

Đây được xem là một phiên bản giản dị của “sumimasen”, và chủ yếu được sử dụng bởi những người đàn ông trung niên. Bạn có thể nghe thấy từ này giữa những người bạn nam khi họ mắc một lỗi nhỏ (chẳng hạn như giẫm lên ngón chân của ai đó).

2. Sumimasen

Nếu bạn học tiếng Nhật hoặc từng đến Nhật, bạn sẽ nghe thấy cách xin lỗi này khá thường xuyên bởi sumimasen là cách nói phổ biến nhất của xin lỗi với người Nhật. Nó có nghĩa giống với “excuse me” nhất so với những cách xin lỗi khác. Bạn sẽ nghe thấy từ này trong các nhà hàng, nơi công cộng, trên tàu xe hay khi một ai đó muốn gọi bạn… Cả đàn ông và phụ nữ đều sử dụng sumimasen để xin lỗi khi mắc những lỗi nhỏ.

3. Gomen

“Gomen” chỉ được dùng để xin lỗi chứ không hề có nghĩa “excuse me”. Gomen có thể được dùng cho cả hai giới, nhưng nó thường được sử dụng giữa bạn bè thân thiết, người trong gia đình, giữa người lớn tuổi hoặc cấp trên nói với người nhỏ tuổi hơn hoặc cấp thấp hơn.

4. Gomen ne

“Ne” là một phụ từ được đặt ở cuối câu khi người nói muốn đối phương khẳng định hoặc đồng tình. Khi nói “gomen ne” nghĩa là bạn đang xin lỗi và tha thiết mong đối phương tha lỗi, lỗi này thường nhỏ nhặt và có thể dễ bỏ qua. Thậm chí, nó có thể sử dụng khi muốn nói “Xin lỗi, tôi đoảng quá!” khi bạn muốn được tha lỗi và được đối phương giúp đỡ.
Cũng giống như gomen, gomen ne chỉ có thể được dùng với người thân thuộc hoặc với cấp dưới, người nhỏ tuổi hơn…

5. Gomen nasai

Phiên bản xin lỗi chính thức và nghiêm túc nhất của bộ ba gomen chính là “gomen nasai”. Cả nam và nữ đều có thể sử dụng gomen nasai, nhằm xin lỗi chân thành vì những sai sót và lỗi lầm đã gây ra. Gomen nasai thể hiện mức độ xin lỗi cao, có tính chân thành và tôn kính với đối phương dù đó là người lạ hay quen.

6. Moshi wakenai desu

Quy củ hơn rất nhiều so với những từ trước đó là “moshi wakenai desu”, thường được sử dụng để nói với đối tác kinh doanh, nhân viên bán hàng cũng thường dùng câu này đối với khách. Nó có âm điệu và mức độ tương tự gomen nasai, nhưng lịch sự hơn. Cách nói này tương đương với “I’m so sorry” trong tiếng Anh.

7. Moshi wake gozaimasen

“Gozaimasen” là cách xin lỗi cực kì lịch sự. Người xin lỗi đặt đối phương lên một mức độ cao nhất của keigo – thể kính ngữ trong tiếng Nhật. Tuy nhiên, bạn sẽ không nghe thấy cụm từ này nhiều trừ khi nhân viên nhà hàng, quán ăn mắc lỗi thật sự lớn. “Moshi wake gozaimasen” thường được dùng trong mail trao đổi trong công việc, xin lỗi khách hàng hoặc cấp trên.

8. Shitsurei shimashita

“Shitsurei” có nghĩa là thất lễ, nhưng “shimashita” có nghĩa là “đã làm” nhấn mạnh thì quá khứ, cả câu này có nghĩa là “tôi đã lỡ thất lễ rồi”, nhằm tự nhận thức rằng hành động của mình là không đúng. “Shitsurei shimashita” thường được dùng khi hành động bị “hố”, như nhân viên cửa hàng đưa túi nhựa cho bạn khi bạn không cần, hoặc khi họ đánh rơi một thứ đồ gì đó trong bếp và tạo nên tiếng động khiến khách hàng chú ý. Đây hoàn toàn không phải xin lỗi mà chỉ muốn người nghe nhận ra thành ý của mình.
Khi bạn đi vào nhà ai đó, bạn cũng sẽ nói “shitsurei shimasu” có nghĩa là tôi xin phép thất lễ. Câu này cũng có thể lịch sự hơn rất nhiều bằng cách chuyển sang thể kính ngữ “shitsurei itashimashita”.

Tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản thật là đặc biệt và thú vị phải không nào?! Nếu sau khi đọc xong bài viết này và bạn còn phát hiện thêm một điều gì đó khác thì đừng ngần ngại mà hãy chia sẻ với KaizenYoshidaSchool và mọi người để chúng ta cùng bàn luận và học hỏi tiếng Nhật tốt hơn nhé!

scroll top