25/04/2012
12898
0
Tin này thuộc chuyên mục: Vườn ươm nhân tài > Gương thành công
Tổng Giám đốc Vinamit - Người đưa thương hiệu Mít Việt Nam ra thế giới

Cha làm công chức, mẹ có một cửa hàng tạp hóa, Nguyễn Lâm Viên sinh năm 1961, là một trong số chín người con của gia đình. Nhưng cả gia đình không trông vào những đồng lương công chức ít ỏi của người cha mà chính tiệm tạp hóa có tên Đức Thành ở chợ Gò Vấp do bà mẹ quán xuyến mới là nguồn sống chính nuôi chín người con ăn học.

Lựa chọn một con đường

Những năm đầu sau giải phóng là những năm đầy khó khăn với gia đình Nguyễn Lâm Viên. Bố ông nghỉ làm. Công việc buôn bán của mẹ ông thu hẹp lại và bà nằm bệnh suốt ba năm trời. Vào những năm đó, Nguyễn Lâm Viên không thích nghề kinh doanh. Thâm tâm anh cho rằng kinh doanh là một cách làm ăn có tính “lươn lẹo” để kiếm lời…

Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng Giám đốc công ty Vinamit

Anh mê âm nhạc và những gì thuộc về khoa học xã hội. Nhưng trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Nguyễn Lâm Viên đành phải chọn con đường vừa học vừa đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tranh thủ ngoài giờ học, anh đi bỏ mối pin và tham gia may chiếu cho Tổ hợp chiếu Ngọc Xuân, Gò Vấp.

Anh cũng từng học nghề ở xưởng cơ khí Huỳnh Đức, nhưng thực ra chỉ làm công việc quét dọn, tạp dịch…Học xong ngành nông lâm, Nguyễn Lâm Viên về Cty Nông trường Sông Ray.

Chính từ đây anh tiếp cận công việc xuất khẩu và học được những điều cần thiết cho đường đời của anh sau này. Rời Công ty Nông trường Sông Ray Đồng Nai, anh về làm việc tại một công ty xuất khẩu mỹ nghệ ở TP Hồ Chí Minh. Và từ đây Nguyễn Lâm Viên bắt đầu con đường cho riêng mình bằng Tổ hợp xuất khẩu mây, tre, lá Đồng Tâm.

Nhưng chỉ ít năm sau nhận ra nguồn nguyên liệu mây, tre, lá không phải là vô tận, anh lại phải trăn trở, tìm tòi cho mình hướng đi khác. Anh lại tiếp tục vừa học vừa làm. Đó là thời kỳ công nghệ hút chân không ra đời và được áp dụng vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Đó cũng là lúc đất nước bước vào thời mở cửa, Luật Doanh nghiệp được ban hành. Nhờ mua được một thiết bị chế biến trái cây sấy khô trả chậm, Công ty TNHH Đức Thành của anh đã khai sinh. Anh lại phải vừa làm vừa học để đi theo một hướng mới.

Đề án tốt nghiệp khóa học ở Đài Loan của Nguyễn Lâm Viên là Mít. Đối với anh, mít là một cây xóa đói giảm nghèo. Cũng bởi cây mít dễ trồng, hạt quăng ra vườn là sẽ có một cây mít mọc lên. Cây mít cho người trồng tất cả: múi mít đưa vào ăn tươi hoặc chế biến đều giữ được mùi thơm độc đáo riêng; vỏ, ruột và hạt trái mít làm thức ăn cho gia súc hoặc phân bón; gỗ mít làm đồ mỹ nghệ. Với thiết bị chế biến hàng trái cây sấy khô, Nguyễn Lâm Viên cho ra lò hai mặt hàng đầu tiên là mít và chuối sấy khô. Sản phẩm thử nghiệm được bạn bè ăn thử. Nhận xét chân tình của mọi người là mít còn cứng và chuối còn chát. Lại phải tìm cách khắc phục.

Sản phẩm Vinamit

Cuối cùng, sản phẩm Vinamit ra đời. Vào những năm đầu thập kỷ 90, hàng hóa Việt Nam hầu như vẫn còn thói quen chờ khách hàng tìm đến. Nhưng Nguyễn Lâm Viên đã nghĩ ngược lại. Anh đích thân đem Vinamit đi tìm “thượng đế” của mình. Vinamit được mang sang chào hàng ở các chợ đầu mối bên Đài Loan. Nhưng các bạn hàng ở đây lắc đầu. Đơn giản là họ chưa biết tới mít. Nguyễn Lâm Viên đành phải mang Vinamit ra bày bán tại vỉa hè ở đó.

