04/12/2018
7742
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Cầu nối Việt - Nhật
Hành trình đến Nhật du học của cô gái アン ちゃん

Đây là câu chuyện của một cô gái 25 tuổi tự nhận mình là “còn nhiều thiếu sót, ngu ngơ, ngây thơ như thỏ trắng” nhưng đã quyết định từ bỏ một công việc ổn định, lương cơ bản và sống xa gia đình để đi du học Nhật Bản. Bởi vì cô ấy rất muốn trở thành một phiên dịch trong tương lai.

Cô ấy nói: “Tôi đã hỏi ý kiến rất nhiều người, có lẽ câu trả lời đã thúc đẩy bản thân tôi nhất chính là: Cũng đâu mất gì nhiều, cùng lắm chỉ mất một năm, nhưng mày chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều”.

Cô ấy nói: "Tôi biết đây chỉ mới là khởi đầu của một cuộc hành trình. Tôi không chắc, quyết định của tôi là đúng hay sai, nhưng tôi có thể chắc chắn, tôi sẽ và phải cố gắng hết sức để cuộc đời mình tốt nhất".

 

Dưới đây, Esuhai xin chia sẻ lại trang nhật ký trước ngày sang Nhật du học của Chu Thị Kim Anh đến quý vị độc giả:

“Du học”, hai từ dường như đã có lúc chỉ là xa lạ đối với tôi. Nhưng nó lại đến như một cái duyên trời định. Đây không hẳn là một câu chuyện phi thường, đơn giản tôi muốn kể cho bạn nghe hành trình của một cô gái với nỗ lực bình thường, cuộc sống bình thường và quyết định du học một cách bất thình lình.

Lời đầu tiên xin được nói: “Xin Chào”. Tôi tên Chu Thị Kim Anh. Nếu như tôi qua Mỹ, người Mỹ sẽ không căn nhằn hầu như người Việt toàn tên Nguyễn nữa. Nhưng vì trót yêu Nhật, bạn có thể gọi tôi thân thương là “アン ちゃん” (bé Anh).

Tôi bén duyên với việc du học khi tôi đang ở cái tuổi lửng lơ của cuộc đời, không còn quá trẻ trung như 2x nhưng cũng chẳng mặn mà như anh chị 8x. Tôi thuộc cái thế hệ giao mùa giữa hai thế hệ. Vẫn được chơi hầu hết các trò chơi dân gian, vẫn được dí mắt vào máy tính chat chít, thậm chí chúng tôi còn được tiếp cận với smartphone rất sớm.

Tôi 25 tuổi. Dẫu đã đi được 1/3 cuộc đời (mạn phép cho tôi sống dai đến 75 tuổi nhé) tôi vẫn thấy mình còn nhiều thiếu sót, ngu ngơ, ngây thơ như thỏ trắng. Tôi như nhiều học sinh sinh viên khác, sau khi tốt nghiệp tại Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, ngay lập tức muốn bươn trải vào đời kiếm tiền làm niềm vui sướng chứ chẳng muốn học thêm. Bản tính của tôi vốn yêu đời, thích tự lập, tự do, dự định cuộc đời sẽ là đi làm kiếm được tiền rồi để dành rồi du lịch mua sắm, cuộc đời sẽ cứ thế bình yên, phẳng lặng.

Thật ra, cũng trải qua bao phen sóng gió phỏng vấn, rốt cuộc cũng được thương hại cho vào làm vị trí nhân viên giá thành của một doanh nghiệp Nhật Bản. Chính tại đây, một cô gái chẳng biết gì đã biết thêm một chút về cuộc sống. Ngoài những kỹ năng làm việc, tôi được học hỏi rất nhiều điều từ phong cách làm việc, văn hóa và cách ứng xử trong công ty. Nghiêm túc, thận trọng, chăm chỉ chính là 3 yếu tố tôi cảm thấy nể phục người Nhật. Từ việc nể phục, ngưỡng mộ rồi chuyển sang yêu thích lúc nào không hay. Tôi bắt đầu tìm hiểu học tiếng Nhật khi trong công ty bắt đầu có chương trình dạy tiếng Nhật cho mọi người. Nhớ ngày đầu tôi hào hứng đi học biết bao rồi cũng gục ngã vì 92 ký tự chữ cái tiếng Nhật thần thánh, vật vã lắm mới vượt qua thì lại gặp thêm 2000 chữ hán tự. Đúng là tiếng Nhật thật khó, nhưng hình như càng học ta lại càng thấy nó thú vị. Chắc các bạn cũng từng như tôi, dùng “đệt” ở mỗi cuối câu, và ăn đất nước mỗi khi đói. Những ngại ngùng, mù tịt ban đầu dần được thay thế bằng những câu nói đơn giản, những câu chọn đúng ngữ pháp, rồi lại đọc được những đoạn văn ngắn, loáng thoáng nghe được vài câu nói trong một bộ phim Nhật… cảm giác thật vui như bước đầu có được thành tựu. Mỗi lần nhìn mọi người nói tiếng Nhật, hay những chị phiên dịch trong công ty dõng dạc nói ra ý sếp, thì bản thân cảm thấy thật ngưỡng mộ, rất muốn mình có thể giỏi như vậy.