Dạo ấy vào dịp Tết, các bà nội trợ Đài Loan chen nhau đi mua sắm. Họ đã xúm nhau ở vỉa hè để nếm thử và mua Vinamit. Các nhà buôn đã chứng kiến cảnh đó và họ đã không bỏ lỡ cơ hội một lần nữa. Vậy là Vinamit tìm được chỗ đứng. Sang Trung Quốc, Nguyễn Lâm Viên đưa sản phẩm của mình tới khách hàng trên những chuyến xe lửa. Anh nghĩ hành khách có thêm Vinamit nhâm nhi sẽ vơi đi nỗi mệt đường dài… Và rồi những chuyến xe lửa như vậy đã đưa Vinamit tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.

Nông trang của Vinamit

Cho tới nay, sản phẩm của Vinamit không chỉ có mít mà còn là chuối, khoai lang, dứa, khoai môn, bí sấy, cùi dưa dẻo, ổi dẻo, kẹo bơ đậu phộng… Vinamit đang chuẩn bị trình làng thêm sản phẩm khổ qua, đậu bắp, ớt, đậu cô ve… Có loại ngọt, có loại mặn nhằm đáp ứng xu hướng người tiêu dùng đang ngày một chuyển sang những thực phẩm chế biến từ cây trái.

Tâm - Tín - Tài - Tiền

Bây giờ thì Vinamit không chỉ có ở thị trường Đài Loan hoặc Trung Quốc. Nơi nào có cộng đồng người Việt sinh sống, nơi đó có sản phẩm của Vinamit. Công ty TNHH Đức Thành của Nguyễn Lâm Viên đổi thành Deltafood và có cả một nhà máy với trên 500 công nhân thường xuyên và trên 3.000 công nhân vào những lúc thời vụ. Công ty của anh còn có 200 ha đất nhân giống mít đại trà cung cấp cho khoảng 4.000 hộ trồng trọt bao tiêu theo hợp đồng 8 năm.

Công ty cung cấp giống và theo dõi suốt quá trình trồng trọt của người được bao tiêu hợp đồng và cuối cùng là thu mua thành phẩm theo giá thị trường. Tuy vậy, người trồng vẫn có thể bán mít ngon cho người ăn tươi trước, bán cho nhà máy sau và khi không bán được thì nhà máy sẽ bao hết với giá tối thiểu là 2.000 đồng/kg múi mít. Rõ ràng một kế hoạch khép kín từ cung cấp giống, mua thành phẩm nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến của công ty hoạt động liên tục và lâu dài đã hình thành.

Ông Nguyễn Lâm Viên trong nông trang Vinamit

Sắp tới, công ty của anh sẽ xây dựng thêm một nhà máy ở Buôn Ma Thuột và một ở Bình Phước để tiếp nhận nguyên liệu chế biến tại chỗ. Phương châm của Nguyễn Lâm Viên là nơi trồng trọt phải gắn liền với nhà máy chế biến. Ngoài việc xây dựng nhà máy, công ty còn xây dựng những căn hộ tập thể cho công nhân bằng cách bán rẻ những lô đất, cho công nhân trả góp đối với những người lập gia đình mà hai vợ chồng đều làm việc ở nhà máy. Công ty cũng khuyến khích bằng vật chất thích đáng cho những người có sáng kiến tăng năng suất trong lao động sản xuất…

Thương hiệu Vinamit qua từng thời kỳ

Ba mươi năm sau ngày Sài Gòn giải phóng, từ một thiếu niên vừa học vừa đi bỏ mối pin, đi may chiếu, Nguyễn Lâm Viên đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Anh cho biết, có lúc cơ sở anh bị cháy toàn bộ, đã từng bị trả về một lúc 23 container hàng xuất khẩu do thiếu kinh nghiệm quản lý, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu của khách hàng… Nhưng sau tất cả những thành công cũng như thất bại trong ba mươi năm ấy, anh đã lựa chọn cho mình một con đường để đi đến thành công. Đó là con đường dựa trên yếu tố Tâm - Tín - Tài - Tiền làm nền tảng. Bởi không có chữ Tâm, chữ Tín thì doanh nghiệp khó bền vững được Tiền, Tài…

Theo Vinamit.com.vn

scroll top