Trong giây phút ấy, tôi nhận ra mình rất muốn trở thành một phiên dịch, tôi phải giỏi tiếng Nhật, tôi muốn được đến Nhật, tôi muốn được trải nghiệm nhiều hơn nữa. Nhưng rồi lại ập đến những suy nghĩ khác, tôi có đủ khả năng không, tôi có tự tin khi đi xa như thế, tôi có gia đình của mình, có một công việc ổn định, lương cơ bản, tôi đành chấp nhận bỏ qua mọi thứ không? Việc yêu thích phiên dịch, tiếng Nhật, muốn đến Nhật có phải là lý do nhất thời không, liệu sau một thời gian tôi sẽ thất bại rồi thất vọng không, rồi sẽ cô đơn khóc ở Nhật? Không một ai có thể khẳng định được cho tôi đi Nhật là tốt hay xấu, chính bản thân tôi cũng không phân định được. Nhưng có phải nếu tôi không dám tiến bước, tôi sẽ có thể hối hận một đời không? Đúng là tôi vẫn có thể chọn học ở Việt Nam cho đến khi thành thạo, nhưng tôi muốn nhanh chóng giỏi, nhanh chóng thực hiện ước mơ, và hơn nữa tôi muốn đến Nhật để trải nghiệm. Tôi đã hỏi ý kiến rất nhiều người, có lẽ câu trả lời đã thúc đẩy bản thân tôi nhất chính là: “cũng đâu mất gì nhiều, cùng lắm chỉ mất một năm, nhưng mày chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều”. Phải! Tôi chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều thứ, từ tiếp thu ngôn ngữ, từ trải nghiệm văn hóa, hơn hết là tôi sẽ không phải hối hận vì không dám mạnh mẽ thực hiện ước mơ.

Quyết tâm là vậy, nhưng đến khi bắt đầu tìm kiếm cách thức du học cũng là một khó khăn. Rất nhiều trung tâm, rất nhiều lựa chọn, nhiều giấy tờ, nhiều điều kiện cần đáp ứng. Tôi thực sự đã đầu tư tìm kiếm và xin được tư vấn ở rất nhiều trung tâm. Đắn đo, suy nghĩ, và cũng có chút lo lắng. Cuối cùng tôi đã chọn Esuhai chính là nơi sẽ chắp cánh để tôi thực hiện hóa giấc mơ của mình. Esuhai có lẽ đã rất nổi tiếng trong vấn đề xuất khẩu lao động, nhưng du học thì không nhiều người biết. Tôi tìm hiểu sơ lược thông tin về công ty, chắc chắn về độ uy tín, và danh tiếng của công ty sẽ giúp tôi làm hồ sơ tốt nhất. Khi chọn cách tư vấn trực tiếp tôi được gặp cô gái tên Trang đáng yêu, cô gái nhiệt tình giải quyết mọi vấn đề của tôi, nơi giải quyết mọi thắc mắc của một người hay hoài nghi, lo lắng và sợ hãi như tôi. Chắc có lẽ tôi làm phiền Trang nhiều lắm, mà tôi cũng dám chắc, chẳng ai mà lại đi hỏi ngược người tư vấn nhiều như tôi, đặt ra vô số giả thuyết như kiểu cả thế giới xui xẻo sẽ luôn đeo đuổi tôi, tôi phải phòng ngừa tất cả. Nhưng bạn cũng rất nhiệt tình, không hề nề hà, cáu gắt, hay thậm chí còn điềm tĩnh giải thích, trấn an tôi mỗi khi tôi lo lắng thái quá. Trang đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của một người dẫn dắt, tư vấn và giải quyết hồ sơ.

Đánh giá 8/10 nhé (trừ 2 điểm cái tội thỉnh thoảng quên béng tôi). Bên cạnh đó, những buổi Oden của anh Sơn cũng rất hữu ích. Mặc dù tôi ở xa, việc di chuyển lên xuống khá bất tiện và còn phải sắp xếp công việc hiện tại không dễ dàng. Lúc đầu thành thật không thích phải đi nhiều như vậy, nhưng khi tham dự những buổi hoạt động này tôi mới hiểu mức độ cần thiết của nó. Anh chia sẻ kinh nghiệm, cuộc đời, cuộc sống ở Nhật và truyền cho chúng tôi thêm động lực cố gắng. Những lúc hồ sơ trục trặc và khó khăn, nhiều lúc tôi cũng muốn buông bỏ, nhưng nhờ có anh Sơn, Trang và gia đình luôn ủng hộ giúp đỡ mà tôi đã luôn cố gắng, cố gắng thêm một chút, cố gắng hơn nữa. Sau một khoảng thời gian chờ đợi, lo lắng, luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng bị cục phỏng vấn, thậm chí anh trai tôi (người bảo lãnh) đã in nguyên xấp tài liệu hồ sơ của tôi để học thuộc, cuối cùng nhận được tin báo đậu COE từ Trang, mọi thứ như bùng nổ. Đúng là khi trải qua khó khăn, nhận được kết quả tốt chính là sự đền đáp thích đáng nhất. Xin cám ơn Trang, anh Sơn, cám ơn đại bộ phận Esuhai, và gia đình đã luôn bên cạnh ủng hộ khích lệ và giúp đỡ hỗ trợ hồ sơ của tôi thành công. 

Tôi biết đây chỉ mới là khởi đầu của một cuộc hành trình. Tôi không chắc, quyết định của tôi là đúng hay sai, nhưng tôi có thể chắc chắn, tôi sẽ và phải cố gắng hết sức để cuộc đời mình tốt nhất.

(Nhật ký của Chu Thị Kim Anh – Du học sinh Trường Hamamatsu Japan Language College. Xuất cảnh nhập học kỳ tháng 10/2018)

scroll top